Để hàng Việt đi vào cuộc sống chúng ta

14:40 01/12/2009

(Bài dự thi) - Hiện  nay người dân rất thiếu thông tin chính thống về hàng Việt Nam như: chất lượng, độ an toàn, nguồn gốc, giá cả, điểm giao dịch mua bán.... Trong khi đó sản phẩm ngoại nhập cứ quảng cáo tràn lan trên các báo, đài từ trung ương đến địa phương.

Dư  luận cho rằng chưa lúc nào thời lượng quảng cáo sản phẩm chiếm tỉ lệ rất lớn trong các chương trình phát thanh, truyền hình, báo in. Quảng cáo xuất hiện mọi lúc mọi nơi bất chấp thái độ không đồng tình của người đọc, người nghe, người xem.

Trong giai đoạn khó khăn chung về kinh tế, mọi người đều có thể cảm thông và chia xẻ việc tăng thu nhập để cải thiện đời sống đội ngũ người làm báo thông qua các chương trình quảng cáo. Tuy nhiên không vì thế mà các cơ quan trên trở nên dễ dãi, xem thường công chúng. Chưa kể đến việc phải chịu liên đới trách nhiệm khi đưa thông tin không chính xác, thiếu kiểm chứng chất lượng sản phẩm, điễn hình là vụ lừa đảo chất lượng sản phẩm vòng Ti Tan mới đây đang gây bức xúc trong dư luận.

Hiện nay, để hưởng ứng cuộc vận động, một số đơn vị kinh doanh đến tận các địa phương để quảng bá, kinh doanh sản phẩm với giá cả phù hợp, mẩu mã đẹp, phong phú, đa dạng rất được người dân đồng tình, nhưng tiếc rằng hoạt động nầy còn quá hạn chế, hiếm hoi, thường chạy theo phong trào.

Nội dung và hình thức tuyên truyền cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tuyên truyền còn quá ít, đơn điệu, chưa đủ sức thuyết phục, chỉ tập trung trong lực luợng cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức lao động chưa đi sâu vào nếp nghĩ của người dân để thay đổi nhận thức hay ít ra cũng là tín hiệu đầu tiên khởi động về nội dung cuộc vận động .

Trước đây Phòng Thương Mại Việt Nam có phối hợp với Báo Sài Gòn Giải Phóng thường xuyên mở cuộc thi “Hàng Việt về làng ” trong đó thi sinh tham gia là cán bộ các Đài Truyền Thanh quận, huyện, thị xã... Cuộc thi đã thu hút rất đông người theo dõi và tất nhiên sức lan tỏa cũng tăng nhanh. Nhưng rất tiếc cuộc thi nầy không được duy trì thường xuyên. Nên chăng cần tổ chức nhiều hơn các loại hình cổ động tuyên truyền tương tự để kích thích phong trào.

Thiết nghĩ, cần nhanh chóng đổi mới biện pháp tuyên truyền vận động thông qua nhiều kênh khác nhau như: các phương tiện truyền thông phải dành nhiều thời gian tuyên truyền, tổ chức hội thi, hội diễn, tọa đàm, tăng cường khâu cổ động trực quan bằng nhiều pa nô, áp phích, tờ rơi.... Cạnh đó cần đưa nội dung nầy vào sinh hoạt ở các cơ quan, đơn vị, trường học, đặc biệt là các khu dân cư. Cần tăng cường nhiều hơn việc đưa sản phẩm đến trực tiếp với người tiêu dùng.

Tôi có người bạn ở nước ngoài về thăm. Trước khi về nước bạn bảo với tôi rằng “...dù xa quê nhưng bên ấy bạn và nhiều người Việt rất yêu hàng Việt Nam từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn, thậm chí vận động người nước ngoài xử dụng hàng Việt, vậy mà ở Việt Nam vẫn còn nhiều người thích dùng hàng ngoại nhập dù chất lượng, giá cả cao hơn nhiều so với hàng nội, thật đáng buồn và đáng lo...”.

Vấn  đề đặt ra là làm thế nào để chuyển biến nhận thức của người tiêu dùng để đạt được cùng lúc hai mục tiêu : một là loại bỏ tư tưởng “ sính ngoại ” với quan niệm xài đồ ngoại là trưởng giả, là sành điệu, là sang cả. Hai là xử dụng hàng Việt Nam là hành động yêu nước, góp phần phát triển kinh tế, xây dựng quê hương

Không khó nhận ra hiện có một bộ phận người tiêu dùng vẫn mang tư tưởng so sánh hàng ngoại hơn hàng nội. Cụ thể trong việc ăn uống đơn thuần bữa ăn thường nhật, vật dụng sinh hoạt trong gia đình, dụng cụ học tập, phương tiện đi lại, trang phục, trang sức ... cũng là hàng ngoại chính hiệu dù kinh tế không phù hợp.

Thiết nghĩ để cuộc vận động quan trọng nầy thực sự đạt hiệu quả thì điều cốt lõi là  phải có cơ quan chủ động trọng tâm đóng vai trò nhạc trưởng. Nội dung và hình thức cổ  súy cần tính toán chặt chẽ để mang sức thuyết phục người tiêu dùng cao. Các phương tiện thông tin đại chúng cần dành nhiều thời gian để tuyên truyền nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng vấn đề trên.

Cần có biện pháp quản lý chặt, xử lý nghiêm tới nơi tới chốn các cơ sở kinh doanh lợi dung chủ trương nầy để tung ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng. Các cơ quan mà trước tiên là cơ quan Đảng, chính quyền, mặt trận, các ban ngành đoàn thể, tổ chức chính trị phải đi đầu trong việc mua và xử dụng hàng Việt Nam.

Khơi dậy lòng tự hào của người dân khi dùng hàng Việt xem đây là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người.Đồng thời vận động các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cần lấy chữ tín là yếu tố sống còn của mình. Muốn vậy chất lượng sản phẩm là yếu tố then chốt.  Nhà nước cần có nhiều chính sách khuyến khích cụ thể trên nhiều lĩnh vực tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập trong giai đoạn hiện nay.

                  Trương Thanh Liêm

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự