“Người Việt yêu hàng Việt” nên là một cuộc cách mạng trong tiêu dùng

19:12 13/01/2010

(Bài dự thi) - Sau một thời gian đến đất nước Trung Hoa tôi bắt đầu để ý và thấy rằng, đa phần người dân bản xứ sử dụng hàng hóa, sản phẩm do chính nước họ sản xuất - những sản phẩm “made in China”. Tôi hỏi người bạn Trung Quốc về vấn đề này, người bạn cười bảo sản phẩm họ làm ra giá rẻ phù hợp với người dân, bên cạnh đó họ rất có ý thức, thậm chí tôn sùng những sản phẩm do chính họ làm ra, họ xem đó là tinh thần, là niềm tự hào dân tộc. Chẳng biết anh bạn ấy có đùa tôi không, nhưng cứ nhìn vào cách người dân nơi đây tiêu thụ sản phẩm của đất nước họ đã làm tôi suy nghĩ.

Trung Quốc là nước đông dân, giả sử người dân toàn dùng sản phẩm ngoại nhập thì có lẽ đây sẽ là mảnh đất béo bở cho các nhà sản xuất nước ngoài và chắc chắn đất nước này cũng không vươn lên mạnh mẽ thế trong những năm gần đây. Theo chủ quan, tôi nhận thấy thành công đầu tiên của đất nước này là đã “cung” được cho “cầu” ở thị trường nội địa, thứ hai là thành công trong chính sách tiêu dùng, chính sách quản lí hàng hóa nhập ngoại, thứ ba là sự đồng thuận của người dân.

Nhìn lại Việt Nam ta, tôi thấy sản phẩm hàng hóa đất nước mình cũng không thua kém, nếu không muốn nói rằng nhiều sản phẩm còn đảm bảo chất lượng hơn, những mặt hàng còn thể hiện được cả sự tinh xảo, trái tim và khối óc của người Việt, nhưng sao nó vẫn chưa hẳn đi vào trái tim người tiêu dùng? Trước hết có thể nói đến là vấn đề tâm lý người dân “sính ngoại”. Dân ta cứ nghe hàng Thái, hàng Đài (Đài Loan),… miễn là có mác ngoại là thích, là sẵn sàng bỏ hầu bao mua. Điều này một phần có thể hiểu là do người dân vẫn giữ tâm lý trước kia vì rõ ràng hàng ngoại đó tốt thật. Ngày trước cứ nhắc đến nào dao Thái, nồi Thái, rồi đến ổi Thái, thanh long Thái là thích mê tơi. Nhưng ngày nay những nhà sản xuất của Việt Nam cũng đã sản xuất được những mặt hàng chẳng kém cạnh gì mà vẫn chưa tạo được “cơn sốt” hay “trào lưu” mạnh mẽ như những mặt hàng ngoại đã từng làm được. Có lẽ đó là do quá trình xây dựng và quảng bá thương hiệu chưa “đánh trúng” tâm lý người dân nên chưa thay được cách suy nghĩ cũ.

Thêm nữa, việc tiếp cận được với những mặt hàng chất lượng “made in Việt Nam” của những người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa khá khó khăn. Điều đó có nghĩa là sản phẩm của nhà sản xuất trong nước chưa đến được tận tay người dân. Họ có thể được thấy, được nghe trên tivi, báo, đài về một sản phẩm nào đó nhưng nhiều khi để mua được lại phải đợi có cơ hội ra thị trấn, vào thành phố mới có. Bên cạnh đó là sự cạnh tranh giá cả, mẫu mã đặc biệt là với các sản phẩm của Trung Quốc. Nông thôn vẫn luôn là một thị trường tiềm năng mà ai cũng thấy, nhưng đáp ứng được thị trường này không phải dễ, vì cuộc sống người dân thấp. Họ cần sự thiết thực, rẻ. Điều này thì các nhà phân phối cũng như sản xuất trong nước đang bỏ ngỏ để cho lượng hàng ngoại giá rẻ thâu tóm phần lớn thị trường.

Nhìn vào bức tranh tiêu dùng của người Việt Nam đôi khi thấy tiếc, tôi chợt nhớ đến một bài báo nào đó có nói rằng hàng Việt đang “thua ngay trên sân nhà”. Mặc dù ngày nay điều đó đã được cải thiện đáng kể, hàng Việt đang lấy lại uy tín và dần đi vào ý thức người tiêu dùng song chưa đủ sức để có thể hích đổ vẽ nên một bức tranh tiêu dùng mới. Tôi nghĩ đến những dòng hàng Việt trước kia như phích nước Rạng Đông, đồ bếp Kim Hằng… một thời tạo được “làn sóng” lớn trong thị hiếu người dân. Ngày nay sản phẩm đa dạng hơn, chất lượng hơn, nhiều thương hiệu nổi tiếng hơn thì việc tạo nên những con sóng lớn không phải là điều quá khó, vấn đề là nhà sản xuất và cả người tiêu dùng đã chuẩn bị tinh thần cho “cuộc cách mạng” (tôi nghĩ đây chính là cuộc cách mạng mới cho phong trào “Người Việt yêu hàng Việt”) này chưa thôi.

Những ngày trên đất Trung khi ghé vào một tiệm tạp hóa nhìn những hộp cà phê xuất xứ từ Việt Nam (Trung Nguyên, Vinacafe), những hộp bánh kẹo, những hộp cao, dầu gió và vô vàn những sản phẩm khác mang nhãn hiệu quen thuộc của Việt Nam làm tôi vui mừng biết bao. Vì sản phẩm của đất nước mình cũng đã “bay” qua tới được thị trường này. Điều đó chứng tỏ rằng hàng hóa của chúng ta đang dần hòa nhập và khẳng định vào thị trường thế giới, dù còn hạn chế, vậy thì tại sao chúng ta là người dân Việt không sử dụng chính sản phẩm của mình?

Việc để “Người Việt yêu hàng Việt” không chỉ là chiến lược, định hướng của nhà sản xuất, nhà phân phối muốn giữ thị phần trong nước mà nó còn là chiến lược của một quốc gia và cần được sự hưởng ứng của nhân dân – những người tiêu dùng trực tiếp quyết định thành công hay thất bại cuộc cách mạng này. Nhà sản xuất ngoài việc đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng thị hiếu của mọi tầng lớp người tiêu dùng từ thành thị đến nông thôn, từ cao cấp đến bình dân, còn phải luôn nhanh nhạy trong việc phân phối, cạnh tranh giá cả, mẫu mã, nắm bắt thị thiếu đáp ứng kịp thời nhất trước khi những mặt hàng ngoại kịp nhảy vào. Thêm nữa phải xây dựng chiến lược thương hiệu để vươn ra tầm thế giới.

Nhà nước ngoài việc có chính sách thúc đẩy khuyến khích người dân dùng hàng trong nước thì cần kiểm tra suýt sao hơn quy trình sản xuất của các công ty, xí nghiệp để đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt nhất trước khi đến với người dân. Đó là cách hiệu quả nhất để lấy lòng tin của người tiêu dùng. Bên cạnh đó nhà nước cũng cần có chính sách chặt chẽ hơn với hàng ngoại, biện pháp mạnh và nghiêm hơn đối với hàng lậu, như vậy sẽ giúp thị trường tiêu dùng lành mạnh và “sạch” hơn. Nếu làm được những điều đó thì tôi tin rằng yếu tố cuối cùng là người dân, sẽ tự ý thức chọn lựa mặt hàng, sản phẩm phục vụ nhu cầu của họ. Tôi nghĩ muốn vươn ra ngoài thị trường thế giới thì trước hết hàng Việt phải khẳng định được và chiến thắng ngay trên “sân nhà” và nếu làm được những điều này tôi tin hàng Việt sẽ thắng.

Trần Thế Lâm

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự