Đạp xe sang sông

15:07 13/07/2010

Nửa đêm về sáng, không ngủ được, tôi khoác áo đi bộ lên cầu Long Biên. Phố Ngọc Lâm ngoại đô ban ngày chen chúc đủ loại người, đủ mùi đủ vị với gánh gồng xe cộ. Giờ chỉ một màu sương. Một mùi sương, tôi đã nghe vang trong gió từ lâu lắm, khi tuổi đời còn quá non tơ.

Con dốc có cái tên cũ Vườn Khế ban ngày tôi thường ngồi lơ ngơ ngó xuống dòng nước đỏ. Đó là những buổi chiều hoang huỷ. Dốc giờ vắng tanh, cót két lạch xạch tiếng xích xe đạp khô dầu nghiến vào tinh sương dưới sức nặng ngất ngư của những bao, những sọt. Tôi bước chậm theo dáng xe đạp tối thầm, cặm cụi. Lướt thướt. Bóng những đàn bà gò lưng đưa rau dưa qua cầu vào phố.

Tôi nhớ mẹ. Mẹ tôi mũ rơm, ngực đeo bảng tên có ghi sẵn nhóm máu, ngày ngày đạp xe vào nhà máy Dệt 8.3. Năm ấy Mỹ thả bom nhiều, người nhà máy cầm súng lên nóc nhà trực chiến bắn máy bay. Ba tôi xây dựng kho xăng Đức Giang. Những cái tên Bến Nứa, Phà Đen, Cầu Đuống, Long Biên, Đức Giang, Yên Phụ... ngày ấy thường trực trên loa phóng thanh, trước và sau những đợt oanh kích. Bom đánh trúng công trường, cháy lớn, ba tôi ôm thang lao lên dập lửa, cháy sém. Có người chết. Ông vội vã đêm ấy chở tôi về lại Hà Nội. Tiết tháng Chạp tối tăm, mưa phùn rây hạt, tôi ngồi sau đờ người vì rét. Cứ lơ mơ, lơ mơ. Lên đến cầu Long Biên, ông vẫn còn quài tay ra phía sau, miệng nói chuyện sợ tôi ngủ gật. Nhưng rồi lập bập lồi lõm ổ gà cùng những phiến gỗ lót ngang che những lỗ bom khoan thủng mặt cầu khiến ông phải tập trung vào chiếc ghi-đông. Tôi - thằng bé 5 tuổi vẫn cứ lơ mơ trong chiếc áo bông to sù, lạnh và buồn ngủ. Để rồi buông tay khi nào không rõ, có lẽ sau một cú xóc "ổ bom" thật mạnh. Đến tận bây giờ mẹ tôi vẫn còn hoảng hốt mỗi khi nhớ lại. Mẹ dựng xe chờ ba ở bờ đê đầu cầu bên kia, thấy ông lóc cóc đạp xe có... một mình! Con đâu? Con đâu? Thôi thì khóc lóc, chì chiết, đay nghiến... Tôi nằm ngủ như củ khoai trên cầu, may mà ít người xe qua lại.


Cầu Long Biên đầu thế kỷ 19. Ảnh: Tư liệu

Tuổi thầm bốn mươi. Mấy chục năm trời bước qua Bến Hải để về trôi nổi với sông Hàn, tôi bây giờ chợt là kẻ trọ của sông Hồng, sau một sự biến dữ dằn. Tôi trọ tại nhà một anh bạn hoạ sĩ ở mạn Gia Lâm. Ngày mấy lượt phóng xe qua lại cầu Chương Dương, nhìn sang cây cầu Long Biên già nua, lòng cứ quằn quặn. Nhất là vào tiết mưa phùn. Có đêm trực nhà in khuya, về ngang cầu tôi thấy người choáng váng, chực ngã. Dừng xe dựa mình trên thành Chương Dương, nhìn Long Biên mờ tối. Dăm ngọn đèn đỏ hiu hắt chiếu xuống từ vòm sắt. Tôi chợt nhận ra cây cầu có dáng người đàn bà đang gò lưng đạp xe. Cái lưng gù, cái đầu cúi. Lam lũ, lạ lùng... Trăm năm có lẻ, gội bom tắm đạn, tu sửa vá víu nhiều, nhưng vẫn dãi dầu cái bờ lưng cong vồng ấy. Không rõ từ cái năm 1899, anh em nhà Daydé và Pillé đến từ Kinh đô ánh sáng bắt tay dựng lên cây cầu ở cái xứ thuộc địa này, có phải muốn mượn hình tượng con rồng uốn lượn như nhiều người tưởng tượng ra, hay chỉ là bờ vai gánh gồng của người đàn bà An Nam. "Cây cầu của người nghèo", vậy mà đã kịp vắt sang thế kỷ thứ 3 của đời mình.

Thú tội gì đây trước dòng sông, rằng tôi quá mê mị cõi đời này chẳng như chàng Tất Đạt để có thể nghe được tiếng "OM" mầu nhiệm vọng lên từ những chồi sóng miệt mài huyễn hoặc dưới kia. Rằng lẽ ra trong cái đêm tháng Chạp ấy chính tại nơi này tôi được một người thồ rau nhặt về. Để không có những đêm hoang huỷ, không có những ảo tưởng, để khoẻ khoắn tưới giọt mồ hôi hữu ích xuống dòng sông?...


Cầu Long Biên. Ảnh: Johnhood

Sầm sập chuyến hoả xa về Hà Nội từ vùng Đông Bắc. Cầu và tôi chao đảo, từ trong ký ức xa xăm thê thiết rúc lên hồi còi của chuyến tàu than với cột khói dài ám muội suốt tháng năm. Nơi tôi đang qua có lẽ không xa nơi ngày ấy một chàng thi sĩ vẫn ngồi. "Quán cà phê dưới gầm cầu xe lửa - Hạt mưa đen rơi trên ô kính vỡ...". Apolinaire nhìn xuống dòng nước hiu quạnh dưới cầu Mirabeau, còn Vũ của tôi thì dõi lên dòng mưa ly loạn rối bời, cơn váng vất siêu thực của những chàng thi sĩ khi đứng trước hai dòng sông nào khác chi nhau. Quán ấy còn không, của một thời lầm lụi, chàng thi sĩ nhiều day dứt kia ơi? Đà Nẵng - thành phố sông Hàn quê hương của Lưu Quang Vũ, thành phố gió nơi chốn tôi xa và đã đánh mất trí nhớ giờ đây người ta đang ào ạt xây cầu. Những cây cầu ngắn ngủn, thẳng đuột như chiếc thước kẻ gõ vào bán phần ký ức của não bộ, như bảo rằng hãy quên đi, quên đi... Tôi nhớ có nhà văn xa xứ viết rằng, những thành phố được dựng lên dọc theo một con sông thì con sông sẽ nuốt thành phố ấy, nuốt tất cả mộng mơ hoài vọng của những đứa con lớn khôn trong thành phố, để rồi chúng sẽ bỏ dở cả đời để chạy đuổi những dòng sông chảy xiết. Từ sông Hồng, tôi thằng bé với giấc mơ tháng Chạp Long Biên gần dở cả đời rồi cứ sấp ngửa chạy theo những sông Hàn, sông Hương, sông Thương, sông Hoài, những Thu Bồn, Ngàn Phố, Ngàn Sâu, những Hiền Lương, sông Tiền sông Hậu, những Cầu những Cấm với Kỳ Cùng... Rồi như tiền định, như nhà văn ấy, một sớm mai như sớm mai này tôi cũng đã thấy đời mình cạn trơ đến đáy khi dừng lại bên dòng Arno kiệt nước của thành Florence cổ kính mùa đông. Mệt nhoài chạy trên con đường lát đá mang tên Tháng Chạp, hai dãy nhà Phục Hưng nằm xếp hàng trên cây cầu Ponte Vecchio như những hộp diêm mở ra đựng giùm tôi chút trí nhớ còn sót lại.

Và tôi đã bỏ quên tất cả ở nơi ấy, cái chốn có lẽ sẽ không bao giờ tôi còn trở lại.

Tôi chỉ mang về từ Arno một que diêm. Que diêm Dante. Để xoè lên sưởi ấm sông Hồng, cho cả những người đàn bà đang mải miết đạp xe sang sông...

Theo SGTT

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự