Tâm, Đức, Tín trong bán buôn

16:10 13/01/2010

(Bài dự thi) - Một số dân tộc thiểu số bản địa Tây nguyên kiêng không cho phụ nữ làm rượu cần vì nhiều lý do ‘’tế nhị’’, song riêng con gái người Kơ ho ngày xưa sắp sửa ‘’bắt’’ (cưới) chồng thì thế nào mẹ đẻ hoặc dì ruột cũng sẽ truyền cho bí quyết ủ loại rượu truyền thống của dòng họ (vì mỗi nhà có cách làm riêng chứ không theo công thức nhất định), còn con trai thì không, vì sợ sẽ đem bí quyết ấy về nhà vợ là người dân tộc khác.


Thế nhưng chẳng hiểu ông ngoại tôi học được từ ai mà ngay từ tuổi 40 ngoại đã nổi tiếng khắp trong buôn, ngoài tộc về ‘’rượu cần có một không hai’’. Người ta khen rượu ngoại làm uống vừa thơm, ngon, chóng say và điều đặc biệt có say mấy đi nữa thì khi tỉnh dậy cũng không bị nhức đầu; vì lẽ đó mà ngoài việc làm rẫy ngoại còn làm thêm việc ủ rượu bán và nhận làm rượu cần ăn công cho các đám tiệc lớn, nhất là rượu để cúng Giàng trong ché thiêng, ché quý mỗi khi có lễ hội cộng đồng.

Tôi vừa mới lớn đã thấy trong kho chuyên để rượu của ngoại có đến hàng trăm cái ché lớn, nhỏ lúc nào cũng đầy ắp rượu và ngày nào cũng có người đến mua có ít cũng vài ché, nhiều đến hàng chục ché; ngoài ra người buôn khác đến rước ngoại đi làm rượu tại tư gia có khi cả 3 ngày liền mới đưa về. Ngoại tôi khá nghiêm khắc trong việc làm rượu, trong khi men lá của đại đa số các nhà cứ lấy về thì phơi nắng cho thật khô rồi giã nhỏ dồn vào trong bầu nút kín lại, thì men của ngoại phải là lá tươi trong rừng sâu ngay sau khi hái đã kiêng không cho ánh nắng mặt trời ‘’dòm’’ vào. Theo lời ngoại, những cây làm men phải mọc từ kẽ những hòn đá nằm kề chứ sống ở khu đất bằng hoặc nơi ẩm thấp đem về ủ cũng thành rượu song chất lượng rất thấp. Làm bằng men khô không tránh khỏi nhức đầu vì một số chất trong lá làm bão hoà độc tố khi lên men đã bị mất đi tác dụng do tác động của ánh nắng mặt trời.

Vì lẽ đó mà cứ dăm, bảy bữa một lần ngoại dậy từ lúc 3 giờ sáng lưng đeo gùi, tay cầm cây lao, vai đeo cung, vào rừng bởi lá men phải hái khi sương còn ướt.. Đến khi mặt trời lên cao cả một tầm lao (tầm phóng lao khoảng 20 mét) mới về tới nhà và trong gùi đầy ắp lá men được đậy kín bằng mấy lớp lá chuối rừng. Từ lúc đó lá men luôn được để trong kho không có ánh nắng lọt vào, ngay cả khi dã lá men để nhồi với bắp, với cơm và cho vào ché ủ ngoại cũng mò mẫm làm trong ánh sánh lờ mờ chứ không đốt lửa. Sau mỗi đợt làm xong 5-7 ché ngoại kêu tên Thần linh khấn vái mấy lời quen thuộc rồi xếp rượu theo thứ tự ché làm trước, ché làm sau. Về mùa khô men lá hiếm mà rượu không đủ bán, không ít người đã bảo ngoại thay thế bằng loại men khác, ngoại đều lắc đầu:

-Ồ, làm thế là lừa dối người uống đấy, không có thì bảo không luôn, chứ làm khin (dở, giả) là mang tội đấy, rượu người Kơ ho là nước thiêng của Thần linh, mượn đó mà nói dối thần phạt đấy.

Rượu của ngoại không nhãn mác gì, với tính ngoại ít nói nên cũng chẳng quảng cáo nhiều lời, khách quen cứ đến mua, tuỳ ché to hay nhỏ ngoại nói bao nhiêu thì trả nấy, còn khách lạ họ cũng dọ hỏi đủ lời, song đáp lại ngoại chỉ bảo :’’Nếu rượu dở khách chỉ mất tiền có một lần chẳng đáng gì, còn mình không chỉ mất một khách mà mất nhiều mối, vì một người chê có đến hàng chục người biết’’.

Hơn 30 năm trời làm rượu đến ngày sắp sửa về với đất, với rừng, với ông bà, tổ tiên ngoại mới bỏ nghề làm rượu và nói thật rằng mỗi một ché rượu ngoại có dung tích 15 lít ngoại chỉ được lãi 2 ký gạo chưa kể công chứ không hơn, song nhờ bán được số nhiều mà ông ngoại và bà ngoại tôi nuôi được 7 người con có ăn có mặc, được học hành ngang với con nhà giàu trong buôn. Nhiều cháu, nhiều con xin ngoại truyền cho cái bí quyết làm rượu cần, ngoại lắc đầu :’’Nghề làm rượu khó lắm bởi nó là con dao hai lưỡi, tâm, đức, tín không vẹn thì dễ giết người bởi nó là chất độc mà’’, rồi vĩnh viễn ‘’ôm’’ cái bí quyết ấy xuống mồ chứ không chỉ cho ai.

Rút kinh nghiệm từ rượu cần của ngoại tôi mà áp dụng cho hàng trong nước hiện nay, thiển nghĩ nhà sản xuất và nhà phân phối nếu tâm, đức, tín vẹn toàn chắc chắn thừa sức cạnh tranh với hàng ngoại mà không cần vận động ‘’người Việt ưu tiên dùng hàng Việt’’ như một số người kêu gọi.

K’SIM HẬU

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự