Nỗi trăn trở của “ông già Ôzôn”

19:42 13/01/2010

(Bài dự thi) - TS Nguyễn Văn Khải, người có biệt danh là “ông già Ôzôn” vừa có thêm một chế tạo mới mà tên của sản phầm này ban đầu được các nhà khoa học Trung Quốc lấy tên Khải nhưng bỏ dấu hỏi và sự thông minh của ông để đặt tên cho bóng đèn: Đèn Khai Thông (đèn thông minh). Nhưng vì thích biệt danh “ông già Ôzôn” mà bà con nông dân đặt cho hơn nên TS Nguyễn Văn Khải đặt lại là: Đèn Ôzôn. Loại đèn này đã xuất hiện “rải rác” trên thị trường nhưng lại chưa được sản xuất hàng loạt và bán rộng rãi trên thị trường. Ai muốn lắp đèn hoặc mua đèn, phần lớn đều phải gọi cho “ông già Ôzôn”.

Từ những chế tạo mang lại hiệu quả cao

Về cơ bản, đèn Ôzôn cũng chỉ là một bóng đèn huỳnh quang, chỉ khác các loại bóng đèn huỳnh quang khác ở chỗ bóng đèn Ôzôn có thêm một bộ phận “tiết kiệm điện” đồng thời tạo ra hàng triệu phân tử Oxi khi được thắp sáng nhằm khử độc, khử mùi, khử khói và có tuổi thọ thử nghiệm đến 8.000 giờ… Tóm lại, theo TS Nguyễn Văn Khải đèn Ôzôn là đèn bảo vệ môi trường!

“Ông già Ôzôn” đang làm thí nghiệm đèn ánh sáng sạch khử độc, khử khói, khử mùi trước sự chứng kiến của Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng (2007)

TS Khải khẳng định là đèn ozon mà ông sáng chế ra tốt hơn rất nhiều so với các loại đèn bảo vệ môi trường của một số nước trên thế giới! Ông dẫn chứng là nếu sản phẩm đèn bảo vệ môi trường của ba nước là Trung Quốc, Malaysia, Hàn Quốc phối hợp chế tạo và sản xuất hàng loạt mất 20 giây mới khử hết được toàn bộ số khói của một điếu thuốc lá đựng trong hai hộp có hai đèn khác nhau (một hộp là đèn huỳnh quang thường, một hộp là đèn bảo vệ môi trường) thì đèn của ông già Ôzôn chỉ mất 3 giây đã hút hết lượng khói thuốc lá tương đương… Thí nghiệm này TS Khải cũng đã “làm trước mặt” Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng (ảnh) năm 2007.

Thậm chí, theo như TS Khải cho biết đèn Ôzôn do ông chế tạo đã có mặt ở một số nước trên thế giới như Thụy Sĩ, Đức, Úc, Nhật và Hàn Quốc. Còn trong nước thì loại đèn này mới chỉ xuất hiện xuất hiện trong một số bệnh viện như Bệnh viên Bạch Mai, bệnh viện Vĩnh Phúc, Bệnh viện Bà Rịa – Vũng Tàu… thay quạt hút gió vì ngoài hút khí độc, đèn Ôzôn còn có thể diệt khuẩn bám trên tường và trần nhà, những nơi ít được chú ý đến như nhà bếp, nhà vệ sinh, chuồng nuôi gia súc, gia cầm, nhất là những nơi hút thuốc lá mà nếu có bị vỡ cũng không gây hại đến môi trường, nguy hiểm đến tính mạng của người sử dụng vì đèn không chứa thuỷ ngân (nồng độ ôzôn mà bóng đèn tạo ra luôn nhỏ hơn 0,1 ppm).

Nghịch lý và những trăn trở của “ông già Ôzôn”

TS Nguyễn Văn Khải là người từng chế tạo thành công đèn chiếu sáng học đường, bảng màu xanh không loá, "nước ôzôn" để bảo quản hoa quả, trị lở mồm long móng ở gia súc, gia cầm và nay là bóng đèn ánh sáng sạch khử độc, khử khói, khử mùi. Tuy nhiên, có một nghịch lý là những sản phẩm ông chế tạo ra dù được rất nhiều người biết đến nhưng lại chưa được triển khai sản xuất hàng loạt và bán rộng rãi trên thị trường. Hầu như ai muốn lắp đặt, mua sản phẩm mà ông chế tạo ra chỉ còn cách gọi điện thoại cho ông chứ không thể tìm thấy trên thị trường.

Thử nghiệm phun khói thuốc vào hai hộp ngăn, bên trái là đèn khai thông, bên phải là đèn compact thường. Sau vài giây, khoang hộp bên trái trở nên trong suốt, khoang bên phải vẫn đục như cũ.
TS Nguyễn Văn Khải chứng minh:  “Trên thế giới, duy nhất Việt Nam có loại đèn bàn Led 3,5W không cháy khi điện nguồn dao động hàng triệu lần/giây và đạt tuổi thọ 50.000 - 100.000 giờ (so với khoảng 1.000 giờ của bóng thường và 8.000 giờ của bóng compact)  nhưng lại không được mấy ai triển khai sản xuất, quảng bá sản phẩm đến nhân dân, nhất là với nhân dân ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa không cần nhà máy phát điện công suất cao…

Vậy tại sao lại có nghịch lý đó và làm thế nào để xây dựng thương hiệu cho những sản phẩm mà ông chế tạo? Tôi hỏi. TS Khải phân tích: Có thể tôi bi quan, nhưng thường các doanh nghiệp của ta không mạnh bạo nghiên cứu đã đành mà chỉ thích làm theo. Họ chờ những sáng chế của các nhà chế tạo, nhà sáng chế bán được hàng triệu sản phẩm mới bắt tay vào… làm nhái. Hay như một làng chài ở một vùng biển, biết rằng nếu sử dụng sản phẩm đèn bảo vệ môi trường sẽ giảm thiểu được mùi hôi nhưng từ nhân dân cho đến chính quyền địa phương dứt khoát không cùng nhau đầu tư vì cố đợi tiền dự án của nhà nước rót về. Nếu chúng ta ai cũng đua nhau làm như thế thì không những không xây dựng được thương hiệu mà còn cho thấy rõ sự tụt hậu so với thế giới.

Chúng ta không thể xây dựng bất kỳ một thương hiệu nào nếu nền khoa học cũ và mới, kỹ thuật cũ và mới vẫn còn xảy ra bất đồng. Muốn có một thương hiệu, cần phải có công nghệ mới, thiết bị mới. Công nghệ mới, thiết bị mới bao gồm rất nhiều thứ trong đó có một thứ đầu tiên vô cùng quan trọng là vấn đề bảo vệ sức khỏe cho con người.

Sức khỏe tôi có, nhiều người giỏi hơn tôi, trí tuệ và sức khỏe họ có nhưng “trên tôi không có tướng, dưới tôi không có quân”, bên cạnh không có cộng sự. Trong khi, lấy vụ dụ đơn giản: Một đàn chim hàng ngàn con khi bay còn có một con dẫn đầu, để kéo cả một dãy toa dài cần phải có đầu tàu. Hay, giống như những người lính những năm chống Mĩ cứu nước mà tôi thấy, nếu thích, người ta sẽ xung phong, nếu người xung phong đó thấy hành động của mình có lợi cho chính mình hoặc có lợi cho những người xung quanh. Trong khi đó, sức mạnh của đất nước chúng ta nằm ở chỗ, dân thấy lợi thì dân sẽ làm vì dân chính là người quyết định sự thành bại của mỗi loại sản phẩm. Quan trọng là, việc làm của anh có thiện tâm hay không. Nếu anh có tài năng, có tiền mà việc anh làm có thiện tâm với mục đích có lợi cho mọi người thì sẽ được mọi người ủng hộ, tin tưởng và tín nhiệm.

Vì vậy, thương hiệu chính là lợi ích mà các sản phẩm mang lại cho người dân chứ chưa phải là nhà sáng chế!


Lê Thư

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự