Vài lời cho hàng Việt

01:15 13/01/2010

(Bài dự thi) - Bạn muốn nó như thế nào…

Thì hãy nghĩ cách để nó như thế đó…

Bạn muốn trái tim Việt dành cho hàng Việt một khoảng đứng vững chắc? Bạn muốn đẩy mạnh nhu cầu Việt hóa sản phẩm từ trong chính nơi nó sinh ra. Bạn muốn cái tên hàng Việt đi vào tiềm thức người tiêu dùng… Bao nhiêu điều bạn muốn là bấy nhiêu điều khách hàng mong! Hãy thỏa mãn những  ước muốn của mình bằng cách lấp đi những “khoảng  hụt” giữa hàng nội và hàng ngoại, đồng thời tự tôn sức cạnh tranh cho bản thân sản phẩm Việt.

Với tư cách là một người tiêu dùng nhỏ tuổi, có thể những điều tôi nói ra đây là những cái nhìn phiến diện hay những quan điểm còn chất phác. Nhưng bằng trái tim của một con người luôn muốn hàng Việt  phải sống được trong chính cộng đồng Việt, tôi viết vài lời này nhằm nói lên đôi điều về phương thức tăng sức cạnh tranh. Mà cụ thể là Sức mạnh của Quảng bá đối với tâm lí người tiêu dùng. 

Dẫu biết rằng bản chất đằng sau của quảng bá còn nhiều điều cần xem xét. Ví như suy cho cùng, phần tốn kém dành cho quảng bá sẽ được cộng vào chi phí sản phẩm và chia bình quân lượng hàng. Để rồi, chính người mua lại là người chịu thêm một phần tốn kém đấy. Tuy nhiên, nếu đặt mặt tích cực của quảng bá lên để cân đo và đong đếm so với những gì bỏ ra hợp lý, ta sẽ nhận thấy, phép lũy thừa của lợi nhuận và  sức lan về  khả năng khơi dậy thị hiếu của người tiêu dùng.

Quảng bá là một cách đưa thông tin tới người tiêu dùng tối ưu nhất: gọn, đầy đủ, nhanh. Để phát huy hiệu quả, nên xác lập  nhu cầu của khách hàng, từ đó tiện bề đưa thẳng thông tin vào trong quảng bá. Tiết kiệm thời gian cho người tiêu dùng về quá trình lựa chọn. Không những vậy, quảng bá còn là một cách để tạo được uy tín và tiếng vang. Uy tín ở đây được xây dựng trên quan điểm dám khẳng định mình trước số đông. (Tự tin về cái chất trong sản phẩm thì mới bắt đầu quảng bá). Còn tiếng vang là chuỗi liên kết những thông tin truyền tai do chính khách hàng quảng bá lẫn nhau. (Khi dùng xong sản phẩm, dù có ưng ý hay không, thường người ta vẫn kháo nhau hoặc truyền kinh nghiệm cho nhau. Nếu sản phẩm của bạn thỏa mãn và làm hài lòng người mua, dĩ đương nhiên, vô tình, chính khách hàng đã sử dùng sản phẩm sẽ mang đến cho bạn những khách hàng mới – marketing truyền miệng)

Một khi đã tập trung vào quảng bá, như đã nói, họ cần tạo sự tương xứng giữa chất của sản phẩm và quy mô của quảng bá. Nếu hiệu ứng của quảng bá tốt, thì đó là động lực để tác động lại chất lượng sản phẩm nhằm cải thiện và nâng cao chúng hơn nữa.

Xét theo khuynh hướng chọn mua, nhiều (hầu hết) khách hàng vẫn thực sự muốn mua những sản phẩm có tên tuổi, được quảng bá. Bạn có hãnh diện không nếu đi ra đường khoát một chiếc áo, mang một đôi giày, cưỡi một con xe..  mà người ta nhận ra nó là hãng gì và đã được xuất hiện trong loạt quảng cáo nào. Tự nhiên bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn và “kiêu hãnh” hơn.  Thậm chí là với mặt hàng tiêu dùng thường xuyên, mang giá trị  nhỏ hơn cũng vậy. Nhắc tới đây tôi mới nhớ, khi mua hàng, đôi lúc người ta quên lửng đi cái tên của sản phẩm cần mua, nhưng chính nhờ  những câu slogan, những đoạn nhạc có lời giới thiệu và mang tính đặc trưng cho sản phẩm mà họ lại nhớ ra.

Tuy nhiên, phải nói rằng, một số quảng cáo đã phản lại tác dụng. Đoạn quảng cáo được rút đi đến mức không thể tin là sự thật, tạo nên tính mơ hồ, bán tin bán nghi…Một số lại mắc phải những câu hô hiệu nhàm chán – “sến”, gân guốc, thậm chí là hơi “ngớ ngẩn” hay hình ảnh được thể hiện trong quảng cáo quá phản cảm. Vô hình chung chúng đã làm một đòn dội lại chính sản phẩm mà chúng làm nhiệm vụ “lăng xê”. Xét về mặt bằng quảng bá Việt Nam, một số đạt được tính nghệ thuật thì lại mất đi tính chân thật, một số tạo nên từ những cuộc thực nghiệm để lấy  lòng tin thì lại mất đi sự thu hút, hứng thú…

Giá như chúng ta có thể đầu tư hơn cả về nội dung và hình thức của quảng bá, cũng như chiến lược để khách hàng nhận ra ưu điểm sản phẩm thì tốt biết bao. Chúng ta sẽ đánh mạnh vào các đối tượng ở nhiều phương diện: thông qua truyền hình, truyền thanh, báo giấy, báo mạng, email, các chiến dịch thực tế  nhỏ lẻ luồn sâu vào từng cụm dân… Không chỉ vậy. chúng ta chú trọng đến tuổi tác. Đặc biệt là giới trẻ.  Phải xây dựng được tinh thần yêu hàng Việt cho họ càng sớm càng tốt. Hướng cho họ cái nhìn khách quan hơn về hàng Việt. Một số bậc phụ huynh đang từng ngày làm cho con mình “chuộng ngoại chê nội” ngay trong tư tưởng mà họ biểu hiện ra với con họ. Nếu để ý, ta sẽ thấy, giới trẻ tác động khá mạnh vào quyết định lựa chọn mua hàng của bố, mẹ. 

Quảng bá  hàng Việt cần được chú trọng nhiều hơn nữa trong khâu khuyến mãi và hậu mãi. Thực ra thì người Việt nhìn vào khuyến mãi và tỏ ra thích thú hơn là hậu mãi. Nhưng nếu đẩy mạnh chính sách hậu mãi (với những mặt hàng có giá trị) thì đó là cách tạo niềm tin lâu dài cho sản phẩm. Đã có không ít tên tuổi Việt tăng uy tín lên bằng việc tăng thời gian hậu mãi (có khi lên đến 10 năm…) Bên cạnh khuyến mãi và hậu mãi, thái độ người bán, kĩ năng bán và cách cung ứng hàng hóa … cũng  được đề cập như  là một trong những điểm mạnh để  hút khách hàng về với sản phẩm Việt. Còn quá nhiều bất cập xảy ra ở những con người đưa hàng Việt đến khách hàng thiếu chuyên nghiệp. Có lẽ họ bán hàng Việt theo “ cái tầm giá trị Việt” trong tư tưởng của họ, nên họ thường cáu bẳn, khó chịu và làm cho khách hàng thấy họ mới là thượng đế. Không đưa khách hàng xích gần hơn với sản phẩm trong không khí thân thiện thì có lẽ việc tư vấn sản phẩm cũng là một gian nan.

Nói như vậy để thấy rằng, quảng bá sản phẩm hiệu quả đã khó,  theo cách Việt lại còn khó hơn.. Làm hài lòng đa số khách hàng là cả một hành trình dài vất vả. Nhưng đôi lúc cũng thật tội nghiệp cho những hàng Việt chính cống  bị bỏ qua chỉ vì những khách hàng (những người chuộng sản phẩm Việt) nhầm tưởng đó là hàng ngoại. Những mặt hàng ấy thường có bao bì, nhãn mác, cách đặt thương hiệu tây hóa. Và tây hóa xem chừng cũng khó được chấp nhận!

Vấn đề tôi muốn đề cập ở đây, là cái vỏ bên ngoài của cái chất. Là cái khâu sau của tiến trình kinh doanh hàng Việt (sau khâu sản xuất), là khâu quyết định lượng hàng hóa tiêu thụ được bao nhiêu và thông tin hàng hóa đến với khách hàng như thế nào. Giải pháp cũng như vấn đề tôi nhắc đến ở trên được đưa ra xem xét tốt nhất khi cái chất của sản phẩm đã ổn định.

Theo trang blog mới ra lò gần đây của anh bạn tôi, dunghangviet.vn, khi biết cuộc thi này, anh ta cũng mở đồng thời một cuộc thăm dò, xem nên tăng sức cạnh tranh hàng Việt về mặt nào? Và kết quả dừng lại lúc tôi đang viết bài này là: Quảng cáo và tiếp thị rộng rãi hơn.

Hàng Việt… nó không thua kém gì hàng ngoại nhưng vấn đề là thông tin về nó chưa được cập nhập và tạo sức hút sâu sắc trong lòng khách hàng. Hãy xem qua những số liệu điều tra sau (nhìn nhận theo góc độ tích cực), để ngẫm lại xem, hàng Việt, về khâu Quảng cáo và tiếp thị… đã đi được tới đâu so với những bước tới của toàn cầu…

… “trung bình trẻ em ở Mỹ đã xem 100.000 mục quảng cáo trên tivi; cho đến lúc chết các em sẽ còn xem thêm 2 triệu quảng cáo nữa. Năm 2002, các nhà tiếp thị gửi đi 87.000 tỉ lá thư rác, thực hiện 51.000 tỉ cuộc gọi tiếp thị từ xa, và tung lên mạng 84.000 tỉ email rác”…

Ngờ Đổng

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự