Cây cầu trong ký ức tuổi thơ tôi

17:22 17/09/2010

(Bài dự thi) - Đứng đợi trước cửa thang máy cơ quan, ánh mắt tôi bắt gặp tấm áp phích có in hình cây cầu Long Biên với bên trên là dòng chữ cuộc thi sáng tác entry "Cầu Rồng kể chuyện ngàn năm" do báo Thể thao & Văn hóa phát động, chợt rộn lên trong lòng một cảm xúc bâng khuâng khó tả, những ký ức tưởng như đã xa lắm bỗng hiện về.

Tôi sinh ra và lớn lên ở quận mang tên chính cây cầu bắc qua sông Hồng sang thủ đô Hà Nội: Long Biên. Nhưng mới chỉ cách đây chưa đến 7 năm, nơi tôi sống chưa có tên như bây giờ, người ta gọi chung nó là Gia Lâm. Thị trấn ngoại ô nhỏ bé từng được Lưu Quang Vũ đưa vào thơ: "Đêm yên tĩnh cửa hàng soi bóng tối. Phố Gia Lâm nằm trong mưa bụi. Tôi nằm trong nỗi nhớ em. Hạnh phúc như mưa từng giọt giản đơn. Tưởng không có mà lại là có thật...".



Tôi lớn lên trong sự khó khăn của đất nước những năm tháng sau chiến tranh. Trong ký ức tuổi thơ tôi, cây cầu Long Biên hồi đó, cây cầu duy nhất đưa tôi đến một thế giới khác nơi tôi sống, luôn là nỗi ám ảnh. Cây cầu vừa dài vừa hẹp, với những dòng xe đạp chủ đạo chen chúc nhau cùng xích lô, ô tô, xe máy. Bây giờ mặt cầu Long Biên đã được trải nhựa toàn bộ nhưng ở thập niên 80 của thế kỷ trước, lòng cầu vẫn còn được chia làm ba phần, với hai phần trải nhựa còn ở giữa là những tấm bê tông xếp liền kề nhau mà đi xe đạp trên đó sẽ vang lên tiếng lách cách, lạch cạch. Trên cầu Long Biên, những chiếc xe đạp cà tàng cùng những gương mặt lam lũ, những bác xích lô áo đẫm mồ hôi, những chiếc xe ô tô màu xanh cỏ úa của thời hậu chiến rù rì "bò" qua cầu mãi vẫn đọng lại trong ký ức tuổi ấu thơ của tôi. Nhớ đến cầu Long Biên thời đó, trong tôi lại gợi nhắc đến một câu chuyện buồn. Đó là em T.A con của cô Quế cùng phòng mẹ tôi và sống cùng trong khu tập thể. Em bé khôi ngô tuấn tú nhưng đã mất vào một chiều mùa Hè năm 1983 khi mới chừng 3 tuổi. Tôi vẫn nhớ cảnh cô Quế ôm em vật vã ở cổng cơ quan mẹ tôi và giằng co quyết liệt không để người ta đặt em vào chiếc hòm gỗ, còn các cô cùng phòng mẹ tôi sụt sùi "khổ thân thằng bé, giá hôm nay không tắc cầu thì...". Các bác sĩ ở Bệnh viện Xanh Pôn nói rằng em bị ngộ độc do ăn phải hoa trúc đào, gia đình đưa em đến muộn quá nên không cứu được. Nhưng họ đâu biết bé T.A đã bị "phơi nắng" suốt mấy tiếng đồng hồ trong sự tắc nghẽn trên cây cầu duy nhất nối Gia Lâm với Hà Nội thời đó. Tắc cầu triền miên, và không ít người chọn cách vác xe đạp băng qua đường sắt nằm giữa cầu để sang đi bên chiều ngược lại vốn thông thoáng hơn vì là chiều từ Hà Nội về. Tôi cũng không quên từng có lúc ngồi sau xe đạp bố tôi và "trốn tránh" cảnh tắc cầu bằng cách... đếm các thanh tà vẹt ở đường sắt, và từng mơ ước cỏn con rằng giá chỗ nào trên cầu cũng rộng như những đoạn người ta làm lấn ra cho các xe tránh nhau.

Nhưng đến những năm cuối thập niên 80, cùng với sự ra đời của cầu Chương Dương nằm cách đó không xa, cảnh tắc nghẽn trên cầu Long Biên bỗng nhiên chấm dứt. Chiếc cầu được treo biển "chỉ dành cho xe đạp và phương tiện thô sơ" khi ô tô và xe máy chuyển sang đi cầu Chương Dương. Lúc bấy giờ tôi cũng đã đủ lớn để bố mẹ có thể cho đi xe đạp một mình qua cầu sang Cung Thiếu nhi Hà Nội học nhạc vào mùa Hè. Tôi vẫn nhớ một mình đạp chiếc xe mini cũ màu xanh đi qua cầu Long Biên, trên giỏ xe là hộp đàn violon số 2/4. Hồi đó, tôi thấy kiêu hãnh lắm, vì có mấy ai nhà bên Gia Lâm mà được sang học ở bên Cung Thiếu nhi đâu. Tự đạp xe qua cầu cũng có cái thú vị của nó. Thật may mắn nếu đi thuận chiều gió và lúc đó hành trình qua cây cầu dài 1,7 km thật nhẹ nhàng, ngược lại qua được cầu dù không tắc cũng mướt mồ hôi.

Giữa cầu Long Biên ở cả chiều đi lẫn chiều về đều có một cầu thang bộ dẫn xuống Bãi Giữa nơi những người nông dân thường tận dụng khoảng đất màu mỡ phù sa của sông Hồng để trồng ngô. Vào tháng Ba, ngô lên xanh mướt mắt. Nhìn xuống thảm ngô xanh ngăn ngắt dưới cầu mới thấy lòng thư thái làm sao. Và đặt chân xuống khu vực Bãi Giữa là một trải nghiệm thú vị. Khi tôi học cấp III, cả lớp tôi đã từng có những buổi được nghỉ tiết và trốn ra tận đây chơi, nô đùa giữa không gian bao la của thiên nhiên tĩnh lặng chỉ có tiếng sóng nước và tiếng cười đùa vô tư của đám học trò chúng tôi. Rồi đến khi thu hoạch ngô xong là tới mùa nước lên. Cả sông Hồng ngầu ngầu cuộn đỏ, nước sông dâng lên dường như không phải mỗi ngày mà là mỗi giờ. Có khi buổi trưa trở về đã thấy nước cao hơn lúc sáng. Tôi vẫn nhớ có những lúc nhìn xuống dòng nước đục ngầu bên dưới ngỡ như chỉ cần thò chân ra bên ngoài thành cầu là chạm mặt nước.

Ở cả hai đầu cầu bên Hà Nội hay bên Gia Lâm, bạn đều có thể nhìn thấy cảnh cư dân ngoài đê lội nước bì bõm hoặc phải di chuyển bằng thuyền. Và những ngôi nhà ngoài đê lúp xúp như những bao diêm. Bây giờ, cảnh lụt lội ngoài đê đã là chuyện "xưa như Diễm" bởi nước sông Hồng trong 10 năm trở lại đây không còn dâng cao vào mùa nước lũ. Có lẽ cũng vì không còn lo cảnh lụt lội mà ngoài đê ngày càng mọc lên những tòa nhà cao tầng kiên cố. Nước sông ngày càng cạn, mà có ai ví von “nước gì mà đỏ như nước sông Hồng” thì có lẽ họ chưa từng qua cầu vào mùa Đông. Dòng sông đã thay đổi, cây cầu thì cũ thêm. Cả những con người đi lại trên cầu bây giờ cũng đã khác xưa. Vẫn còn đó những gương mặt lam lũ gồng mình trên chiếc xe đạp chở than vào những lúc ngược gió, xe máy cũng đã lại được phép đi trên cầu để giảm tải cho cầu Chương Dương. Nhưng đi trên cây cầu lịch sử giờ đây còn có nhiều khách du lịch ngoại quốc muốn khám phá chiếc cầu đã tồn tại hơn thế kỷ, có những người dân coi cây cầu như nơi tập thể dục buổi sáng lý tưởng. Và thậm chí còn có cả những hàng rong bày bán những sản vật của Bãi Giữa và sông Hồng như ngô, rau, tôm, cá...  Nhưng hai cây bàng đứng ở đầu cầu chiều sang Hà Nội và chiều về Gia Lâm thì vẫn còn đó, vẫn đổi màu lá xanh mỗi khi Hè đến vào chuyển sang lá đỏ mỗi dịp Thu sang...

                Đỗ Sinh

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự