Giá trị Việt trong dòng chảy thời đại

10:32 30/11/2009

(Bài dự thi) - Không phải  đến bây giờ, khi cuộc vận động “Người Việt dùng hàng Việt” diễn ra, ta mới phân tích cội rễ vấn đề, tìm giải pháp để người tiêu dùng Việt thấy lợi ích, giá trị và cả trách nhiệm xã hội khi dùng hàng Việt Nam. Mà minh chứng của lòng tự tôn dân tộc, khát khao hoàn thiện sản phẩm, cả trăn trở tìm con đường cho nền kinh tế Việt giàu mạnh – tất cả hội tụ trong một GIÁ TRỊ VIỆT, đã trường tồn trong hàng ngàn năm lịch sử dân tộc, giờ đây, một lần nữa cuồn cuộn trong dòng chảy của thời đại mới.

Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi trong lần tiếp kiến vua Nguyên gặp câu đối thách thức:

Nhật: hỏa; vân: yên; bạch đán thiêu tàn ngọc thỏ.

(Mặt trời là lửa, mây là khói; ban ngày  đốt cháy vầng trăng.)

Hiểu dụng ý kiêu ngạo và mục đích đe đọa bên trong, ông ứng khẩu:

Nguyệt: cung; tinh: đạn; hoàng hôn xạ  lạc chim ô.

(Trăng là cung, sao là tên; chiều tối bắn rơi mặt trời).

Vế đối tỏ rõ sự cứng rắn của người dân Việt, ý chí kiên cường không run sợ trước nước lớn.

Tinh thần đó thấm nhuần trong nhiều vị sứ thần nước ta. Khi đi sứ nhà Thanh, nhà Minh, dâng phẩm vật, họ đã chọn mây tre đan, lụa dệt, tranh chạm khắc tinh xảo – làm bằng sức lao động sáng tạo của chính người dân Việt. Nó không đo giá trị bằng vàng bạc, mà vô giá – bởi kết tinh từ truyền thống chỉ Việt Nam mới có, từ tinh hoa lao động chỉ người thợ Việt mới am tường. Nó thể hiện lòng tự tôn dân tộc và kiêu hãnh về thành quả người Việt không hề thua kém nước ngoài.

Hiện tại thì sao? Nhiều DNVN đặt tên sản phẩm dưới nhãn hiệu Tây, dù xuất xứ hoàn toàn Việt Nam. Chính họ đang sính ngoại, không tâm huyết với sản phẩm của mình, chưa phát huy được giá trị dân tộc.

Bao nhiêu DNVN đủ bản lĩnh tuyên bố: đây là sản phẩm 100% Việt Nam, nguyên liệu, dây chuyền công nghệ Việt Nam, do DN và vốn của người Việt làm ra? Bản lĩnh đó chính là bài học đầu tiên về giá trị Việt trong lịch sử: là lòng tự tôn dân tộc, niềm tự hào về giá trị truyền thống kết tinh trong sản phẩm Việt Nam.

Câu chuyện Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan là một bài học khác. Trên  đường đi sứ, thấy nhiều xưởng dệt tơ, ông quan sát, ghi chép lại, để về nước, truyền nghề cho làng Bùng. Sản phẩm “luột” dệt bằng tơ của làng từ đó nổi tiếng khắp cả nước.

Thời  đó dân ta chưa có ngô, đỗ tương. Thấy dân Tàu trồng, ông ngỏ ý xin hạt giống nhưng có lệnh cấm xuất giống ra nước ngoài. Ông mưu trí giấu hạt giống vào người, qua cửa ải ngặt nghèo, mang 2 loại thực phẩm mới thành công về cho đất nước.

Ta đánh giá ông như một nhà tình báo kinh tế yêu nước và quả cảm. Nhưng ở khía cạnh khác, ta nhìn thấy ở ông một khát khao cháy bỏng cải tiến sản phẩm nước nhà bằng mọi giá, được tiếp thu bí quyết, tiến bộ kĩ thuật, tất cả đề sản phẩm Việt hoàn thiện hơn.

Khát khao ấy, đam mê ấy có thường trực, thôi thúc trong những DNVN ngày nay, hay chỉ ấp ủ trong câu chuyện vài người nông dân dám bỏ tiền túi sang nước ngoài học công nghệ mới để cải tiến năng suất.

VN gia nhập WTO, nền kinh tế hội nhập, đã đến lúc DNVN phải đầu tư KHCN, mở cửa nhìn ta thế giới. Đừng giam mình trong cái tổ ấm áp nhỏ hẹp mà quên rằng bên ngoài đang thay đổi từng giờ.Mở cánh cửa đó, sẽ bắt gặp bài học lịch sử thứ 2: giá trị Việt nằm ở khát khao, nỗ lực làm mới, hoàn thiện chính sản phẩm của mình.

Thời kháng chiến cho ta bài học quý  báu, và người thầy chính là  Hồ Chủ Tịch. Dù có điều kiện, Người vẫn dùng dép cao su, quần áo kaki Việt Nam, ở nhà sàn…Đó là lời dạy: phải biết nhìn vào thực tiễn nước nhà còn khó khăn để khuyến khích dùng hàng trong nước. Chính Người – nhà lãnh đạo, đã làm gương để dân noi theo.Cả người tiêu dùng và DN cần biết rằng, trong mỗi hoạt động của mình đều có mục tiêu. Và trong mục tiêu ấy, không thể quên điều số 1 là lợi ích quốc gia, dân tộc. Giá trị Việt chính là hạt nhân của giá trị quốc gia Việt Nam.

Nhưng giá trị Việt không phải là  một bản sắc không đổi, như một bức tranh đẹp bị đóng khung kiên cố, mà luôn vận động, uyển chuyển tiếp thu tiến bộ mới bên ngoài. Hội nhập toàn cầu, DNVN có cơ hội lớn học hỏi một khâu quyết định thương hiệu mình –chăm sóc khách hàng.

Năm 1982, 7 người chết do dùng thuốc giảm đau Tylenol của công ty Johnson & Johnson (J&J) – Mỹ. Người Mỹ tẩy chay, đòn giánh vào thương hiệu đang rất mạnh trên thị trường. J&J lập tức bắt đầu chiến dịch: thu hồi tiêu hủy toàn bộ 32 triệu lọ Tylenol trị giá 100 triệu USD trong thời gian ngắn, phối hợp với FBI tìm nguyên nhân vụ việc, qua phương tiện truyền thông giải trình minh bạch với tinh thần trách nhiệm cao. 6 tuần sau, J&J đưa Tylenol trở lại và chiến thắng ngoạn mục: chiếm 37% thị phần thuốc giảm đau, trong khi trước vụ việc chỉ là 24%.

Câu chuyện J&J - vụ thu hồi sản phẩm lớn nhất lịch sử Hoa Kỳ, hay Toyota gần đây thu hồi hàng triệu xe hơi vì một lỗi nhỏ của tấm thảm lót sàn, giữ vững uy tín công ty xe hơi hàng đầu thế giới –là bài học hiện đại mà Giá trị Việt cần học hỏi: dịch vụ khách hàng chuyên nghiệp, trung thực và có trách nhiệm cao – chính là sợi dây bền chắc nhất duy trì lòng tin ở họ vào sản phẩm, thương hiệu công ty.

Nhìn vào lịch sử, ta thường hình dung đó là những sự kiện  đã qua, là quá khứ. Nhưng nếu nhìn một cách sâu sắc, ta còn tìm thấy trong đó những bài học luôn mới mẻ, có chiều sâu và nóng bỏng cả trong hiện tại. Giá trị Việt tồn tại trong khát khao hoàn thiện sản phẩm, niềm kiêu hãnh, tự hào về kết tinh sức lao động nhân dân, trong lòng tự tôn dân tộc,  và trong cả ý thức trách nhiệm với đất nước luôn cháy bỏng nơi mỗi con người Việt Nam.

Lịch sử  đang giao trọng trách cho chính chúng ta nhận thức, gìn giữ và phát huy giá trị Việt, để yêu và dùng hàng Việt Nam. Mỗi suy nghĩ và hành động nhỏ sẽ tạo nên sức mạnh lớn cho hàng Việt chiến thắng vẻ vang trên thương trường, tạo nên một sức mạnh Việt Nam trường tồn cùng thời đại.

 Vũ  Đức Vượng

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự