Cây cầu và những chiếc đinh khuy

15:02 13/08/2010

(TT&VH Cuối tuần) - Bây giờ Hà Nội có những cây cầu lớn lắm, cầu Vĩnh Tuy, cầu Chương Dương, cầu Thăng Long. Nhưng với cuộc đời tôi chỉ ám ảnh một cây cầu Long Biên cũ kĩ in dấu những chiếc đinh khuy, những chiếc ốc vít to cồ cộ. Những người công nhân cầu đường thường đi làm đêm, trực ca vì bom đạn thời chiến tranh, bom tấn của Mỹ từng không hủy hoại được cây cầu.


Xe đạp qua cầu Long Biên. Ảnh Na Sơn

1. Ngày đó, mối tình đầu thời thanh xuân, anh và tôi đi xe đạp trong những sớm sương mù nhòa nhạt, cả tôi và anh lẫn vào dòng người lam lũ đi chợ sớm bán rau xanh và hoa quả ngọt bên bờ bãi sông Hồng. Chúng tôi đi làm ca.

Nhiều hôm ngược gió tôi phải dắt xe đi bộ. Ngược gió ở cầu Long Biên thì chỉ có dắt xe, và dắt xe. Tóc rối bay lòa xòa. Anh cũng đã xuống xe dắt bộ và hôn trộm lên má tôi khi tôi đỡ gánh rau xanh cho bà cụ bị tuột một đầu quang mây. Bà cảm ơn bằng cách ấn vào tay tôi bao nhiêu là ổi chín và một bó hoa cúc chi. Thời đó tôi không có áo mới, chiếc áo phin hoa cũ bị đứt khuy lúc nào không hay, và anh đã lấy kim băng cài vào áo cho tôi. Tay anh run và mắt anh hướng vào các ốc vít trên cây cầu. Lúc đó tôi không sao lí giải được vì sao chiếc cúc áo của tôi lại bị đứt vào lúc ấy, và mắt anh lại chạm vào chiếc ốc vít trên cầu. Và tôi đã cảm thấy những chiếc ốc vít ấy là khuy ngực áo của cây cầu Long Biên.

Gần bốn mươi năm sau tôi đã đi qua những cây cầu lớn trên thế giới, những luồng xe như mạng nhện đan dưới lòng đường. Với tôi, cầu Long Biên vẫn của những người đi xe đạp và đi bộ vào lúc sương sớm; vẫn mờ ảo bên sông Hồng mùa mưa nước đục, mùa Đông nước trong. Và tiếng gọi đò “Bình ơi” cho sang sông. Anh lính bộ binh giờ về bên sông lái đò và thái ngưu tất, nấu dầu bạc hà, mưu sinh. Đời lính trận mạc trả anh về bến sông bãi giữa sông Hồng và trồng thuốc nam, gieo rau quả. Cả hai chúng tôi cùng học một trường Vân Hồ, rồi trận mạc đã dạt anh trung sĩ Bình ra bến sông. Hồi đó, anh Việt đưa tôi sang bãi giữa, ấn vào tay tôi một bó cúc chi rồi tỏ tình: Có sông Hồng và cây cầu Long Biên làm chứng: “Anh yêu em, em có biết không?”.

Cây cầu còn có rất nhiều ốc vít đinh khuy, mùa cạn, chúng tôi đi bên thành cầu đếm ốc vít cây cầu và nhìn những chiếc xà lan chở cát. Những công nhân đội sỏi, họ đi trên tấm ván như đi trên dây, rùng rình, và nặng nhọc.

Những ngôi nhà cao ngất, nguy nga kia cũng từ hạt cát này mà xây lên bằng mồ hôi của con người. Anh nắm tay tôi như muốn chia sẻ sự nặng nhọc ấy, vốn không dễ vợi đi trong ngày mà sẽ nhân lên vì cơm áo của con cái gia đình họ.

Cả một triền sông như dải lụa cong bên cây cầu. U Trần tôi mặc áo mớ ba, xách làn sang chùa Cự Khối dâng hương. Chùa Cự Khối bấy giờ còn hiu vắng và cũ kĩ lắm.

Còn 8 tuần nữa

Hòa cùng cả nước đếm ngược thời gian hướng về Đại lễ Ngàn năm Thăng Long - Hà Nội (10/2010),

Rêu phong hết lối đi, rêu phong cả vườn rau, trồng lạc và trồng đậu. Sư cụ trông nom chùa giờ đã về cát bụi, thầy Đàm Lý nhắc trong gió thoảng về người xưa. Mẹ tôi đi quét lá ở chùa Trấn Vũ, sang cầu Long Biên làm lễ ở chùa Cự Khối cũng thành người xưa. Đi trên cây cầu Long Biên ngày ấy tôi dụi đầu vào ngực anh thấy mình hạnh phúc nhất thế giới.


2. Phải nhiều năm sau, anh du học ở nước ngoài, hai chúng tôi rẽ sang hai ngả. Tóc đã bạc trắng, lại hay, anh mất trong cơn trụy tim, vì làm việc quá sức. Cây cầu Long Biên lại làm chứng cho sự đau khổ và đơn độc của tôi, có những chuyện mà tôi chỉ có thể đối thoại với cây cầu, với phù sa dòng sông chảy. Thì ra cây cầu còn thiêng liêng cho người lao khổ kiếm ăn nhọc nhằn nữa. Hôm nào gió mưa, giá rét cắt da, chứng kiến người đi xe đạp chở rau, bí ngô, họ không đạp nổi thì xuống vít xe, cho khỏi lật nhào cả xe rau. Cũng có người bị xe rau đổ lên người. Lại những người chân lấm tay bùn đỡ nhau cả thôi. Cây cầu Long Biên bảo ngày xưa con người tử tế lắm, không vô cảm như bây giờ. Đi trên cầu thấy ai ngã đã xuống xe dìu đỡ vô tư. Còn bây giờ đụng xe thì ngồi cả ngày không ai để mắt đến. Bệnh thản nhiên, vô cảm không có thuốc chữa. Người ta cho gà, lợn ăn cám tăng trọng, đến rau xanh cũng dùng thuốc kích thích tăng trưởng.

Bây giờ xe ô tô đi trên cầu Chương Dương, Thăng Long, Vĩnh Tuy, giao thông đường bộ đã giãn làn xe đi. Cầu Long Biên người đi bộ, đi xe đạp, xe máy cũng thưa hơn. Mùa Thu cây cầu nhìn xuống thảm cỏ lau bên sông xao xác. Thời hội nhập bọn trẻ mua khóa treo lên thành cầu. Đua nhau như bên Ý, bên Pháp... Rất nhiều khóa, nhưng càng nhiều khóa, càng nhiều cuộc li hôn ở giới trẻ. Vậy khóa tình yêu có nhiệm màu? Yêu thương của con người làm sao phải khóa? Cây cầu Long Biên bảo rằng: Tôi đã nghe rất nhiều lời tỏ tình của nhiều đôi trai gái, những người mua khóa đeo lên ngực cây cầu lại hay ra tòa bỏ nhau và không trở lại nữa.

Cầu từng chứng kiến có cặp người tình đã khóa môi nhau hôn rất lâu, không nói gì, và họ làm lễ cưới, khi lên ông lên bà. Trong lễ cưới vàng, họ lại lên cây cầu khóa môi nhau ở tuổi ngoại bảy mươi. Bọn trẻ đi qua ngước nhìn ngỡ họ là đôi tình nhân, nhưng cây cầu Long Biên bảo: họ đi đến đích của hạnh phúc vì không cần chiếc ổ khóa nào.

Chỉ khóa nhau bằng hai bờ môi. Và hơi thở của nhau.

Cầu Long Biên cũ kĩ như mối tình của nhiều cặp vợ chồng già. Đến tuổi đi chậm nói chậm và kín đáo ôm nhau bên cây cầu. Họ nói về những thăng trầm của cuộc đời đi qua thời bom đạn và thời bao cấp. Khốn khó đã dạy cho họ bài học bình tâm mà giải quyết mọi chuyện, thời gian là cán cân giúp cho con người không nghiêng ngả mà cân bằng lại nhờ sự bình tâm ấy.

Giờ thì cây cầu Long Biên vẫn ngần ấy nhịp đi, vẫn ngần ấy mùa Thu đi qua mùa lũ. Hàng thế kỉ cây cầu mới thấy sông Hồng cạn nước, có thể xắn quần lội qua sông sang bãi giữa mà mê mẩn với sắn khoai. Bao nhiêu lễ hội trên cầu, bao nhiêu đám cưới qua đây bằng xích lô, xe đạp, ai nhớ, ai quên, ai mờ, ai tỏ. Cây cầu vẫn ngần ấy ốc vít như những hàng khuy trên ngực áo tôi, đập theo cảm xúc của trái tim phận người với va đập của đời sống. Dù sau này tôi sẽ còn đi qua nhiều cây cầu lớn, đẹp như cầu vồng bảy sắc sau mưa, thì cầu Long Biên cũ kĩ không mờ, vẫn những ốc vít giống như những hàng khuy ngực áo vẫn nhìn xuống chợt gặp hồn cốt của cây cầu Hà Nội với hồn người Hà Nội.

Hoàng Việt Hằng

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự