Những kỉ niệm hàng Việt

15:31 13/01/2010

(Bài dự thi) - Những năm 80 thế kỉ trước, lúc đó đời sống vẫn rất khó khăn vì đất nước vẫn trong vòng cấm vận. Người sản xuất trong nước phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng gắt gao lúc bấy giờ, ví dụ như mặt hàng lốp xe đạp. Vua lốp ở Hà Nội cho ra loại vỏ xe đắp lại được coi chẳng khác gì lốp ngoại là rất hi hữu.

Lúc ấy mua được đôi lốp xe đạp của Vua cũng phải chờ vì nhu cầu quá lớn. Được vài ba năm phát đạt và đầy uy tín, không hiểu sao sau đó Vua lốp bị "nạn" vì những lí do gì chẳng rõ ràng. Vụ việc kéo dài cả chục năm trời, Vua kiện đi kiện lại, báo chí cũng bênh vực, nhưng rồi cũng chẳng đi đến đâu.

Đấy là đoạn tôi nhớ nhất về một mặt hàng thị trường có nhu cầu rất lớn và được tín nhiệm thời đó mà những người sản xuất đã nghĩ ra, đã không được "vinh danh". Câu chuyện quá khứ ấy đau lòng cho người sản xuất và cả cho người tiêu dùng âm ỉ một thời gian khá dài. Tôi nghĩ chỉ vụ đó thôi cũng đã làm tịt ngòi tất cả những ai có chút năng nổ và có đầu óc tìm kiếm cách làm ăn lớn đáp ứng cho thị trường. Lúc ấy  nếu được hỗ trợ khuyến khích như ngày nay biết đâu vua lốp đã trở thành doanh nghiệp có máu mặt trên thương trường bây giờ.

Năm ấy tôi đi công tác Sài Gòn dành dụm mua được chiếc nồi cơm điện do một cơ sở nội đia sản xuất, nồi COVINA. Chiếc nồi không đẹp, vỏ kim loại, sơn không bóng. Nói tóm lại hình thức quá bình thường. Nhưng chiếc nồi cơm điện là phương tiện mới trong đời sống gia đình. Sung sướng nhất là bốn giờ sáng vo gạo cắm điện thì sáng ra có cơm nóng bón cho ăn con ăn để đi học, vợ chồng tôi cũng có một bát cơm lót dạ trước khi đi làm. Lúc ấy cán bộ không ai có nổi tiền ăn sáng, cho nên cơm tẻ luôn là bạn tri kỉ với mọi gia đình. Trước đó nấu nồi cơm bếp than phải ngồi canh, chẳng làm được việc gì, rất lãng phí thời gian. Từ ngày có nó, thì nó là người giúp việc có ý nghĩa nhất với vợ tôi, giải phóng bao nhiêu sức lực và thời gian.

Chiếc nồi nấu chín có còi báo và tự ngắt điện ấy như cô bé lọ lem trong nhà. Nó được giữ đến sau năm hai nghìn, vỏ sơn tróc hết, cả nhãn cũng bị lòa mờ vậy mà cơm vẫn chín rền. Đến khi nồi nhập khẩu tràn ngập thị trường vẫn chưa muốn đổi nồi mới. Mà quả thật sau khi trang bị nồi mới, nhà tôi phát biểu ngay: Nấu bằng nồi COVINA cơm rền hơn, giữ nhiệt tốt hơn. Vậy mà thật tiếc chỉ một thời gian mấy năm sau tên tuổi nó biến mất trên thị trường.

Nhắc đến nồi COVINA, điểm sáng long lanh hàng Việt thời điểm 1988 thì tôi lai  nhớ đến cái quạt cóc hoàng tử của nhà máy Điện cơ trước đó. Chiếc quạt phải chờ chực mấy lần phân phối mới đến tay. Vào đầu những năm bảy mươi, quạt ấy thường quen gọi là quạt 35, đó là loại quạt nhỏ có công suất 35 wat nhưng vô cùng tiện lợi, thành mơ ước của mọi nhà. Nó đã theo suốt mấy chục năm không hỏng hóc không chỉ với gia đình tôi mà còn với hầu như tất cả các gia đình công chức khác để chống với cái nóng hè. Đó là loại sản phẩm không thể quên đối với dân miền Bắc.

Những lúc khó khăn nhất đó là cơ hội ló ra những cái khôn để phát triển thì những định chế đầy oan nghiệt đã thành vật cản tàn nhẫn làm thui chột không biết bao nhiêu năng lực sáng tạo. Chúng ta đã mất một thời cơ quí giá cho hàng Việt phát triển. Bây giờ mở cửa thì hàng giá rẻ Trung Quốc và các cửa buôn khác tràn vào biến dân ta thành người tiêu thụ dễ dãi khi mà sản xuất hàng hóa tiêu dùng ở trong nước tụt lùi đến cả mấy chục năm. Đó thực là nỗi đau vô cùng cho xã hội.

Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam là cuộc vân động có ý nghĩa, nhưng nếu hàng Việt Nam không vì người Việt Nam thì khẩu hiệu ấy khó lan rộng trong cuộc sống.

Tôi nhớ mới đây có một lần gặp mấy người Hàn Quốc ở Hà Nội vào siêu thị mua hàng, họ cố tìm mặt hàng nước họ. Bạn tôi ngạc nhiên thì họ nói ngay rằng mua hàng của Hàn Quốc là để ủng hộ đất nước họ. Nghe thế mình chỉ còn biết nhún vai mà chẳng nói được  gì. Bây giờ giới nhiều tiền từ quan chức đến dân doanh nghiệp hỏi có nhiều người mua hàng nội không? Một số cơ quan nhà nước nữa, có cơ hội tiêu tiền là tìm hàng xịn nước ngoài.

Nhưng cũng không lo! Thị trường nông  thôn quá rộng lớn của ta vốn vẫn nghèo, vẫn cần hàng giá rẻ trong tiêu dùng hàng ngày. Người sản xuất vẫn có nhiều cơ hội nhưng ngoài khẩu hiệu người Việt ưu tiên dùn hàng Việt hỏi nhà nước đã có nhiều chính sách cụ thể cho các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa hướng tới nông thôn? Chỉ nhìn về đầu tư, công nghiệp hóa được ưu đãi tiền tấn mà còn chẳng ăn nên làm ra, thì nông nghiệp đã được gì hay cứ nay trồng mai phá vì nông sản ứ thừa không có đầu tư chế biến thành hàng hóa. Vì thế cần có chính sách tiêu dùng nhìn về nông thôn để khẩu hiệu trên ngày càng lớn mạnh trong hiện thực.

 
Đỗ Đức

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự