Nhớ mãi lần đến thăm cầu Long Biên duy nhất trong đời

16:45 18/08/2010

(Bài dự thi) - Mẹ tôi bảo: "Ngày ba tập kết ra miền Bắc con mới lên 2 tuổi’’. Đầu năm 1976 ba về thì cuối năm ấy mẹ tôi sanh em tôi. Bữa nọ tôi nghe ba cất tiếng ru em: "Hà Nội có cầu Long Biên/ Vừa dài vừa rộng bắc trên sông Hồng/ Tàu xe đi lại thong dong/ Người người tấp nập gánh gồng ngược xuôi...’’, tôi mới hỏi: "Cầu Long Biên, con đã đọc trong sách, báo. Cầu lớn lớn lắm hả ba?’’. Ba gật đầu: "Con không tưởng tượng nổi đâu, nó là một trong những cây cầu dài nhất thế giới. Riêng phần cầu chính bằng sắt đã hơn cây rưỡi số, nếu tính cả đường lên cầu, hay còn gọi là dốc cầu của cả hai bên thì tổng thể dài hơn 3 km đấy’’. Rồi ba vô buồng lấy ra cuốn sổ tay lật tìm một con tem thư nhỏ xíu đưa cho tôi xem và nói: "Hình ảnh của cây cầu Long Biên được Bưu điện nước Pháp in thành tem lưu hành trên toàn Đông dương bấy giờ. Ba chỉ có duy nhất con tem này mà thôi chứ không có ảnh của cầu’’. Rồi ba kể:

"Kỹ sư người Pháp và công nhân là người Việt mình xây dựng liên tục suốt trong 3 năm từ 1989 đến 1992 mới hoàn thành. Ở giữa là đường xe lửa, hai bên là xe ô tô và các phương tiện khác lưu hành. Hồi còn chiến tranh cầu Long Biên bị máy bay Mỹ đánh bom nhiều lần, nhưng ngay sau trận bom là cầu tức khắc được sửa lành lại ngay, vì giữa phía Nam và phía Bắc Thủ đô muốn lưu thông chỉ có một con đường độc đạo ấy…’’.


Cầu Long Biên xưa

Từ bữa đó, cây cầu Long Biên thỉnh thoảng cứ hiện về trong tâm trí tôi dù tôi chỉ nhìn thấy hình ảnh cầu qua một con tem thư. Tôi luôn ao ước sẽ có một ngày ra Hà Nội để được thăm lăng Bác, chiêm ngưỡng nhiều cảnh đẹp của Thủ đô mà tôi đã được học trong sách vở, đọc trên sách, báo… và bằng mọi giá tôi cũng phải tới được cầu Long Biên để nhìn cho tận mắt. Cho đến một ngày đầu tháng 11/1979, nhân chuyến ba tôi đi Bắc thăm lại quê hương thứ hai mà ba đã sống, học tập, công tác suốt 20 năm trời, ba quyết định cho tôi theo.

Thật là không có gì thú vị bằng chuyến đi ấy, mặc dù phải mất tới 4 ngày đêm ròng rã bằng một chuyến xe đò xuống Nha trang và 3 chuyến tàu lửa (tàu chợ) nữa cha con tôi mới đến được Hà Nội. Cái mệt mỏi trên đoạn đường dài cũng chẳng làm tôi nhụt chí, nên ngay khi vô nhà người quen của ba tôi ở phố Hàng Buồm tôi đã năn nỉ anh con trai bác chủ nhà lớn hơn tôi 1 tuổi, tên Hải, chở xe đạp ra xem cầu. Đứng trên đê sông Hồng lúc ba giờ khuya của cái đêm đầu Đông lạnh đến tê tái ngắm cây cầu mà tôi cứ ngỡ lạc vào chốn thiên thai, bởi phía trên cầu rõ ràng là một cặp rồng khổng lồ sinh đôi uốn lượn gồng mình làm giá treo cho hàng ngàn, không phải, có đến hàng chục ngàn thanh sắt dọc, ngang, đan chéo, ràng xuôi, ràng ngược… bấu vào để cùng nâng những nhịp dầm thép khổng lồ để trụ cầu bớt nặng.

Dọc chiều dài cây cầu có tới cả ngàn bóng điện lung linh hắt ánh sáng xuống tận mặt nước sông Hồng đủ cho tôi nhìn thấy những con sóng không ngớt vỗ về những cái trụ to ước chừng đến cả chục người ôm chưa kín vòng tay. Trời còn khuya vậy mà ô tô to, nhỏ vẫn qua lại, nhưng đông nhất là xe đạp, xe xích lô… đi dưới; người gánh, người đội lẫn cả người đi bộ chẳng mang theo gì vẫn tấp nập đi sát lan can cầu. Anh Hải bảo: "Có lẽ cầu chỉ hơi vắng từ lúc 11 giờ đêm đến 2 giờ sáng mà thôi, chứ giờ này người buôn bán giữa hai bờ đã phải đi để kịp trời sáng có hàng hoá để đổ mối hoặc bán lẻ’’. Vừa lúc tiếng còi xe lửa rú lên, rồi cả đoàn tàu như một con rắn khổng lồ dài nhằng thủng thẳng qua cầu một cách thận trọng. Tôi hỏi: "Dưới mố cầu mà mình vừa đi qua hình như cũng có người sinh sống?’’. Anh gật đầu: "Nhiều chớ’’. Tôi hỏi lại: "Ồn ào sao chịu được?’’. Anh cười: "Sống mãi sẽ thành quen thôi’’. Tôi đòi anh được đưa lên mặt cầu, anh nói: "Đợi sáng hẳn mới nhìn thấy nhiều cảnh đẹp’’, rồi anh đưa tôi xuống dưới đường chạy chậm chậm lòng vòng quanh mố cầu để tôi được xem kỹ lưỡng hơn.

Mùa Đông Hà Nội hình như lâu sáng hơn ở quê tôi, vì lẽ đó mà tới 7 giờ anh em tôi mới bắt đầu đạp xe vượt dốc. Có lẽ do ở Tây nguyên đã từng quen với đồi, với núi nên tôi nhìn mố cầu Long Biên không dốc lắm, ấy vậy mà hai anh em nhì nhẵng mãi mới lên đến mặt cầu. Tôi chợt quay đầu nhìn lại, ôi có rất nhiều bác nông dân nón lá rách tả tơi gò lưng đẩy chiếc xe thồ có hai chiếc sọt treo hai bên chặt cứng hàng và những bác xích lô gồng mình chở khách leo dốc mà thầm thương hại, thì ra dân lao động Thủ đô cũng vất vả chẳng kém gì dân quê mình. Mặt trời lên cao, gió dịu dần mặt sông ít sóng nên tôi thấy rõ dòng nước sông Hồng chảy khá xiết như cùng chia sẻ nỗi tất bật với những con người xuôi ngược trên cầu chứ không êm đềm như hồi khuya tôi tưởng. Thành cầu hoàn toàn được lắp ghép bằng những thanh sắt vuông, tròn hoặc chữ V được liên kết nhau bằng hàng vạn chiếc đinh tán chắc chắn tạo thành một lưới sắt khổng lồ vững chãi. Mặt cầu được chia làm ba đường chính, hai bên dành cho các loại xe, ngoài cùng có lan can cho người đi bộ, chính giữa là 4 đường ray xe lửa đen nhánh, tất cả đều là dầm sắt và những thanh gỗ dày lót dọc, lót ngang chứ hầu như không có bê tông.

Xe lửa chốc chốc lại có một đoàn lầm lũi lên cầu, nhưng khách trên tàu cả đi lẫn về lại vô cùng náo nhiệt, ai cũng hớn hở quay mặt ra cửa sổ để ngắm cầu cùng cảnh tấp nập dưới mặt cầu và tận hưởng ngọn gió trong lành từ lòng sông Hồng thổi hất lên. Hoà cùng đoàn người hối hả, chúng tôi đạp xe qua phía Bắc cầu, tôi thích thú nhìn hai bờ đê sông Hồng thấp thoáng những dãy phố, những ngôi làng trù phú. Có lẽ đất vùng Châu thổ nhiều dinh dưỡng lắm nên dọc triền đê cây cối tốt um tùm, bãi bồi giữa sông được người ta trồng đủ các loại rau, củ, quả… thậm chí có cả lúa đã vàng bông, bắp đã có cờ… Anh Hải bảo: "Những năm chiến tranh chống Mỹ dưới bãi bồi ấy còn có cả hai trận địa pháo phòng không để bảo vệ cầu’’. Tôi thầm cảm phục tinh thần quả cảm của bộ đội ta đối mặt với quân thù mọi chỗ, mọi nơi mà không hề sợ hiểm nguy.

Sợ ba tôi và gia đình người quen sốt sắng nên tôi bảo anh Hải đưa về chứ tôi chưa hề chán mắt. 4 ngày ở Hà Nội, sau khi đưa tôi đi thăm nhiều nơi khác ở Thủ đô ba dự định ngày mai sẽ lên tàu về quê. Chiều hôm ấy tôi thèm khát trở lại cầu Long Biên thêm lần nữa, anh Hải bảo: "Giờ hai anh em mình ra ga Hà Nội mua vé tàu sang ga Gia Lâm rồi quay về, như vậy ta được hai chuyến dạo cầu để ngắm tổng quát hơn…’’. Anh chưa nói hết câu tôi đã gật đầu lia lịa, rồi sợ ba không cho đi tôi đành xin dối ba là ra dạo phố chốc lát, vậy là anh em tôi thực hiện ngay ý định đã bàn.

Ra ga Hà Nội chỉ mươi phút sau chúng tôi đã có vé ra cổng lên một chiếc tàu, tôi hỏi: "Sao nhanh vậy?’’, anh Hải giải thích: "Tất cả mọi xe lửa chạy đi Hải Phòng và các tỉnh phía bắc như Lạng Sơn, Yên Bái, Lao Cai… đều qua cầu Long Biên và ga Gia Lâm nên cứ có vé muốn lên tàu nào cũng được’’. Tàu chuyển bánh, chạy trong nội thành chỉ chốc lát đã leo dốc lên cầu, tôi chú ý theo dõi khi bắt đầu nhìn thấy lan can đầu tiên của cầu. Tàu chạy trên nhưng phía dưới có nhiều ngả đường chui qua gầm cầu, nhìn qua cửa sổ rộng mở tôi thấy Thủ đô quá đẹp và xao động. Mặc dù xe gắn máy thời ấy không nhiều nhưng xe đạp, xe xích lô nhiều lắm; tôi thích hơn cả là cảnh gánh gồng kẽo kẹt trên hè phố, tuy thấy cực nhọc, vất vả song nó chứng tỏ được sức dẻo dai của dân lao động trong kế mưu sinh. Tàu hỏa bỗng dừng ngay đầu cầu, anh Hải bảo: "Long Biên cũng là một ga nhận và trả khách, có điều chỉ dừng dăm phút mà thôi, bởi ở đây không có đường tránh tàu’’.


Cầu Long Biên ngày nay

Buổi chiều sông Hồng bắt đầu lộng gió, trời như sụp xuống bởi mây mù phút chốc đã giăng giăng, nhưng càng về tối cầu Long Biên càng thêm tấp nập. Do mặt cầu hai bên đường sắt dành cho các loại xe hẹp nên ô tô, xe máy cũng chỉ chạy bằng vận tốc xe đạp; lan can dành cho người đi bộ có lẽ chỉ độ nửa mét chứ không rộng hơn, song kẻ gánh người gồng nối đuôi nhau không dứt. Cứ một đoạn dài người ta mở một "hành lang’’ nhỏ để ai có mệt thì có chỗ nghỉ vai tránh ảnh hưởng đến người đi sau. Người Thủ đô cũng như dân ở những vùng phụ cận rất lịch sự, đông đúc là vậy, đôi lúc cũng có cảnh tắc đường song họ đều nhỏ nhẹ nhắc nhở nhau chứ không thấy ai to tiếng hay có hành động thiếu văn hóa. Tôi vừa quan sát xung quanh vừa lắng nghe nhịp chạy của con tàu, tàu chạy chậm như để du khách không phải người Thủ đô như tôi được chiêm ngưỡng từng nét đẹp của "con Rồng’’ nối hai bờ biên sông Hồng.

8 giờ đêm chuyến tàu khách khác lại đưa tôi trở về nội thành Hà Nội. Cầu Long Biên điện sáng trắng soi rõ từng khuôn mặt mọi người qua lại, nhìn xuống dòng nước miệt mài chảy tôi như thấy những thợ cầu người Việt Nam năm xưa cùng các kỹ sư người Pháp vẫn như đang miệt mài lao động. Tôi thầm cảm ơn tất cả những người thợ Việt Nam và những kỹ sư, công nhân người Pháp (cho dù hồi ấy họ là lũ Thực dân) đã để lại cho thế hệ chúng tôi cây cầu vĩ đại.

Thời gian thấm thoát trôi mau song tôi tưởng như mới ngày nào, vậy mà đã 30 năm tròn. Đã ở tuổi 55, tôi mới chỉ đúng một lần ra Hà Nội và được tận mắt chứng kiến, được đi dạo trên cầu Long Biên, song Thủ Đô trong đó có cầu Long Biên luôn ở trong tâm trí tôi. Dù ba tôi đã mất từ lâu, nhưng câu hát ru em của ba mà tôi chỉ nghe mỗi một lần đến giờ tôi vẫn nhớ: "Hà Nội có cầu Long Biên/ Vừa dài vừa rộng bắc trên sông Hồng…’’.

Đăk Nông tháng 8/2010

AMA TRUNG

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự