Khát khao của người thợ Việt

08:05 24/11/2009

(Bài dự thi) - Tìm hiểu về những người thợ thủ công, những nghệ nhân, những nhà sản xuất Việt Nam…tôi càng thêm kính phục họ, bởi họ đã gắn bó cả cuộc đời mình cho nghề nghiệp để làm ra các sản phẩm có chất lượng cao, không chỉ mang lại giá trị trên thương trường mà còn trở thành niềm tự hào của kỹ nghệ Việt Nam. Nguyễn Văn Điền, Lý Ngọc Minh…là những người như vậy.

Đưa những bức tranh dân gian Đông Hồ nổi tiếng lên chất liệu đồng là ý tưởng độc đáo của nghệ nhân Nguyễn Văn Điền ở làng đúc đồng Đại Bái, huyện Gia Bình (Bắc Ninh).

Thực hiện thành công ý tưởng này từ năm 2000, ông Điền đã đóng góp một phần quan trọng vào việc chuyển hướng sản xuất kinh doanh của cả làng đúc đồng Đại Bái, làm hồi sinh làng nghề ngàn năm tuổi đang có nguy cơ mai một. 

Với nhiều sản phẩm đồ đồng mỹ nghệ tinh xảo, có chất lượng cao, hàng loạt mặt hàng đồ đồng của làng thủ công truyền thống Đại Bái đã đến với đông đảo bạn hàng trong và ngoài nước.

Đã ngoài tuổi 60 nhưng ông Điền vẫn nặng lòng với nghề đúc đồng, mê say sáng tạo để tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị mỹ thuật và giá trị kinh tế cao. Nghề đúc đồng ở Đại Bái có từ hàng ngàn năm, đang phải đối mặt với nguy cơ mai một nên ông rất trăn trở tìm hướng để khôi phục, phát triển nghề trong thời kỳ sản xuất kinh doanh theo cơ chế mới.

Năm 2000, khi có dịp đến thăm làng tranh Đông Hồ, ông đã say mê và ước mong đưa được tranh lên chất liệu đồng. Khi mới bắt tay vào làm các mặt hàng, ông gặp không ít khó khăn, những nét vẽ tinh tế của tranh Đông Hồ trên các bức tranh “Mục đồng thổi sáo”, “Đám cưới chuột”, “Hứng dừa”…thật khó thể hiện trên chất liệu đồng.

Qua nhiều lần thử nghiệm với sự giúp đỡ của những nghệ nhân làng tranh Đông Hồ, ông đã thành công. Từ đó, ông tiếp tục mở rộng phạm vi sản xuất, bên cạnh tranh Đông Hồ ông còn làm tranh chữ, tranh phong cảnh theo yêu cầu của khách. Đến giờ, tranh đồng của gia đình ông đã trở thành một trong những mặt hàng được ưa chuộng nhất và được bán ra khá nhiều thị trường thuộc các tỉnh miền Bắc.

Không chỉ trụ vững ở thị trường trong nước, sản phẩm của ông đã bước đầu vươn tới các thị trường “khó tính” như Đài Loan, các nước Đông Nam Á. Thành công của ông đã lôi kéo được nhiều người quay lại với nghề truyền thống, mang lại sức '

sống mới cho làng đúc đồng, tạo điều kiện cho hàng trăm cơ sở xuất, làm ra các sản phẩm tinh xảo, có giá trị như chóe, tượng, phù điêu.
Hơn 20 năm gắn bó với nghề đồng, ông Nguyễn Văn Điền đã dành được nhiều danh hiệu và giải thưởng tại các triển lãm, các cuộc thi trong tỉnh và cả nước. Đặc biệt, sản phẩm “Chóe ngũ sắc” (đen, đỏ ròng, vàng, xanh, bạc) của gia đình ông được Hiệp hội hỗ trợ phát triển tài năng Việt Nam trao tặng danh hiệu “Tinh hoa đất Việt”.    
Từ một xưởng đúc nhỏ bé, một mình phải đảm đương nhiều công đoạn sản xuất, đến nay ông đã có trong tay một xưởng đúc gần 1000 mét vuông, cửa hàng giới thiệu sản phẩm. Hơn 40 thợ làm việc trong xưởng đúc của ông đều có thu nhập từ 1,5 – 3 triệu đồng/người/tháng.

Hằng ngày, tuy bận bịu với việc sản xuất nhưng ông vẫn tận tâm dạy nghề cho thanh thiếu niên trong làng để con cháu tiếp tục giữ gìn nghề truyền thống, làm ra các sản phẩm có chất lượng hơn trong cuộc sống mới hôm nay.  

Khác với nhiều doanh nhân khác, tuy chỉ học hết lớp 5 nhưng nhà khoa học thực nghiệm – Anh hùng Lao động – Lý Ngọc Minh đã vượt lên nghịch cảnh, khẳng định mình bằng lòng đam mê gốm sứ để “trình làng” những sản phẩm gốm sứ chất lượng cao cho thị trường trong và ngoài nước. 

Vừa là chủ doanh nghiệp nhưng ông Lý Ngọc Minh cũng vừa là người có sức sáng tạo mẫu mã, kiểu dáng rất phi thường. Từ những năm 90, ông đã chế tác thành công một số bộ sản phẩm mỹ nghệ thể hiện nét đẹp của dân tộc. Cụ thể như bộ sản phẩm thể hiện đại gia đình 54 dân tộc anh em trong đất nước Việt Nam, bộ tượng thiếu nữ 3 miền Bắc – Trung – Nam…Đặc biệt, ông là người đầu tiên ứng dụng hoa văn “Chim lạc” trên trống đồng Ngọc Lũ vào các sản phẩm của Minh Long I nhằm giới thiệu với bạn bè thế giới một biểu tượng văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam.

Với vai trò là một người đi tiên phong trong thử nghiệm, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất gốm sứ, những mô hình hoạt động hiệu quả của Minh Long I đã được phổ biến, nhân rộng góp phần làm thay đổi diện mạo của ngành nghề gốm sứ Bình Dương.

Mặt khác, việc phục chế men màu đã thất truyền mà Minh Long I làm được là vô giá. Trong ngành sản xuất gốm sứ, màu sắc là một yếu tố quan trọng cấu thành phần hồn của sản phẩm. Màu sắc càng đa dạng, sản phẩm càng phong phú; màu sắc càng cá biệt, sản phẩm càng độc đáo. Các loại màu như đỏ son, xanh vua, xanh Cobal, men Caladon…là những loại men màu khó thực hiện nhất trong nghề và đa số đã thất truyền từ lâu. Theo các chuyên gia, trên thế giới số công ty có thể chế tạo men – gam màu ấy trên sứ lại không nhiều, nguồn tài liệu và cả những cổ vật có các loại men – màu ấy cũng rất hiếm hoi. Thế nhưng, dù gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại nhưng ông Lý Ngọc Minh vẫn kiên trì nghiên cứu, tìm tòi và đã thành công trong việc phục chế các loại màu đỏ cung đình, màu xanh vũ quá thiên thanh hay men Caladon. Kết quả đó đã được thể hiện rất thành công qua các bộ sản phẩm như “Sơn hà - Cẩm tú”, “Quốc sắc – Thiên hương” và một số sản phẩm nghệ thuật có men Caladon…có giá trị rất cao. Đặc biệt, các loại men – màu này đều không có chì và chất Cadmidium được bảo đảm dưới mức cho phép.

Thương hiệu Minh Long I giờ đã nổi tiếng, ở bất kỳ thị trường xuất khẩu nào sản phẩm Minh Long I cũng đều có sức lan tỏa về tâm hồn Việt Nam, về nét đẹp văn hóa dân tộc. Với thành công này, giấc mơ thời niên thiếu “Ước vọng lớn nhất của tôi là đưa gốm sứ Việt Nam lên đỉnh cao của thế giới, chứng tỏ cho bạn bè năm châu thấy rằng dân tộc Việt Nam làm được những gì thế giới làm được” của doanh nhân Lý Ngọc Minh giờ đã thành hiện thực. 

Lệ Cúc

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự