Cuộc chấn hưng của hàng Việt

15:04 13/01/2010

(Bài dự thi) - Quốc hồn quốc tuý kim chi Hàn Quốc có gì? Cải thảo, tỏi, ớt, hành, muối, đường… Đấy là ở "góc độ" nguyên liệu. Thế mà đâu đâu cũng thấy kim chi (phim ảnh, truyền hình…), đâu đâu cũng thấy dạy chế biến kim chi. Những "góc bếp" nho nhỏ trong "căn nhà" truyền thông độc món ấy "kéo" được tương đối thời lượng.

Một bận, tôi đến chơi một nhà người Hàn Quốc. Chao ôi, quốc hồn quốc tuý của họ. Họ mời, giảng giải cặn kẽ. Như hướng dẫn viên văn hoá.

Nhật Bản có sushi. Như cơm Việt Nam, sushi là món ăn cho chắc bụng. Ngày lễ, sushi với đủ màu sắc, mùi vị diểm dắn trên bàn tiệc. Nguyên liệu chính là cơm trộn giấm, cá sống, trứng cá, rau củ… Ở ta, lại những "góc bếp" nho nhỏ được "sửa sang" trên đài báo để chị em tha hồ trổ tài đảm lược bếp núc thời hội nhập…

"Công thức" chung cho sự nổi tiếng của kim chi, sushi, nói đơn giản, bao gồm hai thứ: Một là cách họ chế biến, hai là cách họ "làm hàng". Đâu phải mặt hàng (ẩm thực cũng là hàng hoá) nào cũng có cái vinh dự như thế.

Việt Nam có gì để "làm hàng"? Phở, quá nổi tiếng, quốc hồn quốc tuý, giờ đang chỉnh chện làm "đại sứ thiện chí văn hoá". Năm 2009, có một cuộc điều tra hàng Việt Nam chất lượng cao, có phần "hàng Việt trong mắt người nước ngoài"- đánh giá của người tiêu dùng ngoại quốc sống ở Việt Nam trên sáu tháng. Nhiều người hết lời với hương vị cà phê Việt Nam và cho biết nghiện đến mức mua Trung Nguyên về nước uống… hằng ngày. Không ít dù "trót" ngưỡng mộ cà phê Brazil, Italia nhưng "khi thưởng thức Trung Nguyên liền nhận ra đây mới là cà phê dành cho mình". Một người Mỹ, John Dillingham, rất thích gạo tám. Đi Nam Định, Điện Biên, anh tha bằng được về. John quả quyết, Việt Nam không thiếu loại gạo ngon ngang ngửa hoặc hơn Thái Lan.

Trong giỏ hàng nội địa, người tiêu dùng nước ngoài cũng đánh giá cao đồ tre, gỗ trang trí vì bền, đẹp, hợp gu lại rất Việt Nam. Với gốm sứ, sản phẩm của Minh Long được đánh giá cao với nhận xét... "không ngờ hàng Việt tốt vậy". Nhiều người tiếc rẻ, lắm sản phẩm ưa chuộng mà không biết bán ở đâu.

Hàng Việt Nam (chất lượng cao) được chấm 3,7 điểm, thang điểm từ 1- bình thường- đến 5- rất tốt. Mức không tồi.

Hàng Việt, với thương hiệu Việt, rõ ràng có chỗ đứng! Tại sao ta lại không có nhiều "đại sứ văn hóa" khác sau phở, “đại sứ cà phê”, “đại sứ gốm” rồi đến những “đại sứ công nghệ cao”..? Điều đấy không phụ thuộc vào những gì chúng ta có mà là cách chúng ta làm sản phẩm, xây dựng thương hiệu... Nếu thoả mãn được hơn 100 nghìn người nước ngoài đang sinh sống và làm việc lâu dài tại Việt Nam, họ sẽ là những "đại sứ truyền thông" tuyệt vời cho hàng Việt.
Lòng vòng như thế để thấy chúng ta có nhiều thứ mà "làm hàng".

2. Mấy năm trở lại đây, Việt Nam liên tục nằm trong nhóm năm, sáu thị trường bán lẻ được "thèm muốn" nhất thế giới bởi sự hấp dẫn của gần 87 triệu người tiêu dùng, phần lớn trẻ tuổi, chi tiêu 70% thu nhập. Số lượng doanh nghiệp cũng liên tục tăng lên, dự kiến năm 2010, cả nước có 540 nghìn doanh nghiệp.

Chúng ta có cả điều kiện để "làm hàng", là người tiêu dùng đông đảo, số doanh nghiệp hùng hậu; cái cần nữa là "bệ phóng". Theo các chuyên gia kinh tế, để chiếm lĩnh thị trường nội địa, cần có sự kết hợp giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Gần 25 năm mở cửa, xuất khẩu là mục tiêu, là hướng đi, là lựa chọn tất yếu. Tuy nhiên, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã tạo ra thời cơ lớn cho doanh nghiệp tìm về thị trường nội địa. Chỉ sau mấy tháng triển khai, hàng nội chất lượng cao đã chiếm tới 83,97% quyết định của người tiêu dùng. Ba nhân tố chính là sự phát triển của doanh nghiệp, chuyển biến về chất lượng, mẫu mã sản phẩm và sự thay đổi hành vi tiêu dùng của người Việt.

3. Hàng Việt dần bén rễ "sân nhà", một phân khúc đặc biệt, đồ cao cấp, cũng trình làng. Hàng hiệu nội địa gần đây rình rang hàng chục thương hiệu tại các thành phố lớn. Biti’s- nâng niu bàn chân Việt theo cha Lạc Long Quân xuống biển, theo mẹ Âu Cơ lên rừng (lời quảng cáo) có Gosto. Các trung tâm thương mại tự “tôn” mình với nhiều nhãn hiệu Việt xịn rõ rành “Made in Vietnam” như Viettien, Mattana, An Phước, Nino Maxx… Chẳng hạn, túi xách Gosto, khoảng… 8 triệu đồng, được ghi sản xuất tại công ty kinh doanh và sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên (Biti's); túi xách da cá sấu Tồn Phát, 16 triệu đồng, ghi sản xuất tại công ty Tồn Phát- Việt Nam… Khác trước, chỉ thể hiện sự cao cấp bằng giá thật cao, lần này hàng hiệu được "làm hàng" bài bản, ngay từ cái tên: Gosto viết tắt từ go-S-to (tiếng Anh), hàm ý mang hình ảnh Việt Nam đi khắp nơi; Việt Tiến đưa ra những sản phẩm định hướng tiêu dùng, chẳng hạn, vải từ cotton thiên nhiên, lông cừu cao cấp xử lý công nghệ kháng khuẩn, khử mùi; mẫu mã theo mốt của "thì tương lai ngắn hạn".

Định vị khách hàng không thể chỉ bằng mức giá. Đây là điều các doanh nghiệp Việt Nam đang cố gắng làm. Lòng vòng những chuyện như thế này để thấy thêm chúng ta cũng biết cách "làm hàng".

4. Quay trở lại câu chuyện của "đại sứ thiện chí văn hoá" phở. Năm 2000, sang thăm Việt Nam, gia đình tổng thống Mỹ Bill Clinton chọn phở trong thực đơn. Còn giờ, hàng loạt thương hiệu đã và đang làm nổi danh cho phở: Phở 2000, Phở 24, Phở 5 sao, Phở Việt, Phở Vuông... Công thức nổi tiếng kiểu kim chi, sushi được áp dụng một cách hoàn hảo. Một "ngôi sao" hiện là Phở 24. Ra đời năm 2003, 24 nhanh chóng lan toả Hà Nội, Huế, Vũng Tàu.., "bành trướng" sang Philipines, Singapore, Mỹ, châu Âu... Không hề kém kim chi Hàn, sushi Nhật.

Cà phê, đồ tre gỗ gia dụng, gốm sứ Việt đến những sản phẩm có hàm lượng chất xám cao… sẽ được như thế này chăng? Từ những mặt hàng bình dân đến đắt tiền đều cho thấy triển vọng của cuộc chấn hưng hàng Việt.
    Hàng Việt sẽ lên ngôi.

Nguyên An

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự