Để người Việt dùng hàng Việt: Trước hết là ở lòng tin

09:53 30/11/2009

(Bài dự thi) - Lâu nay chúng ta vẫn thường nói người Việt sính dùng hàng ngoại. Điều này không sai, khi cuộc khảo sát gần đây của một tổ chức nước ngoài cho thấy, có tới 77% người tiêu dùng Việt ưa chuộng thương hiệu nước ngoài, trong khi con số trung bình này trên toàn châu Á chỉ là 40%.

Vậy, câu hỏi được đặt ra đối với các cơ quan chức năng và doanh nghiệp là: Do đâu người tiêu dùng Việt sính dùng hàng ngoại, và làm gì để người tiêu dùng Việt thay đổi tâm lý chuộng hàng ngoại? Còn bản thân những "thượng đế" cũng đặt câu hỏi với các doanh nghiệp trong nước: Hàng nội có ưu thế gì để thuyết phục họ sử dụng?

Theo tôi thì  không phải người Việt Nam không thích hàng Việt Nam, mà chính xác hơn là nhiều mặt hàng Việt chưa thực sự đem lại lòng tin và sự yên tâm cho người tiêu dùng.

Không khó  để liệt kê ra đây những điểm yếu thường gặp của hàng Việt: chất lượng thấp và thiếu ổn định, mẫu mã đơn điệu, giá bán chưa cạnh tranh, chế độ hậu mãi kém, bảo hành thấp, kém nhanh nhạy trong việc đáp ứng thị hiếu tiêu dùng...

Trong khi hàng “chính hãng” chưa đủ sức thuyết phục người mua thì cộng thêm sự “phá phách” của hàng giả, hàng nhái, khiến người tiêu dùng thêm hoang mang, e dè khi mua hàng Việt. Đó là những nguyên nhân khiến hàng Việt “mất điểm” trong suy nghĩ của người tiêu dung, và là tác nhân đẩy người Việt tìm đến với hàng ngoại.

Nhưng nói  đi cũng phải nói lại. Thực tế có rất nhiều mặt hàng của các doanh nghiệp Việt Nam có chất lượng tốt, giá cạnh tranh, mẫu mã đẹp, chế độ hậu mãi chu đáo, đủ sức đánh bật hàng ngoại. Đơn cử như quần áo Việt Tiến, bia Sài Gòn, cà phê Trung Nguyên, bóng đèn Điện Quang, thực phẩm Vissan, nhựa Chợ Lớn, sữa Vinamilk, bánh kẹo Kinh Đô v.v… Các doanh nghiệp này luôn đặt quyền lợi của người tiêu dùng lên trên hết, từ lâu đã chú trọng thị trường nội địa, nhanh nhạy trong việc nắm bắt thị hiếu khách hàng nên đã giành được lòng tin nơi người tiêu dùng Việt. Khi người tiêu dùng đặt trọn niềm tin thì họ sẽ tín nhiệm, sẽ mua hàng mà không cần bất cứ một sự tác động hô hào, kêu gọi nào. Giá trị của hai chữ “lòng tin” là như thế.

Vì thế,  để kêu gọi người tiêu dùng ủng hộ, ưu tiên sử dụng hàng Việt phải bắt đầu từ chính những hành động cụ thể của doanh nghiệp. Đó là các doanh nghiệp cần sản xuất hàng chất lượng, kiểu dáng tốt hơn nữa, giá cả phù hợp và duy trì được tính ổn định, quảng cáo trung thực, đổi mới phong cách phục vụ và chế độ hậu mãi. Làm tốt những khâu này, tự người tiêu dùng sẽ tìm đến hàng Việt, mua hàng Việt, vì trước hết là quyền lợi cho chính họ.

Nguyễn Vũ

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự