Hoài niệm cầu Long Biên

17:43 06/09/2010

(Bài dự thi) - Trước năm 1975, khi nước nhà chưa thống nhất, trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hình ảnh cầu Long Biên và Tháp Rùa mang niềm đau đáu nhớ thương của người Hà Nội đi xa. Nay Hà Nội mở rộng có biểu trưng lầu Khuê Văn Các nói lên lịch sử ngàn năm văn hiến, nhưng trong tâm tưởng người đời hình ảnh cầu Long Biên vẫn mang một ý niệm về Hà Nội…

Hai bờ sông Nhị ở Thăng Long có nhiều địa danh lịch sử: bến Bình Than, Bồ Đề, Ô Quan Chưởng… đầu cầu bờ Bắc có chùa Bồ Đề, quanh đầu cầu bờ Nam có đình Thanh Hà thờ anh hùng chống giặc Nguyên Mông, hàng chục đền cổ nay vẫn còn như: Phúc Lâm, Nghĩa Lập, Yên Thuận, Thạch Khối, Bạch Mã ,Hương Bài… ngày nay hương khói tôn thờ linh thần và các bậc tài hoa anh kiệt của đất cổ Thăng Long. Khi vua Quang Trung đại phá quân Thanh cầu phao trên khúc sông này dìm chết hàng vạn tên xâm lược… Cầu Long Biên nằm trong không gian huyền linh ấy của Thăng Long.

Từ khi xây dựng, cây cầu ghi thêm nhiều sự kiện bi hùng. Đó là:

Sau khi thôn tính xong Bắc Kỳ, thực dân Pháp cần có cây cầu mang tên toàn quyền Đu me (Doumer) mà dân ta gọi là cầu sông Cái. Cầu này để triển khai đường quốc lộ từ Hà Nội đi các nơi. Từ 1902 đến 1910 làm đường hỏa xa Vân Nam mở rộng thông thương, khai thác tài nguyên và chuyển quân đi đồn trú, đàn áp các cuộc nổi dậy của dân ta. Khởi công ngày 12/9/1898 hợp long ngày 03/02/1902 và 8 giờ sáng ngày 28/02/1902 làm lễ khánh thành với đoàn tàu hỏa rời ga Hàng Cỏ đưa vua Thành Thái, toàn quyền Doumer và tùy tùng qua cầu. Cầu có 20 trụ (mố) cao 44 mét, trong đó 30 mét nằm dưới nước, toàn bộ bằng thép dầm treo gối nhau, kết nối bằng đinh tán và bulông, có chiều dài 1682 mét, cao 17 mét trên mặt trụ và 61 mét so với móng; hai bên có hành lang đi bộ rộng 1,3 mét; lan can cao 1 mét theo kiểu lan can ở tháp Eiffel. Đó là một trong bốn chiếc cầu to đẹp nhất thế giới hồi đầu thế kỷ 20. Công trình dùng hết 53.000 tấn thép; 30.000 mét khối đá.

Kỹ sư Eiffel tác giả dựng tháp Eiffel ở Paris cũng chính là người thiết kế cầu này. Thi công do hai Công ty Pháp Daydé và Pillé thực hiện. Họ sử dụng từ 2000 đến 3000 người bản xứ dưới hướng dẫn của 40 kỹ sư, đốc công người Pháp. Chưa có máy móc tiên tiến để dựng cầu, điều kiện an toàn lao động không đầy đủ, những người thợ phải chui trong ống giếng bằng thép dìm sâu dưới sông dùng sức người đào, chuyển đất đá, xây trụ cầu, thường chết ngạt vì thiếu không khí, bị nước xối cùng đất đá vùi dưới đáy sông hoặc treo mình trên cáp để lắp ghép mà trượt rơi xuống chết dưới sông và ở mặt cầu. Mọi tai nạn cướp đi sinh mạng hơn một phần mười số người đi làm cầu và biết bao người tàn phế. Sự bóc lột dã man của thực dân còn thể hiện ở con số sau đây: Tại Paris dựng tháp Eiffel cao 276 mét trong hơn hai năm dùng  9.757 tấn thép, chi phí 7,46 triệu francs. Cùng thời kỳ ấy xây cầu Doumer công trường lớn, khó khăn, dùng nhiều nhân công với thời gian dài hơn, lượng thép gấp hơn 5 lần nhưng chi phí chỉ 6,2 triệu francs.


Ảnh: Đỗ Đức

Từ khi có cầu sông Cái dưới chế độ cũ năm nào cũng có vài chục người cùng quẫn vì sinh kế, bệnh tật, tệ nạn, tình duyên…lên cầu ra giữa dòng sông gieo mình tự vẫn. Vì thế, cầu sông Cái mang đầy nỗi đau thương của người dân nô lệ.

Cách mạng Tháng Tám thành công, cầu sông Cái được dân ta gọi là cầu Long Biên đã tham gia nhiều sự kiện lịch sử. Trong thời gian đầu kháng chiến toàn quốc, từ 20 giờ ngày 17/02/1947 thân cầu đã bịt mắt giặc cho toàn bộ Trung đoàn Thủ đô gồm hơn 1200 cán bộ chiến sĩ và một số đồng bào bí mật luồn dưới gầm cầu rút khỏi Hà Nội an toàn tuyệt đối, không ai bị thương vong, bị bỏ sót, lập nên một kỳ tích trong kháng chiến chống Pháp. Thời gian sau đó đảo Trung Hà (bãi giữa) và các bãi ven dưới chân cầu bí mật che giấu các cán bộ, chiến sĩ hoạt động nội thành. Để rồi, 8 năm sau, chính chiếc cầu này là nơi đầu tiên đón các chiến sĩ đầu tiên của Trung đoàn Thủ đô chiến thắng trở về Hà Nội. Đó là, Hà Nội chính thức hoàn toàn giải phóng ngày 10/10/1954 nhưng theo thỏa thuận, từ sáng 08/10/1954 một Tiểu đoàn của Trung đoàn Thủ đô gồm 214 cán bộ chiến sĩ được quân đội Pháp đón lên xe GMC từ cầu Đuống về nhà thương Đồn Thủy để chia đi tiếp quản 35 cơ sở trọng yếu trước khi toán lính Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội qua cầu Long Biên hồi 16h30 phút ngày 09/10/154. Câu chuyện đầy chất sử thi của cuộc ra đi và trở về ấy đem lại cảm xúc rưng rưng cho bao thế hệ người Hà Nội.

Trong kháng chiến chống Mỹ, địch tìm mọi cách phá cầu Long Biên bằng tên lửa, bom định vị... Từ 1967 đến 1972 máy bay Mỹ 14 lần đánh lớn vào cầu Long Biên. Tổn thương nặng nhất là ngày 11/08/1967 hai nhịp giữa bị đánh đổ xuống sông, một nhịp khác bị hư hại nặng. Ta nhanh chóng khắc phục để đảm bảo giao thông; nhưng cuối tháng 10/1967 máy bay Mỹ đánh gãy tiếp từ nhịp 11 đến nhịp 13 bên đầu Gia Lâm. Từ ngày ấy cầu được tạm bắc lại, tiếp tục gia cố, sửa chữa nhiều lần để giữ được tình trạng như hiện nay. Cũng không thể quên cầu rồng từng phun lửa đánh giặc trời. Bất chấp gian khổ hy sinh, bộ đội ta làm sàn trên đỉnh vòm cầu đặt súng bắn máy bay bổ nhào phá cầu của địch. Trước khi có cầu Thăng Long, Chương Dương, một mình cầu Long Biên phục vụ trọn vẹn các yêu cầu chiến đấu và quốc kế dân sinh. Cầu Long Biên cần xứng đáng được tôn vinh Anh hùng.

Sẽ không đầy đủ nếu chưa nói đến phần đường dẫn phía Hà Nội dài 609 mét gồm 127 vòm đá cách nhau 5 mét với 5 dàn thép gọi là “cầu chui” vượt qua các phố Trần Nhật Duật, Hàng Giấy, Hàng Cót, Lê Văn Linh, Cửa Đông ví như chiếc đuôi rồng từ bờ đông thành Thăng Long vươn bay ra trên mặt nước sông Hồng làm cho cầu rồng càng thêm toàn mỹ và ý nghĩa. Trước kia dân nghèo sống lam lũ dưới gầm cầu với bao chuyện buồn thương, là nơi ẩn náu những tệ nạn. Khi Mỹ đánh phá cầu, ngày 13/12/1966 ném bom cả ven đường dẫn, sát hại dân ta, nay có bia căm thù ở bức tường nhà số 10 Nguyễn Thiếp. Nép dưới đuôi rồng ở phố Lê Văn Linh từng có thời là trại giam tù binh phi công Mỹ.

Hình ảnh tương phản của đoàn tàu máy móc đồ sộ rầm rầm đi giữa không gian như lặng lẽ của hai dòng ngược xuôi những xe thô sơ, người đi bộ và những đôi vai gánh gồng. Đầu bờ Nam là bến xe và chợ đầu mối đón sản vật nông lâm thủy sản… từ các vùng bên kia sông tập nập đưa về, để rồi tỏa đi mọi ngả -  là nơi tụ hội ngày ngày của lớp người bươn chải mưu sinh, như vẫn vấn vương đường nét sinh hoạt của một thời xưa cũ… Gần đây cầu Long Biên còn trở nên thơ mộng bởi các đôi cô dâu chú rể lên chụp ảnh kỉ niệm trăm năm, và tưng bừng ngày lễ hội. Họ đến đây không chỉ vì cái đẹp của cầu, còn để tìm lại dư âm những nét sinh hoạt xa xưa, mang khát vọng niềm hạnh phúc vượt khó khăn đề bền vững trăm năm như thân phận cây cầu. Cầu Long Biên còn là nơi gần nhất, tiện nhất cho người dân giữa Thủ đô đi bộ dạo chơi trên sông nước với tầm nhìn bát ngát mênh mông, thấy được vẻ đẹp lung linh của Ba Vì, Tam Đảo. Dưới chân cầu, con đường gốm sứ cũng tô điểm thêm muôn màu rạng rỡ, tươi vui… Những sinh hoạt sống động ấy chẳng chiếc cầu nào ở Hà Nội có được.

Trên sông Hồng thêm nhiều cầu mới to đẹp, nhưng cái khác lạ của cầu Long Biên thì chẳng thể ai lầm. Là thành tựu độc đáo về kỹ thuật và kiến trúc của thế giới đầu thế kỷ 20, nay còn hiếm thấy; là cây cầu lịch sử gắn với cuộc đấu tranh của dân tộc; là cây cầu gắn với nhiều sinh hoạt trong cuộc sống thường ngày của người Hà Nội xưa, nay và sẽ cả mai sau… Để cầu Long Biên xứng đáng hơn, ý nghĩa hơn, chúng ta cần giữ được màu xanh của cỏ cây hoa lá, những luống rau màu tươi tốt ở đảo Trung Hà và các bãi ven sông. Nhanh chóng để không còn những cảnh đời long đong phiêu dạt, những ngôi nhà lộn xộn dưới hai bên cầu, mà những nơi này sẽ phải là các vườn hoa, công trình công cộng tươi đẹp văn minh. Ta cũng chẳng cần dựng lại những nhịp cầu đã mất, cứ giữ nguyên giá trị chứng tích của chiến tranh và lịch sử, những sửa chữa, thay mới các kết cấu, luôn bảo trì và sơn lại cho bền vững lâu dài để đi lại thuận lợi an toàn hợp với nhu cầu đương đại. Nên dựng ở hai đầu cầu tấm điêu khắc lớn hình ảnh cây cầu khi còn nguyên vẹn, nêu rõ thời gian xây dựng, thời gian bị máy bay Mỹ phá sập các nhịp cầu. Sưu tầm tài liệu, hiện vật để lập nhà “Bảo tàng cầu Long Biên” ở bên đầu cầu Hà Nội. Trên cầu, ngoài đường sắt chỉ nên cho xe thô sơ, người đi bộ và xe chạy điện nhỏ của tour du lịch, để sau mỗi chuyến tàu qua thì đây là khoảng không gian thoáng lặng êm đềm giữa lòng Hà Nội. Chúng ta mới tổ chức đột suất mà chưa nghiên cứu để có những ngày “Hội Cầu” và sinh hoạt định kỳ truyền thống, nâng lên thành “thương hiệu”; những sáng tác văn nghệ với riêng cầu Long Biên cũng chưa nhiều, chưa tương xứng với tầm vóc văn vật của cây cầu.

Còn nhiều việc cần làm cho cầu rồng thêm những chuyện cũ, mới.

Mai Thế Hưng

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự