Chiếc áo ấm

15:39 13/01/2010

(Bài dự thi) - Chú Hà là em con ông chú ruột tôi vừa ở bên Mỹ về. Chú đi du học ở bên đó bốn năm, rồi lại tiếp tục học nữa. Sau bảy năm giờ chú mới trở về. Chú mang về nhiều quà lắm. Ai cũng có quà.

Món quà của tôi là một chiếc áo ấm may bằng vải cực tốt, kiểu Mỹ trăm phần trăm, rất đẹp. Ai cũng trầm trồ khen “Áo Mỹ có khác”. Quả thật, mặc chiếc áo ấy, người sang hẳn ra, oai hẳn ra.

Mấy hôm vừa rồi trời rét đậm. Vớ được chiếc áo ấm, tôi mặc suốt ngày. Vừa oai, vừa sang, lại vừa ấm. Trưa nay trời đỡ lạnh, tôi cởi chiếc áo Mỹ ra, lộn trái, khoác vào thành ghế rồi ngồi nhâm nhi chén trà với mấy ông bạn cựu chiến binh.

Bất ngờ, đứa cháu ngoại của tôi gọi dột dàng:

- Ông ơi ông, ông lại đây mà xem này. Áo Mỹ của ông lại có tên mẹ cháu đây này!

Tôi lại xem. Phía trong vai áo Mỹ rõ ràng có chữ “Thuỷ-TB”.

Đúng! Thuỷ - TB thật. Con gái tôi là thợ may giỏi làm việc ở Phòng Kỹ thuật Công ty May xuất khẩu TB mà!

Chẳng có lẽ chiếc áo này con gái tôi may sao? Chẳng có lẽ ? Chẳng có lẽ?...


Vừa lúc ấy, con gái tôi đi làm (mấy hôm nay nó làm liên tục ở xưởng), nay mới về. Cháu ngoại tôi chạy ngay lại níu lấy mẹ:

- Có phải mẹ may chiếc áo Mỹ này không, mẹ ?

Con gái tôi cầm chiếc áo lên xem:

- Ồ, đúng rồi! Bố ơi, các bác ơi! Đúng chiếc áo Mỹ này con may hồi tháng tám vừa rồi đấy. Con lấy bút bi đánh dấu tên còn đây này! Công ty con năm ngoái đã may và xuất năm chục nghìn chiếc áo trong đó có loại áo này, từ đầu năm đến giờ lại xuất thêm bốn lăm nghìn chiếc nữa sang Mỹ. Kế hoạch từ nay đến cuối năm phải xuất năm mươi nghìn chiếc nữa. Chúng con đang làm gấp rút lắm.

Thật không ngờ! Con gái tôi và những người thợ may đất Việt lại có những đôi bàn tay khéo léo đến vậy để may được những chiếc áo vừa đẹp, vừa sang  để mang niềm vui ấm áp đến cho bao nhiêu người trong đó có những con người thân yêu ở quê hương, có cả những con người ở bên kia nửa vòng trái đất.

Tôi nghĩ rằng: nước ta có một lực lượng đông đảo những người thợ may có đôi tay xinh xắn và khéo léo. Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, hàng triệu đôi bàn tay xinh xắn và khéo léo của các bà, các mẹ, các chị, các em đã cần mẫn may áo khăn cho người chiến sĩ góp phần lập nên những chiến công hiển hách. Trong hoà bình xây dựng, hàng triệu đôi bàn tay xinh xắn khéo léo ấy lại đêm ngày cần mẫn may áo khăn cho chiến sĩ trên các công trình đường dây 500 kw, công trình đường Hồ Chí Minh lịch sử, trên các công trình làm đường, làm than, làm điện, trên mặt trận chống lâm tặc, hải tặc, thương tặc, trên các vùng đất, vùng trời, vùng biển bảo vệ quê hương… Hàng triệu đôi bàn tay xinh xắn khéo léo ấy đã góp phần quan trọng tạo nên một số lượng hàng hoá khổng lồ và một chất lượng đáng tin cậy cho hàng Việt Nam, góp phần quan trọng đưa hàng Việt vươn ra, vươn lên trên thị trường thế giới.

Thế nhưng, hiện nay, đội ngũ thợ may ở nước ta đang gặp rất nhiều khó khăn. Các ngành, các cấp của ta cũng chưa có những chế độ, chính sách và biện pháp quan tâm thoả đáng đến lực lượng này.

Trước hết là vấn đề đào tạo, bồi dưỡng tay nghề. Bên cạnh một bộ phận có tay nghề cao, còn có một bộ phận (đông hơn) tay nghề còn thấp, chưa được chú ý đào tạo, bồi dướng. Đặc biệt, vấn đề thời gian làm việc, tiền lương, tiền thường, bảo hộ lao động nói chung vấn đề đời sống là những vấn đề cần đặc biệt quan tâm.

Tôi có nhiều bạn bè và các cháu làm việc ở nhiều công ty may Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Thanh Hoá, Phú Thọ, Bình Dương, Khánh Hoà, thành phố Hồ Chí Minh… Tôi cũng đã đến thăm họ… Tôi thấy hầu hết các công ty công nhân phải làm việc nhiều giờ, có công ty công nhân phải làm việc từ 12 đến 16 tiếng đồng hồ một ngày. Lương công nhân thì quá thấp so với thời gian và công sức làm việc của họ. Nhiều công ty không chú ý đến các chế độ bảo hiểm y tế, bảo hộ lao động. Nơi ăn, chốn ở của công nhân nhiều nơi không đảm bảo an toàn, không đảm bảo vệ sinh. Nhiều công nhân mấy năm không có tiền về phép thăm gia đình. Nhiều công nhân cả nam và nữ đến tuổi lấy vợ lấy chồng mà không có điều kiện tổ chức đám cưới. Làm gì nói đến chuyện xây nhà xây cửa, làm gì nói đến chuỵện sinh con đẻ cái và lo cho chúng học hành?

Tôi nghĩ rằng: người Việt ta, nhất là những người bà, người mẹ, người chị, người em gái có tấm lòng nhân ái thiết tha và đôi bàn tay khéo léo đã tạo nên những đường kim mũi chỉ diệu kỳ tạo nên thương hiệu cho hàng dệt may Việt Nam, cho hàng dệt may Việt Nam phục vụ tốt yêu cầu của sản xuất, đời sống trong nước và  vươn ra chiếm lĩnh thị trường thế giới.

Xin được đề nghị Đảng, Nhà Nước, Bộ Lao động thương binh xã hội, Bộ Công Thương và các ngành, các cấp có những chính sách, chế độ quan tâm thiết thực hơn nữa đến lực lượng thợ may nước ta để lực lượng lao động đông đảo và quan trọng này phát huy hơn nữa vai trò của mình trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

PHẠM PHÚC THÀNH

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự