Làm gì để "Người Việt yêu hàng Việt”

08:58 30/11/2009

(Bài dự thi) - Trong bối cảnh hiện nay của đất nước, việc huy động sự nỗ lực đồng thuận của cả xã hội thực hiện tổng hợp các giải pháp để vượt qua những khó khăn thách thức là rất cần thiết. Vậy nên, để “Người Việt yêu hàng Việt” thì không phải chỉ đơn thuần là kêu gọi người Việt ơi hãy yêu hàng Việt đi, mà nó là cả một vấn đề của toàn xã hội. Phải có sự đồng sức đồng lòng, thống nhất, kết hợp hài hòa của nhiều yếu tố và cần những hành động cụ thể, thiết thực, đồng thời của nhiều đối tượng, tổ chức.

1. ĐỐI VỚI NHÀ NƯỚC:

Cần có chính sách bảo hộ cho các doanh nghiêp Việt Nam. Lý do: các doanh nghiệp trong nước khác với các doanh nghiệp nước ngoài là còn gánh trọng trách làm ổn định đời sống xã hội của các thành viên trong doanh nghiệp, tức là họ cũng tham gia ổn định xã hội. Nhà nước cần có sự kiểm soát, điều tiết, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước về nhiều mặt như: mặt bằng, đất đai xây dựng nhà máy, thuế suất đối với các nguyên vật liệu phải nhập khẩu…Trọng trách của nhà nước là phải có hành động cụ thể để giúp cho Người Việt và Hàng Việt “yêu nhau” thật sự chứ không phải là một “tình yêu đơn phương”.

2. ĐỐI VỚI CƠ QUAN BẢO VỆ PHÁP LUẬT:

Phải có những hình phạt thật nặng và xử lý kiên quyết đối với các trường hợp sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Điều này có tác động to lớn đến việc tạo dựng và củng cố niềm tin của người tiêu dùng đối với hàng Việt. Đồng thời giúp các doanh nghiệp Việt chân chính có được chỗ đứng vững chắc trong lòng người Việt.

3. ĐỐI VỚI  CƠ QUAN BÁO CHÍ, TRUYỀN THÔNG:

Cần phổ biến rộng rãi và thường xuyên những vụ việc phát hiện về hàng nhập khẩu không đảm bảo chất lượng hoặc không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đặc biệt là hàng ngoại giả. Ngoài ra, rất cần các bài báo có tính định hướng người Việt nên chọn hàng Việt bằng các thông số khi so sánh hàng Việt về chất lượng, giá cả, mẫu mã…không thua kém hàng nhập ngoại. Thậm chí hàng Việt còn có ưu thế là không phải chịu thuế nhập khẩu. Điều này cũng rất quan trọng đối với những người tiêu dùng đang có quan niệm cho rằng hàng ngoại đắt hơn vì nó tốt hơn(?)
 

4. ĐỐI VỚI NHÀ SẢN XUẤT:

Bắt buộc phải có một cái nhìn đúng đắn về “Người Việt yêu hàng Việt” chứ không phải là người Việt “chiếu cố” để yêu hàng Việt nhờ vào cuộc vận động mang tính quốc gia này. Vì vậy đảm bảo chất lượng của sản phẩm là yếu tố đầu tiên của nhà sản xuất. Tiếp đó là mẫu mã và giá thành. Nhà sản xuất Việt Nam không phải là đối thủ của “made in China” nếu họ có suy nghĩ giảm chất lượng để giảm giá thành hòng cạnh tranh với hàng Trung Quốc. Nhật Bản đã rất thành công không chỉ trong thị trường nội địa chính là nhờ chất lượng của sản phẩm. Đừng trồng rau theo kiểu “luống này để ăn, luống kia để bán” mà hãy luôn tâm niệm mình trồng rau cho cha mẹ mình ăn vậy.

5. ĐỐI VỚI NHÀ QUẢNG CÁO:

Máu loãng còn hơn nước lã. Không vì doanh nghiệp ngoại trả giá cao mà tung hê người ta lên tận mây xanh. Mình cũng là người Việt nên mình cũng phải biết bảo vệ hàng Việt cho người Việt và ngược lại. Muốn thế nhà quảng cáo cần nói đúng, nói đủ, nói thật về chất lượng sản phẩm Việt. Như vậy nhà quảng cáo cần phải xác minh, kiểm tra, kiểm định sản phẩm trước khi quảng cáo. Nhất là các đài truyền hình, đài truyền thanh, các tờ báo lớn lại càng phải cẩn thận hơn bao giờ hết. “Tình yêu” sẽ rất khó thành nếu người tiêu dùng phát hiện được chất lượng sản phẩm không giống như quảng cáo. Không chỉ thế, các kịch bản quảng cáo cũng nên được chú ý hơn.

6. ĐỐI VỚI NHÀ PHÂN PHỐI:

Tìm hiểu thị trường để phân phối hợp lý: thành thị, nông thôn hay miền núi miền xuôi…cũng đều là người tiêu dùng Việt. Sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất, đầy đủ với nhà sản xuất để có một chính sách sau bán hàng, bảo hành sản phẩm, bảo vệ người tiêu dùng…là việc làm cực kỳ cần thiết. Nhà phân phối chuyên nghiệp cần giám sát cả hành động của người bán hàng đối với khách hàng. Lòng mến khách của người bán sẽ giữ được khách cho hãng trở thành khách quen. Với những người đó họ có quyền được khen thưởng. Ngược lại thái độ không tốt của người bán cũng có khả năng làm giảm đáng kể doanh thu của doanh nghiệp.

7. ĐỐI VỚI NHÀ BÁN LẺ:

Ít nhất cũng phải có được một cái miệng biết yêu hàng Việt. Hãy tuyên truyền với khách hàng về hàng Việt. Thậm chí là một lời khuyên chân thành của một người cũng đang tiên phong hoặc thường xuyên sử dụng mặt hàng đó. Mình không lừa khách hàng mà đơn thuần chỉ giúp khách hàng hiểu rằng hàng nội đâu có thua kém hàng ngoại về cả chất lượng lẫn giá thành hay mẫu mã. Hãy thể hiện cho khách hàng thấy rằng mình muốn khách hàng mua hàng nội hơn là chọn hàng ngoại, mặc dù lợi nhuận từ việc bán hàng ngoại có thể cao hơn. Cuối cùng, nhân viên bán hàng phải biết tặng cho “thượng đế” một nụ cười không gượng gạo và một lời nói với theo: “Lần sau, mời quý khách lại ghé vào mua hàng nữa nhé!”

8. ĐỐI VỚI NGƯỜI TIÊU DÙNG:

Khi cuộc vận động của chính phủ đã được phổ biến đến từng người dân rồi thì việc chỉ thích dùng đồ ngoại của một bộ phận những người khá giả sẽ không còn được thiên hạ nhìn nhận theo kiểu “sành điệu” hay quý-sờ-tộc nữa. Mà thậm chí người ta còn tự suy rằng “dùng hàng nội là yêu nước”, không-chịu và không-thích dùng hàng nội sẽ là (….) tất nhiên người ta có quyền nghĩ thế.

Do hàng ngoại thường được bán với giá cao hơn hàng nội nên một bộ phận người tiêu dùng đã nảy sinh tâm lý sử dụng hàng ngoại để phô trương khả năng tài chính, hoặc cho rằng hàng ngoại đắt hơn vì nó tốt hơn. Những người này đang cầm một tấm rào cản đi vào cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” và họ được đặt tên là “sính ngoại”. Thực ra, kém hiểu biết cũng nằm trong đối tượng này. Giờ đây rất cần một sự “xốc lại” nhận thức của người tiêu dùng về hàng nội. Một câu kết cho tâm lý “sính ngoại” là: đối với người nước ngoài, họ cũng gọi hàng Việt nhập khẩu vào nước họ là “hàng ngoại” đấy! 

                                                                                     NGUYỄN TỐ HỮU

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự