Chuyện lặt vặt bên cầu Long Biên

15:15 02/08/2010

(Bài dự thi) - Phải nói rằng, sẽ là thiếu sót nếu 1 kẻ được sinh ra ở Hà Nội, lớn lên ngoài đê với bao nhiêu năm chạy lụt, từng leo trèo và làm đủ trò quỷ quái trên cầu Long Biên như tôi lại không viết gì khi có một cuộc thi về “nó”.

Nhưng nếu viết về quá khứ của “nó”, tôi rõ ràng không đủ khả năng. Nói về tương lai, các báo đã bàn quá nhiều rồi. Còn những tản văn, truyện ngắn, phóng sự, ký sự… về Cầu Long Biên thì kể sao cho hết. Thôi thì tôi chọn ảnh, dù cũng đã có quá nhiều ảnh đẹp, ở mọi góc độ khác nhau về cây cầu này.

Tôi chọn 1 ngày và vác máy lên đường. Với tôi, Long Biên khá quen thuộc nhưng lại là thách thức lớn về góc nhìn từ máy ảnh. Phải thú thật là tôi chưa bao giờ chụp “nó” cả. Vì vậy, lần này tôi muốn có 1 cái nhìn khác. Hay đúng hơn, tôi muốn dẫn các bạn đi một vòng và nhìn Cầu Long Biên qua cái nhìn của tôi, một thằng trai Hà Nội hay tò mò và thích những thứ vụn vặt.

Cầu Long Biên thời tôi còn nhỏ không chìm khuất sau những ngôi nhà 4 – 5 tầng. Nó nổi bật, bệ vệ và quyến rũ lắm. Bất kỳ thằng trai Hà Nội nào mà chưa từng lên đó được một lần coi như là đồ bỏ. Ít thì cũng phải biết cái ga cũ kỹ, lộn xộn ở đầu phố cổ. Nhiều thì cũng phải mò ra được bãi giữa tắm sông, mót khoai và nghịch một số trò mà chỉ có lũ trẻ ranh mới có thể nghĩ ra được.



Tôi cũng không biết nên bắt đầu câu chuyện từ đâu. Có lẽ là cái gầm cầu. Nếu là dân phố cổ, gầm cầu Long Biên là nỗi ám ảnh, kinh sợ. Nào thì trộm cắp, nghiện hút. Nào thì rác rưởi, đĩ điếm. Nhưng đối với nhiều người, đó là tất cả. Họ kiếm sống, buôn bán, thậm chí dựng nhà và ở luôn dưới cái gầm đó. Tất nhiên, đó là chuyện ngày trước, bây giờ không còn quá tệ nạn đến vậy. Ừ thì cũng còn chuyện này chuyện kia nhưng dân phố chẳng còn ngại đi vào khu này nữa. Còn nhà cửa của người dân ở đây ít nhiều cũng đã khang trang hơn.



Chuyện đi lại trên cầu cũng hay. Bạn bè tôi ai ra Hà Nội cũng hỏi, sao lại đi ngược. Có người bảo tại thời đó người ta đi theo “phong cách Anh”, tay lái nghịch. Lại có người nói bố trí như vậy thuận chiều giao thông. Tôi nghiêng về phương án 2. Nhưng chuyện tôi quan tâm hơn là những vòm trống dưới dường dẫn lên cầu. Nếu tôi nhớ không nhầm, trước đây chúng rỗng tuếch, ngụ trong đó là dân bụi đời, nghiện hút. Chẳng rõ từ lúc nào, nó đã biến thành nhà kho cho dân đi chợ. Kể cũng hay, nhếch nhác 1 chút nhưng ít ra thì vẫn “đẹp” hơn trước.



Nhắc đến cầu Long Biên, người ta hay nói đến chợ đầu mối Long Biên. Về đêm, đây là nơi sôi động nhất Hà Nội. Bạn có thể bắt gặp từ những thân phận nghèo khổ nhất cho đến những người rất khá giả những vẫn lao đi làm ăn. Nhưng có lẽ chúng ta sẽ nói về khu chợ này trong một chùm ảnh khác.



Trên cầu, không khó lắm để bạn có thể nắm được những thông tin cơ bản về quá trình xây dựng và sửa chữa cây cầu này.



Bạn hãy thử ngước đầu lên và nhìn vào những thanh giằng, trụ của cây cầu. Bạn sẽ hiểu vì sao có quá nhiều người ngưỡng mộ nó đến vậy. Dù Long Biên vốn là cây cầu được xây dựng nên để phục vụ cho việc khai thác thuộc địa nhưng khó thể chối bỏ sự vĩ đại trong kết cấu và kiến trúc của nó.



Chính bởi nó quá quyến rũ như vậy, người ta dễ bị nó mê hoặc. Và những câu chuyện đại loại như lên cầu chụp ảnh kỷ niệm, ảnh cưới… đã diễn ra.



Tất nhiên chuyện đó là quá nguy hiểm khi mà hàng ngày, những chuyến tàu vẫn đi qua đây. Thành phố đã có lệnh cấm chụp ảnh trên đường ray cầu Long Biên và ít nhất cũng đã có 1 đội bị phạt vì vi phạm điều này.



Và thế là những kẻ lãng mạn có thừa nghĩ ra cách khác để đánh dấu sự có mặt của mình. Họ làm vài cái ổ khoá và móc nhau vào đó. Tôi không dám chắc lắm về sự bền vững của những mối tình trông đợi vào những vật vô tri này.



Nhưng tôi dám chắc, đã có nhiều thứ được buộc vào cầu Long Biên và những thứ như thế này thực tế là hữu ích hơn nhiều.



Và cũng tương tự như vậy, nếu ngày trước, con số, cái chữ nếu xuất hiện trên cầu thì chắc chắn phải là điều quan trọng lắm. Còn bây giờ, ừ thì cũng quan trọng đấy, nhưng chỉ là đối với 1 vài người, những ai thủng săm xe chẳng hạn.



Có một vài anh bạn tôi cho rằng, Long Biên là cầu nhà nghèo. Tôi chẳng nghĩ thế. Đó chỉ là cái vẻ bề ngoài và cách nhìn phiến diện. Đúng là có những thân phận nghèo, thậm chí rất nghèo quanh đó, nhưng đó là 1 phần. Đâu chả vậy.



Bạn có thể trải nghiệm điều đó khi xuống bãi giữa, nơi những người nông dân đang canh tác hoa màu để hiểu rõ hơn điều đó.



Chính họ khẳng định, họ không nghèo, thậm chí giàu hơn rất nhiều so với những người nông dân khác. Họ cũng nói rằng, lũ về, nước lớn không khiến họ sợ hay khổ đi như dân phố vẫn nghĩ. Ngược lại, họ mong từng mức nước lên để phù sa trải bãi, hoa màu có cái mà sống.



Năm nay, giống như vài năm gần đây, nước cạn, thu hoạch thì vẫn ổn đấy nhưng chẳng khá như… ngày xưa. Ông Lê Đức Nhâm, một nông dân ở đây nói: “Trước đất của tôi nhiều tới mức, địa chính đi đo đến 3 ngày mới hết. Còn giờ cứ tính trung bình 1 người có khoảng 10 sào, 1 sào mà trồng rau bí 6 tháng đã có 6 – 7 triệu đồng. Chưa tính các loại hoa màu khác. Chú cứ thử nhân lên xem ra bao tiền”.




Nói đến bãi giữa sông Hồng, đoạn từ cầu Long Biên đi xuống, có thời ai cũng nhắc đến chuyện tắm tiên của mấy “lão điên” dân Hà Nội. Rồi thế là hết báo này đến báo khác viết theo hướng có gì đó câu khách quá. Mà cũng câu được khách thật. Người ta đổ xô sang đây chơi đủ thứ. Nào thì đá bóng, rồi thì cưỡi ngựa, tới cả đua xe địa hình, máy bay mô hình. Ấy thế nhưng mà cũng chỉ được 1 thời gian, mọi thứ lại bỏ đi hết. May vẫn còn lại mấy bãi tắm tiên. Thế mới thấy, mấy “lão điên” đâm ra lại có cái giá trị vì ít ra còn tồn tại được.




Mà nói chuyện người Hà Nội điên, tôi nghĩ rằng bạn nên đến thăm 2 gã Hà Nội gốc đang sống bụi ở bãi giữa này. Nói thật, nhìn 2 gã này dị lắm, có vấn đề lắm. Tiếng là dân phố cổ, ấy thế mà tự dưng kéo nhau ra bãi giữa ăn ngủ nghỉ với thiên nhiên. Hằng ngày ngoài tí ngô tí khoai vào bụng, 2 gã chỉ bứt vài thứ lá nấu nước uống. Nhưng vấn đề của 2 gã này là gì thì chịu.




Long Biên bây giờ chiều tối thành tụ điểm. Ừ thì dân Hà Nội vẫn thế mà, chơi có hội mà tụ thì có phường. Cứ chỗ nào đông vui thì kéo đến. Thế là tối tối, nào chiếu, nào quán, nào xe, nào từng cặp từng cặp cứ trải dài. Âu đó cũng là chút đặc trưng, văn hoá riêng của người Hà Nội.




Và cứ thế, cứ thế, trải qua hai thế kỷ, cái cây cầu cũ kỹ này cứ chứng kiến những câu chuyện lặt vặt của người Hà Nội.



Đó là cách nhìn của tôi. Còn bạn. Bạn cảm nhận gì về cuộc sống quanh cầu Long Biên. Tôi thích những chia sẻ dù chỉ là lặt vặt.




Cao Mạnh Tuấn

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự