Một thế kỷ cầu sông Cái

00:53 20/09/2010

(Bài dự thi) - Tôi không phải là người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nên dù biết Cầu Long Biên là ân nhân của mình, nhưng mãi tới năm 16 tuổi, khi vào đại học, tôi mới được tận mắt nhìn thấy cây cầu này.

1. Ông nội tôi vốn là phu lục lộ thời thuộc Pháp từ năm 1916. Những năm đi làm thuê theo các con đường dọc ngang Bắc, Trung, Nam Kỳ và cả xứ Ai Lao, Cao Miên, ông học được nghề làm thuốc bắc, chữa đài ga-len, đồng hồ... Đâu khoảng năm 1929, ông tôi trở về quê và xây ở đó một ngôi nhà hai tầng độc nhất, vô nhị của cả tỉnh Bắc Ninh. So với bây giờ thì chẳng nghĩa lý gì, nhưng hồi ấy là kinh khủng lắm.

Vậy mà ông tôi lại lận đận về đường con cái. Năm 43 tuổi, ông mới có bố tôi và cũng chỉ có mình bố tôi là con độc. Bà nội tôi mất sớm, ông phải gửi bố tôi cho một bà ở làng Ngườm nuôi. Bây giờ chúng tôi gọi là bà Ngườm. Bà nuôi bố tôi lúc ấy chưa có con trai, nên khi nhận bố tôi về nuôi, bà có ý định là sẽ giữ lại hẳn và không trả cho ông tôi nữa. Năm 1936, bố tôi lên 4 tuổi và mắc bệnh đậu mùa, chứng bệnh cực kỳ nan y hồi ấy. Vì muốn giữ bố tôi lại nên bà giấu biệt ông nội tôi. Chỉ đến khi tắm nước lạnh xong, đậu mùa không thoát được và bố tôi chỉ còn thoi thóp, bà nuôi mới hốt hoảng sang báo tin.




Ông tôi là tay thày lang cự phách, nên dù bệnh của con trai rất trầm trọng ông vẫn có cách chữa. Chỉ có điều, trong nhà đang cạn nhân sâm Cao Ly loại thượng hạng. Dù trời đã tối, nhưng ông tôi vẫn phải lên xe đạp ra Hà Nội. Ở đó, ông vẫn giữ nhiều mối thâm giao để trao đổi kinh nghiệm và lấy thuốc “cái” về hành nghề. Đến cầu Long Biên thì tới giờ giới nghiêm và lính Pháp dứt khoát không cho qua cầu.

Nhìn cầu Long Biên tấp nập người và xe những năm về sau này, có lẽ chẳng mấy ai hình dung ra cảnh uy nghiêm, hùng dũng và vắng lặng của nó những năm đầu thế kỷ. Cho đến thời điểm mà ông nội tôi bị giữ lại bên kia cầu, trong tâm trạng rối bời vì bệnh tình của con trai thì cầu đã được xây dựng xong từ lâu.

2. Sau khi thống nhất sự đô hộ của mình tại Việt Nam, những người Pháp cai trị mau chóng nhận thấy nhu cầu cấp bách phải xây dựng một chiếc cầu hiện đại bắc qua Sông Hồng, nối liền Hà Nội với các tỉnh phía Bắc và nhất là với Hải Phòng, nơi những chuyến tàu viễn dương Pháp thường cập bến. Nhiều chuyến khảo sát sau đó được tiến hành và cầu được thiết kế ngay tại Paris theo tiêu chuẩn Pháp quốc năm 1891.

Ngày 6 tháng 11 năm 1897, Chính phủ Pháp chính thức phê duyệt luận chứng  kinh tế - kỹ thuật, đồng thời thông qua khoản kinh phí xây dựng cầu. Hồi ấy, việc thông qua thiết kế và tìm đơn vị thi công chiếc cầu lớn tại xứ thuộc địa An-Nam xa xôi đã trở thành sự kiện lớn ở Pháp. Và Công ty Daydé đã được Chính phủ Pháp lựa chọn. Năm 1899, họ chính thức bắt tay vào xây dựng cầu.

Cầu Long Biên được Deydé xây dựng xong và chính thức làm lễ thông xe vào tháng 2 năm 1902. Thời kỳ này người dân Việt Nam còn lạc hậu lắm. Người ta chỉ quen cầu tre, cầu khỉ, nên cầu Long Biên thực sự là công trình siêu vĩ đại mà người Pháp mang đến đây. Nó là chiếc cầu lớn nhất Đông Dương hồi bấy giờ, khi con sông Hồng còn gọi là sông Cái và vì thế, chiếc cầu độc nhất ấy thường được dân gian gọi là cầu "Sông Cái”.

Cầu sông Cái dài gần 1.700m gồm 19 nhịp dàn thép tĩnh định. Cầu đã sử dụng ngót 110 năm nay, nhưng những khảo sát mới đây cho thấy thép vẫn còn tương đương với loại thép CT3 của Liên Xô (cũ). Trải qua bao nắng mưa, đạn bom cầu vẫn đứng vững. Thế mới biết các kỹ sư xây dựng của Công ty Daydé và những người thợ An-Nam ngày ấy quả là cao thủ.

Khi xây dựng xong, tải trọng của cầu còn thấp lắm. Cầu có đường xe lửa ở giữa và hai bên consol rộng 1,3 m làm đường cho xe ngựa và người đi bộ. Đường xe lửa chỉ cho phép ghép đôi 2 tầu máy hơi nước, mỗi đầu máy 4 trục nặng 40 tấn, có toa than, nước kéo đoàn toa 2 trục, mỗi trục 8 tấn. Xe ô-tô ngày ấy ít lắm, hầu hết là của các ông quan cai trị người Pháp, nên qua lại đi chung với đường xe lửa.

Theo thời gian, nhu cầu về đường ô-tô ngày một cao. Vì thế 21 năm sau ngày thông xe, năm 1923, cầu Long Biên được gia cố thêm các thanh dầm chủ, dầm mặt cầu và mở rộng thêm consol hai bên thành 3,25 m. Lần sửa chữa và nâng cấp này, cầu đã có thêm đường riêng biệt dành cho khách bộ hành rộng 0,75 nằm sát lan can. Consol hai bên được lát gỗ đủ cho xe ô-tô 3 tấn chạy.

Ngoài những thay đổi này, người ta còn làm thêm 4 sàn tránh xe, với mục đích dành chỗ cho xe thô sơ tập kết khi phải nhường đường cho xe cơ giới vượt lên. Như vậy, ở lần sửa chữa này, cầu đã có đường xe lửa, đường ô-tô và đường cho người đi bộ riêng biệt.

Thời điểm mà ông nội tôi bị những người lính Pháp giữ lại bên đầu cầu Gia Lâm đêm ấy, cầu Long Biên đang ở trong tình trạng này. Có nghĩa là nó đã được nâng cấp một bước quan trọng.

3. Khi ấy, ông tôi đã đưa tấm thẻ căn cước từ hồi còn làm phu cho Sở lục lộ và nói với họ: “Tôi đã đi làm cho Sở lục lộ 19 năm trời, nay con tôi bị bệnh sắp chết. Nếu các ông không cho tôi qua để lấy thuốc bây giờ, để đến sáng mai thì chính các ông là người giết chết con tôi. Xin các ông hãy nhớ, năm nay tôi 47 tuổi và chỉ có mình nó là thằng con trai duy nhất!”.

Ông tôi kể rằng sau khi thảo luận với nhau, mấy người lính Pháp đã nhân nhượng. Họ cho ông tôi qua cầu. Có thể vì động lòng thương một người đàn ông đứng tuổi đang cảnh “cha già con cọc”. Cũng có thể vì cái mác “Phu lục lộ” của ông tôi. Có lần, bố tôi nói rằng có lẽ là do mấy người lính Pháp thấy một ông lang nhà quê lại giỏi tiếng Pháp nên ít nhiều vị nể và châm chước.

Khoảng quá nửa đêm, ông tôi gõ cửa nhà một ông bạn già tên là Quý và lấy được lạng nhân sâm Cao ly quý. Nhờ có nó, những mụn đậu mùa của bố tôi mới phát được. Những thang thuốc của ông mới có tác dụng và bệnh tình của bố tôi đã rút.

Những năm sau này, mỗi khi qua cầu Long Biên, chẳng lần nào tôi quên đưa mắt kiếm tìm và hình dung ra vị trí mà ông tôi đã bị những người lính Pháp giữ, rồi lại châm chước cho đi qua, mặc dù chiếc cầu cũng như đoạn đường dẫn đã thay đổi rất nhiều. Từ năm 1923 là thời điểm sửa chữa và nâng cấp đầu tiên, đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công, cầu Long Biên hầu như được giữ nguyên, ngoại trừ một lần sửa chữa nhỏ vào năm 1938. Năm ấy, mặt đường hai bên consol được cải tạo thành hai vệt lăn bánh xe bằng bê-tông cốt thép nhưng ở giữa thì vẫn là gỗ. Nhờ hai vệt bê-tông ấy, xe ô-tô 5 tấn đó có thể đi qua.

4. Suốt dọc chiều dài lịch sử gần 110 năm tồn tại của mình, Cầu Long Biên đã bị nhiều biến động lớn ảnh hưởng đến sức sống và độ bền của nó. Ngày 20 tháng 8 năm 1945 đê sông Hồng bị vỡ gây nên nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu mà không ai là không biết. Đúng 26 năm sau, ngày 20 tháng 8 năm 1971, đê Cống Thôn sông Đuống bị vỡ. Hai trận lụt lịch sử cách nhau 26 năm, rất ngẫu nhiên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cầu gần. Mức nước xói sâu nhất gần ở cốt - 13,00 m.

Nhưng có lẽ độ bền vững của cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là trong chiến tranh phá hoại của Mỹ. Từ năm 1967, cầu bị bắn phá 5 lần tất cả. Sau mỗi lần bị thương, cầu lại được sửa chữa hoặc thay thế lại các nhịp. Tuy nhiên trong hoàn cảnh chiến tranh, việc sửa chữa chỉ mang tính chắp vá. Sau này, cầu lại phải liên tục bảo đảm giao thông, nên chất lượng cầu đã giảm sút nghiêm trọng. Các cấu kiện của cầu bị nứt, bị gỉ và nát rất nhiều. Gầm trụ và dầm chắp vá phức tạp, liên kết tán đinh bu-loong và hàn làm việc lẫn lộn, khó xác định được sự chịu lực. Tuyến đường sắt trên cầu rất xấu, cả về bình đồ và trắc học.

5. Đã gần 110 năm trôi qua, Cầu Long Biên giờ đây đã đượm sắc màu và phong thái của tuổi già. Kể từ khi cầu Chương Dương đưa vào sử dụng, một phần rất lớn tải trọng xe ô tô, cơ giới được chuyển sang đây. Nhưng cây cầu già của tôi vẫn mang lại rất nhiều lợi ích cho đời. Hàng chục triệu dân các tỉnh phía Bắc rất tha thiết khai thác cây cầu, bởi vì ai ai cũng muốn từ ga tỉnh nhà lên Thủ đô, tàu chạy một mạch tới thẳng trung tâm mà không phải chuyển các phương tiện khác. Cũng không ai muốn mất thêm tiền và thời gian để chạy đường vòng. Còn cả một “tỉ” điều mong muốn khác về sự tồn tại của chiếc cầu lớn và cổ nhất nước ta, những điều mong muốn không tính được thành tiền và tôi cũng không nói hết được ở đây.

Tôi đã đi dọc ngang qua bao miền đất nước, đã qua biết bao chiếc cầu từ hiện đại đến thô sơ, những chẳng chiếc cầu nào tôi yêu quý như cầu Long Biên cổ kính cả. Chiếc cầu đã đồng hành cùng đất nước qua hai cuộc chiến tranh thần thánh, đã từng là ân nhân của cả gia đình tôi. Tôi muốn cầu Sông Cái mãi mãi trường tồn, dù theo năm tháng, cầu có già nua, mệt mỏi và không còn làm việc được như những ngày còn trẻ trung hồi nào.

Đàm Minh Thụy

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự