Ước mơ nguồn điện sạch "Made in Vietnam"

12:45 23/11/2009

(Bài dự thi) - Năng lượng sử dụng lãng phí, chất thải gây ô nhiễm môi trường, làm  biến đổi khí hậu đã gây tác hại cho nhân loại toàn cầu...

Một  ý nghĩ tận thu những năng lượng dư  thừa ấy, sử dụng để phát điện phục vụ cho xã hội mang tên: “MADE IN VIET NAM” sẽ tự hào biết bao khi phổ biến ra toàn thế giới. Đó là nguồn điện sạch, không mất tiền mua, có sẵn xung quanh ta, nhất là ở các đô thị sầm uất...(Không dùng đến than đá và dầu lửa)

Lâu lắm tôi mới gặp người bạn đồng môn, từ ngày anh về trạm thu phí giao thông đường bộ, con đường huyết mạch vào Thủ Đô và các tỉnh phía Bắc...  Bước đến trạm thu phí, tôi mới thấy sự quan trọng của lưu thông hàng hoá, nó dồm dập như dòng thác lũ, xe “công tơ nơ” hàng trăm tấn nối đuôi nhau rầm rập rung dậy đất... suốt ngày đêm.


Như phát hiện ra một tứ thơ, tôi nói với bạn:

- Anh có thấy những tải trọng xe rất lớn đang đè xuống mặt đường phí phạm vô ích không? Tận dụng những tải trọng này vào việc có ích thì lợi biết bao nhiêu!

- Nhưng biết làm sao được!

- Ngồi trên ghế nhà trường môn “vật lí” anh giỏi lắm kia mà!

Nhớ lại thời đi học chúng tôi đã nghĩ ra nhiều điều “điên rồ”, kể cả việc mơ ước làm ra động cơ “vĩnh cửu”... Đã nhiều năm tôi lãng du “thơ phú” bỏ quên hết công thức toán học bây giờ máu xưa lại trỗi dậy:

-Có năng lượng là tạo ra được động cơ, có động cơ là làm ra được mọi thứ như dòng điện chẳng hạn...?

- Tải trọng xe qua đây đúng là nhiều nhưng thu lại biến thành năng lượng mới là khó.

Mấy năm trước, bà con quê tôi cắt cây cói giải ra mặt đường cho xe lăn qua để khỏi dùng vồ đập dập (lấy dây buộc cua); ông thợ gò giải tấm tôn múi ra mặt đường sau một buổi là phẳng lì.

Nay tôi nhìn hai phía trạm thu phí trên mặt đường phẳng phiu phải đắp lên cơ man nào là “gờ giảm tốc”... từng giây, từng phút bị các loại xe đè ép liên tục một cách cưỡng bức, bắt xe phải lăn bánh chậm lại:

-Chúng ta hãy biến cái “gờ giảm tốc” cứng nhắc này thành thiết bị “ thông minh” biết chuyển động - phía dưới là những piston dầu... Tạo áp suất đẩy dầu về buồng chứa qua những van một chiều, đến buồng chứa có van ổn áp dẫn tới máy bơm dầu. Máy bơm dầu lai kéo động cơ... động cơ phát ra điện...

Như thế, thiết bị này nguyên lí hoạt động ngược lại với máy ép cọc bê tông – đúng không? Bạn tôi soát lại cảm nhận về ý tưởng của mình...

Tôi vỗ tay hoan hô- Thế là chúng ta đã có chung một ý tưởng.

Cái máu giỏi “vật lí” của bạn tôi như được khơi dậy:

- Tạm tính xe “công tơ nơ” trọng lượng là 80.000kg chia đều cho 10 cụm bánh xe, mỗi cụm bánh xe có tải trọng là 8.000kg chia cho diện tích xi lanh piston dầu là 32 cm2 thì ta có áp lực dầu là 250 kg/cm2 (at) Rất nhiều cụm bánh xe, và nhiều xe qua lại như thế ta đặt dưới “gờ giảm tốc” nhất định thu được một  năng lượng khá lớn...

Bạn tôi trầm ngâm nghĩ ngợi, như mở ra một ô kéo cân nhắc, phát âm từng từ một như đọc trong sách giáo khoa:

- Chỉ cần có áp lực dầu từ 210 đến 350at với lưu lượng Q=1800l/p thì động cơ bơm dầu sẽ đạt được  4.000 đến 10.000 v/p (loại pitston rotor hướng kính) và mô men đạt tới 8.000 đến 9.000 Nm.

Tôi nhẩm tính, lực kéo này tương đương như ba chục con ngựa chứ không ít gì. Như thế là có một động lực rất lớn. (Vì động cơ phát điện chỉ cần đạt 1.500 v/p là đủ.)

Bây giờ tôi lại lo ngại, “gờ giảm tốc” phải to rộng bao nhiêu mới tải được xe 80 tấn. Hồi đi học tôi ‘bỏ tiết” môn này nhiều nhất, bây giờ mới hối tiếc.

Bạn tôi cũng thừa nhận đó là việc khó, phải nhờ đến kĩ sư chuyên ngành tính toán sức bền chịu lực mới chọn được phương án hợp lí nhất. Lại phải chọn được vật liệu phi kim loại làm gối đỡ, rãnh trượt để giữ được chính xác và chống tiếng ồn...

Các piston dầu sẽ có hình dáng hình học tương tự như kích dầu của xe ô tô, nhưng nguyên lí làm việc thì ngược lại. Vì thế thiết bị này phải thiết kế, chế tạo mới hoàn toàn; còn ống dẫn, ống nối và van một chiều cùng những máy bơm, máy phát điện thì thị trường đã có đầy đủ, chỉ việc chọn đúng thông số lắp ráp lại là được.

Những thiết bị này có thể đặt ở các trạm thu phí, hay ở các đường vành khuyên ngã năm, ngã bảy; miễn sao nơi mặt đường có dòng xe ổn định... Hoặc chính ngay cổng Cảng, một tháng có hơn chục con tàu, mỗi tàu có tải trọng từ 5.000 đến 10.000 tấn vào trả hàng và lấy hàng đi. Tất cả tải trọng này thu lại được dùng vào việc hữu ích thì tuyệt vời?

Chúng tôi đã hình dung ra những khó khăn nhất định khi lắp ráp trên mặt đường cũ. Có thể chế tạo từng “mô đun” nối tiếp nhau hàng trăm mét đặt ngay trên mặt đường, cao hơn “cốt” mặt đường chỉ 200 m/m, chỉ phải tôn cao độ dốc hai đầu như tiêu chuẩn. Cũng  thuận lợi cho việc bảo trì và sửa chữa... Khi lắp đặt ở đoạn đường xây dựng mới thì đơn giản hơn nhiều.

Đó là những ý tưởng chúng tôi mới mơ ước, hi vọng những nhà khoa học đồng cảm bắt tay vào nghiên cứu tận thu được năng lượng xưa nay ta không để ý đến. Để mãi  mãi có một dòng điện sạch, không phải bỏ tiền ra mua nguyên liệu hoá thạch gây ô nhiễm môi trường. Đó chẳng phải là mơ ước của chúng ta!

Đó chẳng phải là thứ hàng hoá cao cấp vinh danh thương hiệu: MADE IN VIỆT NAM. Tự hào biết bao!

Lê Bá Hạnh (Hải Phòng)

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự