Yêu hàng Việt – tinh thần từ nội lực Việt Nam

16:07 01/12/2009

(Bài dự thi) - Cuộc vận  động “Người Việt dùng hàng Việt Nam” là chiến dịch dài và gian nan. Trong đó, chúng ta phải tìm ra nguyên nhân sâu xa vấn đề, trả lời xác đáng câu hỏi “Tại sao người Việt phải yêu và dùng hàng Việt Nam”.

Câu trả lời không chỉ nằm trong những thông điệp kêu gọi, mà cần phải được khơi dậy trong mỗi người từ những điều gần gũi, tai nghe mắt thấy. Chính trong cuộc sống thường nhật, nếu biết để ý, lắng nghe, quan sát, mỗi chúng ta sẽ tìm thấy lý do chân thực nhất để yêu hàng Việt. Mỗi suy nghĩ đó sẽ là hạt nhân tư tưởng vững chắc thay đổi quan niệm cả cộng đồng, là chìa khóa đưa hành trình đến đích thành công.

Yêu và dùng hàng Việt trước nhất là  thói quen, lựa chọn tiêu dùng thông minh.

Sau những năm phát triển kinh tế, Việt Nam đã sản xuất nhiều sản phẩm chất lượng tốt, giá cả hợp lý, thay thế được hàng ngoại mà trước đây buộc phải nhập khẩu.Nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn khủng hoảng này vẫn duy trì tăng trưởng, bài học quý giá là họ biết thay thế nguyên liệu, thành phần ngoại của dây chuyền sản phẩm bằng hàng trong nước, nội địa hóa mà vẫn đảm bảo chất lượng, nhờ đó giảm chi phí và trụ vững trong sóng gió.

Nếu nền kinh tế đã đáp ứng được yêu cầu chất lượng hàng hóa, doanh nghiệp biết cách lựa chọn hàng Việt để tăng trưởng, vậy tại sao mỗi chúng ta không trở thành một người tiêu dùng thông minh – để lựa chọn hàng Việt Nam thay hàng ngoại? Khi mà sản phẩm Việt chất lượng tương đương, giá thành phải chăng, phân phối rộng rãi hơn sản phẩm ngoại, chắc chắn lựa chọn đó là rất kinh tế và giàu hiểu biết.

Một câu chuyện khó quên về cuộc thi ROBOCON. Năm ấy, ROBOT vô địch Việt Nam do nhóm sinh viên Đại học Bách Khoa lắp ráp chế tạo. Kỳ lạ là trong buổi truyền hình trực tiếp trận chung kết, khi nghe tin đội chiến thắng, không chỉ thầy cô, bạn bè đội vô địch, mà còn có sự theo dõi và niềm vui của những người đặc biệt: những sạp hàng bán đồ điện tử, cơ khí ở chợ Giời – Hà Nội.

Ít ai biết robot kỹ thuật cao và giàu sáng tạo của đội chiến thắng – được chính những chàng trai trong đội – lặn lội lùng sục Chợ Giời hàng tháng trời để tìm cho ra những chi tiết, linh kiện ưng ý mà tiết kiệm nhất – đến nỗi những người bán hàng đã quen mặt, quen cả với những yêu cầu của họ. Và điều kỳ diệu hơn là chính ROBOT CHỢ GIỜI đó tiếp tục giành HCV ROBOCON Châu Á Thái Bình Dương. Vượt qua những cường quốc công nghệ như Nhật Bản, Trung Quốc, đã là kỳ tích, nhưng ấn tượng nhất là khi biết về quá trình chế tạo của robot Việt, các nước bạn đã thực sự kinh ngạc và khâm phục sức mạnh của một robot chỉ có giá bằng 1/5 của nước mình. Quả thực là một sự lựa chọn hàng Việt đầy sáng tạo, giàu ý chí, và rất thông minh.

Nhưng tình yêu hàng Việt không bó hẹp trong phạm vi tiêu dùng.

Tại sao trong các cuộc thi sắc đẹp quốc tế, nước Nhật luôn chọn Kimono, Hàn Quốc chọn Hanbok, Việt Nam chọn tà Áo dài để xuất hiện trong nhiều hoạt động? Trong hội nghị APEC Việt Nam 2006, ta thiết kế cho nguyên thủ quốc gia tham dự những bộ áo dài thuần Việt. Bởi trang phục, sản phẩm đó là biểu tượng văn hóa dân tộc, bản sắc truyền thống của đất nước. Lựa chọn đó thể hiện lòng tự tôn dân tộc cao nhất, niềm kiêu hãnh với giá trị văn hóa cội nguồn, chính điều đó giúp chúng ta tự tin trên trường quốc tế.

Tại Việt Nam, du khách nước ngoài rất đam mê xem múa rối, mua bán ở chợ đêm phố cổ, thưởng thức món ăn dân dã Việt, thậm chí hòa mình vào đời sống nông thôn Việt Nam. Bởi điều đó làm nên tinh hoa của sức lao động và óc sáng tạo Việt, không thể trộn lẫn, và luôn hấp dẫn.

Bất kỳ đâu trên thế giới, cũng có thể  gặp một cộng đồng đặc biệt. Ở Mỹ, Anh là Chinatown, ở TP. Hồ Chí Minh là khu phố Tàu. Đó là những người Hoa sống tập trung. Nhưng không đơn giản chỉ là quần thể dân cư, mà bằng cách đó, họ lưu giữ được giá trị truyền thống, xây dựng không gian cho lối sống, ẩm thực, hàng hóa Trung Quốc, quan trọng hơn, họ truyền bá sản phẩm ra bên ngoài mà không hề bị mai một.

Chính lòng tự tôn dân tộc đã giúp họ tồn tại, chiến thắng sự xâm lấn của văn hóa ngoại lai. Trong bối cảnh hội nhập, Doanh nghiệp VN cần nhìn rộng ra thế giới. Bỏ qua tư duy cục bộ, phải nâng cao lòng tự tôn dân tộc, để đoàn kết tạo nên giá trị thương hiệu Việt trong môi trường quốc tế.

Tinh thần yêu hàng Việt còn xuất phát từ chính trách nhiệm xã hội của chúng ta với lợi ích quốc gia, dân tộc.

Có nhiều người làm việc trong văn phòng công ty nước ngoài, có thể nhiều doanh nghiệp và công nhân Việt Nam sống bằng những công nghệ, dây chuyền ngoại nhập, gia công hàng xuất khẩu …Nhưng chắc chắn không ai trong chúng ta, không sống bằng, bởi, và cần có những giá trị Việt. Chúng ta sống trên mảnh đất Việt Nam, tiêu dùng sản phẩm người Việt làm ra, được bảo vệ trong xã hội văn minh, bình đẳng và hòa bình bởi pháp luật và nhà nước Việt Nam. Ta phải có trách nhiệm với điều đó. Dùng hàng Việt là ủng hộ DNVN, tạo thu nhập cho người dân VN, tăng trưởng kinh tế và phúc lợi xã hội, tạo nên lợi ích cho chính chúng ta. Thử tưởng tượng nếu tất cả chạy theo sản phẩm ngoại, DN sẽ phá sản, lao động thất nghiệp, kinh tế suy thoái –chúng ta sẽ vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân.

Ngày nay, kinh tế trở thành trận địa quan trọng hàng đầu, giống như lãnh thổ thời phong kiến, như  chiến trận thời chiến tranh, và trách nhiệm xã  hội chính là minh chứng cho việc bảo vệ, củng cố  nước nhà mạnh hơn, để quốc gia đứng vững trong hội nhập đầy thách thức.

Tinh thần người Việt yêu hàng Việt không phải là bài học chưa bao giờ giảng, cũng không phải là điều gì  từ bên ngoài. Mà nó phải xuất phát, phải  được tìm thấy từ chính bên trong mỗi DN, người tiêu dùng, mỗi con người Việt Nam. Có như vậy mới trở thành sức mạnh nội lực giúp sản phẩm, hàng hóa Việt vững bước trong kinh tế toàn cầu. Nội lực thì mới âm ỉ nhưng bền chắc, ẩn giấu nhưng quyết liệt, chỉ có nội lực mới là sức mạnh tiềm tàng không bao giờ có thể mất đi.

HOÀNG VĂN TRINH

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự