Cầu Long Biên - Dấu ấn tuổi thơ tôi

14:58 30/08/2010

(Bài dự thi) - “Ai nước vối nóng điếu cày kêu đây”, tiếng rao một thời thơ ấu chợt bật lên trong tiềm thức của tôi sau khi được biết có cuộc thi “Cầu Rồng kể chuyện 1000 năm” do báo Thể thao Văn hóa tổ chức.

Tôi sinh ra và lớn lên ở Bãi Phúc Xá. Tuổi thơ của tôi gắn liền với dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa và cây cầu Long Biên huyền thoại.

Ngày đó cuộc sống của đất nước ta còn vô cùng khó khăn nên chưa xây dựng được nhiều cây cầu như bây giờ. Cầu Long Biên lúc đó được ví như mạch máu giao thông chính của các tỉnh phía Bắc qua sông Hồng về Hà Nội. Gánh trên mình những chuyến tàu khách, tàu hàng, ôtô khách, ôtô tải, người bộ hành gồng gánh nông, hải sản qua cầu vào thành phố mưu sinh.

Vì là cây cầu lớn duy nhất bắc qua sông Hồng lúc bấy giờ nên cầu Long Biên thường xuyên bị quá tải, hay bị ùn tắc. Dưới cái nắng gay gắt hay những ngày đông giá rét, từng đoàn xe nối đuôi nhau trên cầu chờ thông đường.

Cái khó ló cái khôn. Chị em tôi được mẹ sắm cho một quán nước di động trên cầu, với chiếc ấm ủ nước vối hoặc nước chè xanh, chiếc làn tre Lạng Sơn cùn dăm chiếc bát sành và cái điếu cày, chúng tôi có thể len lỏi qua những chiếc xe phải dừng đỗ trên cầu với tiếng rao “ai nước vối nóng điếu cày kêu đây”. Lúc đó tôi mười tuổi.

Lớn thêm chút nữa cũng là lúc đất nước bước vào cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mĩ. Dân Phúc Xá nằm giữa hai trọng điểm đánh phá của giặc Mỹ là nhà máy điện Yên Phụ và cầu Long Biên. Tôi được chứng kiến cầu Long Biên như một người lính gan dạ đã sát vai cùng những người lính phòng không dũng cảm và những người thợ cầu anh hùng ngày đêm đương đầu với bom đạn kẻ thù, bảo vệ và hàn gắn những vết thương do chúng gây ra, để đảm bảo cho những chuyến tàu, xe quân sự mang sức người sức của chi viện cho tiền tuyến. Tôi đã đứng nhìn theo mãi những đoàn tàu chở những khẩu pháo, những quả tên lửa hùng dũng vượt qua cầu.


Ảnh: Đỗ Đức

Là những người con của Hà Nội không ai có thể quên mười hai ngày đêm của tháng 12 năm 1972, trời Hà Nội đỏ lửa, giặc Mỹ đã điên cuồng ném bom xuống cầu Long Biên hòng cắt đứt mạch máu giao thông quan trọng này do bị quân ta đánh trả quyết liệt mà hàng trăm người dân An Dương đã ngã xuống bởi loạt bom chúng ném chệch cầu. Nghe theo lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ, chúng tôi được sơ tán ra khỏi nội thành Hà Nội về những vùng nông thôn nhưng vẫn đau đáu một ánh nhìn về Long Biên Hà Nội.

Sau mấy chục năm đất nước thống nhất, Hà Nội đã có thêm nhiều cây cầu mới bắc qua sông Hồng, nhưng cầu Long Biên vẫn như mạch máu không ngừng chảy về trái tim Tổ quốc. Vẫn những dòng người gồng gánh vượt cầu vào thành phố mưu sinh, vẫn những chuyến tàu hàng tàu khách ngày đêm nối đuôi nhau qua cầu.

Năm 2009, lễ hội “Ký ức cầu Long Biên” được tổ chức làm sống lại không khí hân hoan của người dân Hà Nội chào đón bộ đội cụ Hồ về giải phóng Thủ đô, để lớp lớp con cháu ngày nay biết đến cây cầu Long Biên là một chứng nhân lịch sử hào hùng của dân tộc. Qua Lễ hội, người dân chúng tôi mong muốn lễ hội được tổ chức thường niên để cầu Long Biên dần trở thành một bảo tàng sống của người dân Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

Tôi cũng đã đi qua nhiều cây cầu và tuổi thơ cũng đã đi qua không trở lại. Nhưng mãi mãi cầu Long Biên là dấu ấn tuổi thơ tôi.
                                     
        Phạm Thị Mai

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự