Người Việt yêu hàng Việt – một tình yêu đích thực

13:36 30/11/2009

(Bài dự thi) - Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập, trước sự  đổ bộ ồ ạt của sản phẩm, hàng hóa nước ngoài, thương hiệu Việt Nam đứng trước áp lực cạnh tranh lớn chưa từng có. Lúc này là thời điểm  đúng để dấy lên phong trào: Người Việt dùng hàng Việt Nam sâu rộng. Nhiều người nghĩ đó chỉ là sự ủng hộ, ưu tiên dùng hàng Việt. Nhưng tôi suy nghĩ khác. Chữ “yêu” trong đó, còn bộc lộ cả nghĩa đen, biểu hiện sống động và sâu sắc mọi góc độ cung bậc của tình yêu, đó chính là một tình yêu đích thực.

Tình yêu “người Việt yêu hàng Việt” giống như tình yêu thực sự, mỗi bên phải hiểu biết sâu sắc về nhau, đó là khâu quan trọng nhất tiến tới quan hệ bền vững.

Người tiêu dùng Việt phải tăng cường hiểu biết sản phẩm, thương hiệu Việt Nam. Hãy nhạy bén, thông minh, cập nhật những dịch vụ, hàng hóa Việt chất lượng. Đó là nền tảng để ra quyết định mua sắm, tiêu dùng kinh tế nhất, từ đó có thói quen lựa chọn hàng Việt Nam hợp lý.

Ngược lại, chính hàng Việt – doanh nghiệp Việt phải không ngừng tìm hiểu khách hàng: nghiên cứu thị trường, nắm bắt thói quen, thị hiếu tiêu dùng. Thị hiếu luôn thay đổi chóng mặt cùng với sự phát triển của văn hóa, kinh tế xã hội. Doanh nghiệp phải xóa bỏ tâm lý coi nó như là một thứ hiểu biết sẵn có, không đổi, cho rằng mình luôn nắm bắt trong lòng bàn tay. Mỗi suy nghĩ, thói quen, sở thích từng cá nhân là một thực thể động –tất cả tạo nên thị hiếu tiêu dùng vô cùng đa dạng, phong phú, ngày càng mới và đòi hỏi khắt khe.

Wal-mart tập  đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới, với doanh thu 1 tỷ USD 1 ngày trên toàn cầu. Sau thành công tại nhiều thị trường, Walmart xâm nhập Hàn Quốc, nhưng sau 8 năm, mới chỉ chiếm được 4% thị phần. Năm 2005 tại Hàn Quốc, Wal-mart thua lỗ 10 triệu USD, và năm sau, phải bán lại toàn bộ 16 cửa hàng tại Hàn Quốc cho tập đoàn Shinsegae nước này. Đằng sau thất bại cay đắng đó là gì?

Wal-mart vượt trội với mặt hàng đồ điện tử, quần áo thời trang… trong khi dân Hàn Quốc lại thích mua sắm mặt hàng này tại các cửa hàng chuyên dụng hơn. Khó có thể tìm thấy những bó rau xanh hay những chú tôm tươi rói trong cửa hàng Wal-mart nhưng rất dễ dàng mua chúng tại nhiều cửa hàng nào trong hệ thống phân phối nội địa.Chuỗi cửa hàng Wal-mart thiết kế dạng nhà kho, hàng hóa chất đống nên thiếu hấp dẫn. Trong khi người Hàn thích thú khi bước vào không gian thoáng đãng, đẹp và sắp xếp hợp lý của Shinsegae.

Wal-mart đã bê nguyên mô hình kinh doanh của mình tại phương Tây vào Hàn Quốc, mà không nhận thấy tập quán tiêu dùng khác biệt bản địa. Giá cả không quan trọng nhất, mà tìm hiểu thói quen, văn hóa tiêu dùng mới là then chốt để thâm nhập thị trường. Đó là bài học đắt giá về việc tìm hiểu khách hàng, nghiên cứu thị trường mà chắc chắn doanh nghiệp Việt Nam cần học hỏi.

Để có một tình yêu luôn cháy bỏng, có “lửa”, mỗi bên phải luôn khát khao hoàn thiện chính mình. Sản phẩm Việt phải luôn cải tiến cả về chất lượng– “gỗ” bên trong, và hình thức– “nước sơn” bên ngoài – phải “tốt gỗ tốt cả nước sơn”. Vào một cửa hàng, siêu thị, có bao nhiêu mặt hàng Việt có mẫu mã thu hút, đẹp hơn so với sản phẩm Trung Quốc. Vào một shop thời trang, mỹ phẩm, có sản phẩm Việt nào sang trọng như các thương hiệu ngoại? Doanh nghiệp Việt phải làm sản phẩm mình đẹp lên, “hấp dẫn” hơn trong mắt người tiêu dùng.

Công nghệ  là chìa khóa cải tiến chất lượng. Nó là yếu tố đầu vào gia tăng giá trị sản phẩm cao nhất. Nhưng công nghệ không chờ đợi ai, chính chúng ta phải đi tìm, gõ cửa, chạy theo nó, nhưng phải khôn ngoan và tỉnh táo để bắt kịp, thậm chí đi trước đón đầu.

Vòng đời công nghệ luôn xuất hiện ở nền kinh tế phát triển, và kết thúc khi đã lạc hậu, lỗi thời ở nước thứ 3 kém phát triển. Nếu cứ tuân theo chu kỳ đó, mãi đến sau, ta sẽ không bao giờ chiếm lĩnh ưu thế.

Tình yêu gắn kết phải là mỗi bên nhìn thấy giá trị, vị trí của mình trong bản thân người khác. Hãy áp dụng tư duy đó cho tình yêu hàng Việt Nam.

Người tiêu dùng Việt trước hết là người Việt. Mọi sản phẩm Việt Nam đều kết tinh sức lao động, sáng tạo của người Việt. Trong tà áo dài, gấm Thái Tuấn, lụa Vạn Phúc – có tinh hoa bản sắc dân tộc. Trong gốm Bát Tràng, gỗ Đồng Kỵ, mây tre đan Phú Nghĩa…có truyền thống bí quyết làng nghề. Và trong thép Hòa Phát, sữa chua Vinamilk, café Trung Nguyên…có những khát khao sáng tạo kinh doanh, ước vọng làm giàu đất nước của bao doanh nhân tài năng.Lựa chọn và yêu hàng Việt là tự tôn với giá trị cội nguồn.

“Yêu” không phải là yêu cả khuyết điểm của nhau, mà phải thừa nhận nó, bao dung, để khát khao làm nó đẹp lên.

Quốc hội nêu cao tinh thần người Việt dùng hàng Việt, nhưng bất  đắc dĩ phải dùng máy tính, phần mềm nước ngoài, nhiều đại biểu dùng máy tính xách tay của Sony. Đó là bởi ở lĩnh vực công nghệ, Việt Nam còn thua kém thế giới.Dùng hàng ngoại trong những trường hợp hàng Việt chưa tốt, nhưng mong mỏi về sự hoàn thiện của sản phẩm Việt – đó là tình yêu chân chính.

Có tình yêu nào không gặp sóng gió trên đường đến bến bờ? Thách thức lớn nhất của tình yêu hàng Việt chính là cạnh tranh khốc liệt của sản phẩm ngoại, xâm nhập của văn hóa phương Tây. Nếu người tiêu dùng không tỉnh táo nhận thức trách nhiệm xã hội của mình, doanh nghiệp Việt không hoàn thiện sản phẩm, tạo lòng tin với khách hàng, tình yêu ấy rất dễ đổ vỡ, thương hiệu Việt sẽ “thua ngay trên sân nhà”.

Từ  hiểu biết nhau, hoàn thiện mình, có  trách nhiệm, niềm tin cùng nhau vượt sóng gió, chính là minh chứng sống động về tinh thần người Việt yêu hàng Việt. Nó thể hiện một tình yêu đích thực, nhưng trên hết, là trách nhiệm với đất nước, lợi ích quốc gia. Những giai đoạn đó sẽ cần nhiều thời gian và quyết tâm của cả 2 phía: người tiêu dùng, doanh nghiệp – nhưng không thể thiếu để tạo nên yêu lâu bền. Chỉ điều đó mới giúp sản phẩm Việt chiến thắng trên thương trường khốc liệt, giúp nền kinh tế Việt Nam hội nhập, phát triển mà vẫn giữ được bản sắc dân tộc.

Phạm Lê Anh

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự