Khát khao người thợ Việt trong đời sống dân tộc

08:22 02/12/2009

(Bài dự thi) - Muốn người Việt yêu hàng Việt thì trước hết phải hoàn thiện sản phẩm cả về chất lượng và hình thức. Nhưng quan trọng hơn cả là trong đó phải kết tinh bản sắc dân tộc và giá trị truyền thống gần gũi, sâu đậm thường trực trong tâm thức người Việt Nam. Kiến tạo, lưu giữ, phát huy giá trị ấy, cần phải có bàn tay, khối óc của bao người thợ Việt. Lịch sử dân tộc ngàn năm và cả trang sử thời hiện đại đã và đang minh chứng cho biết bao niềm đam mê, ước vọng cao cả của người thợ Việt như thế!

Thời phong kiến, không thể không nhắc đến những sứ thần thông thái nước Việt. Hồi đó nông dân ta chỉ có trồng cây lúa, không biết loại nông sản khác phù hợp thời vụ.Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan trong lần đi sứ Trung Quốc, thấy dân Tàu trồng được đỗ tương và ngô, ông đã làm quen, tìm hiểu. Dần dần xin được hạt giống. Nhưng luật pháp Trung Quốc phong kiến cấm xuất giống ra nước ngoài. Ông đã mưu trí giấu hạt giống vào người, can đảm vượt qua cửa ải Nam Quan để mang về cho dân 2 giống lương thực mới.

Khát khao được học hỏi những kĩ  thuật, bí quyết nghề mới cho nước nhà chính là sức mạnh lớn nhất trong tinh thần và hành động quả cảm của bậc hiền tài ấy.

Tinh thần người thợ Việt còn  được minh chứng trong tấm gương thợ  thủ công, những nghệ  nhân gắn bó sâu nặng, yêu làng nghề truyền thống đến trọn đời.


Làng nghề chạm vàng bạc Đại Bái nổi tiếng đã có lúc tưởng như bị mai một. Người có công lưu truyền, gìn giữ và phát triển là nghệ nhân Nguyễn Văn Chỉnh. Sinh năm 1928, từ nhỏ ông rèn học chữ Hán. Những năm khó khăn, ông vừa học chữ, vừa học nghề chạm bạc từ một nghệ nhân làng. Nhờ chăm chỉ, yêu thích, chẳng bao lâu ông học thành nghề. Những năm 1960 ông nhận gia công cho nhà nước, đồng thời mày mò, trau dồi nghề thêm tinh xảo. Nhiều sản phẩm do ông thiết kế và chế tác đã đạt trình độ nghệ thuật .Năm 1986 ông đã được Nhà nước phong danh hiệu Nghệ nhân.

Để nghề quý cha ông khỏi bị mai một, ông luôn có  ý thức truyền nghề cho lớp người sau, dạy cho 16 người ở HTX, bổ túc tay nghề 5 người khác.Kết hợp chạm khắc họa tiết hoa văn và thể hiện chữ Hán - Nôm trên các sản phẩm. Mỗi lớp có 8 người, từ trẻ đến già, có cả con gái, dâu, rể của ông. Ngày nắng như ngày mưa, không quản sự phức tạp của kĩ thuật nghề, bất chấp tuổi già, ông đã truyền dạy thành công, lưu truyền sản phẩm chạm, khảm trên vàng, bạc tinh xảo và giàu giá trị nghệ thuật ngày nay.

Đam mê, khát khao nâng tầm sản phẩm Việt Nam không chỉ thể hiện trong những bậc vĩ nhân, nghệ nhân tên tuổi, mà trong thời hiện đại, lại cháy bỏng đến bất ngờ trong quyết tâm làm giàu của người nông dân Việt.

Nông dân Nguyễn Kim Chính ở Phù Cát, Bình Định mua chiếc máy gặt lúa hiệu FUTU1 với giá 12,5 triệu đồng. Nhưng ngoài sử dụng, anh bắt đầu nghiên cứu, cải tiến chức năng của máy. Xử lý tình trạng cây lúa mắc kẹt, anh đã lắp thêm hệ thống sợi xích xe máy, nối các bánh lại, để khi chạy, lúa sẽ theo các khía mắt xích ra ngoài không bị kẹt. Thấy máy chạy trong ruộng bùn thường bị lún, anh đặt thêm 2 bánh xe ở vòng, một bánh phía trên tay cầm lái để máy có thể chạy trên đường bộ, lắp đạt thêm yên ngồi cho người điều khiển, giúp xe có thể dễ dàng di chuyển giữa mương ruộng. Tiếp tục cải tiến, anh Chính thiết kế đèn chiếu sáng gắn vào máy để có thể cắt lúa ban đêm. Từ chiếc máy chưa cải tiến, năng suất đã tăng 4, 5 lần mà không phụ thuộc điều kiện ruộng khô, lún hay ngập nước, buổi sáng hay ban đêm. Công trình đã được Tổng LĐLĐVN tặng “Bằng Lao động sáng tạo” và anh được Liên hiệp Các hội KHKT VN trao chứng nhận “Điển hình sáng tạo VN”.

Nhiều nơi trên đất nước Việt Nam có những nông dân tự bỏ tiền túi ra nước ngoài học công nghệ, tìm giống mới. Nhiều người trong số họ không học hết cấp 3, không hiểu hết những triết lý, kỹ thuật kinh doanh sâu xa, nhưng vẫn tự mày mò sáng tạo cải tiến năng suất, họ là những “nhà phát minh không bằng cấp” nhưng đáng được học hỏi và khâm phục về khát khao hoàn thiện sản phẩm Việt của mình.

Và  thời đại ngày nay, nền kinh tế  Việt Nam hội nhập toàn cầu, khát khao ấy còn sáng tạo hơn, giàu nhiệt huyết và táo bạo hơn.

Sau nhiều năm phát triển, khai thác thế mạnh café Ban Mê Thuột, thương hiệu Trung Nguyên trên đỉnh cao số 1 của café Việt Nam. Nhưng Trung Nguyên và lãnh đạo tập đoàn không dừng ở đó. Tập đoàn bắt tay vào xây dựng một dự án café chưa từng có: thủ phủ café toàn cầu. Dự án gồm 3 khu vực chính: vùng đệm, vành đai và khu trung tâm. Mỗi khu vực có chức năng riêng như, viện nghiên cứu cà phê, sàn giao dịch nông sản, dãy phố café đặc trưng, quần thể du lịch sinh thái cafe…. nhằm xây dựng một thương hiệu quốc gia, xây dựng khu vực Tây Nguyên trở thành địa điểm hấp dẫn toàn thế giới. Ở bước đi xa hơn, chủ tịch tập đoàn nói về kế hoạch mua lại một doanh nghiệp café Mỹ để xâm nhập thị trường này, làm bàn đạp tiến ra thế giới.

Ý tưởng sáng tạo cùng quyết tâm đó chắc chắn không có trong những cá tính rụt rè, tâm lý e ngại, cũng không ẩn chứa trong triết lý kinh doanh truyền thống, mà chỉ có thể bùng nổ trong khát vọng và suy nghĩ của những doanh nghiệp, doanh nhân có ước vọng đưa sản phẩm Việt vươn ra thế giới.

Lịch sử  văn hiến ngàn năm cùng đời sống dân tộc  ghi nhận khát khao của những bậc hiền tài, của nhân dân Việt Nam trong việc hoàn thiện giá trị tinh hoa dân tộc trong sản phẩm nước mình. Từ thời đại phong kiến đến thời kỳ hội nhập, từ nông dân, bậc nhân sỹ tới doanh nhân trẻ tài năng – khát khao ấy làm nên ngọn lửa hun đúc tinh thần lao động Việt Nam, lưu giữ được truyền thống, bản sắc Việt, đồng thời đưa sản phẩm Việt Nam vươn mình hội nhập quốc tế.

Nguyễn Xuân Bách

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự