Tản mạn từ những điều rất nhỏ…

08:51 30/11/2009

(Bài dự thi) - Trong cuộc sống có những điều chúng ta vẫn tưởng là lớn lao và phi thường lắm. Ví như nói về lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc chẳng hạn, nhiều khi chúng ta vẫn nghĩ phải là hành động xả thân vì đất nước, hay các vận động viên hết mình trong từng trận thi đấu để khẳng định mầu cờ sắc áo… nhưng thực tế khi nói tôi là một người yêu nước chúng ta chỉ cần thể hiện bằng những hành động thật bình dị như ăn các món ăn truyền thống, sử dụng sản phẩm do nước mình sản xuất… Đó là suy nghĩ của cá nhân tôi mong muốn được chia sẻ cùng các bạn.

Trung thu là một dịp đặc biệt đối với trẻ  con và cũng là một dịp đặc biệt để người lớn chúng ta thể hiện sự quan tâm và tình cảm thương yêu dành cho các bé bằng những món quà dù nhỏ, dù to. Tôi cũng như rất nhiều người bà, người mẹ, người cô, người chị, người dì đã háo hức chuẩn bị những món quà đẹp nhất, ý nghĩa nhất cho con, cháu của mình. Và tôi không giấu các bạn rằng tôi đã vui mừng thế nào khi chọn mua được ba bộ quần áo thu đông rất đẹp (theo quan điểm của tôi là hình thức ngộ nghĩnh và chất vải thì nhiều cotton) cho một cậu con trai và hai cô cháu gái của mình. Nhắc lại chuyện này tôi cũng cảm thấy vô cùng ngạc nhiên tại sao khi chọn mấy bộ đồ đó tôi lại quên béng mất việc xem xét xuất xứ từ đâu..


Bởi vì từ mấy tháng qua vấn đề chất lượng của quần áo Trung Quốc nhất là loại dành cho trẻ con đã được các cơ quan báo chí  phanh phui mổ xẻ nhiều đến mức người tiêu dùng như tôi cũng phải “nổi da gà”, từ  sâu thẳm trong ý nghĩ đã phải tránh xa vì  sợ rằng nếu như con mình mặc những bộ đồ đó rồi sẽ bị viêm da, bị ngứa, bị đủ các thứ viêm nhiễm mà không lường trước được, tệ hại hơn là có thể sẽ tạo thành mầm mống ung thư… Thế thì thật nguy hiểm!

Bản thân tôi cũng được một cô bạn thân là Phóng viên một tờ báo nổi tiếng hiện nay phỏng vấn, thăm dò ý kiến về vấn đề này. Và đương nhiên là tôi đã được cô bạn nhà báo “bắn tin” cho nhiều “cái dở” của quần áo Trung Quốc và nhiều loại khác như hoa quả, đồ chơi, giày dép do Trung Quốc sản xuất.

Lại nói về đồ chơi trẻ em, mỗi lần tôi muốn mua cho con một món đồ nào đó tôi chỉ có thể chọn những loại đồ chơi của Trung Quốc sản xuất bởi bọn trẻ còn nhỏ quá và chúng hết sức hiếu kỳ với những chiếc đàn có đủ các phím đô, la, rê, mi…, kèm theo tiếng kêu của vài loại động vật nữa; hoặc là những chú chó mà người bán hàng hồ hởi giới thiệu là “vừa chạy, vừa hát, vừa sủa gâu gâu”, đến cả các loại thú nhồi bông cũng “made in China” với những mầu sắc, mẫu mã đẹp thôi rồi, giá cả lại phải chăng… thế thì làm sao mà cưỡng lại được. Ở đây tôi không muốn nhắc đến các loại đồ chơi có tính kích thích như súng, gươm, giáo, cung tên… bởi dư luận và báo chí đã nói mãi rồi, ai cũng biết cả rồi. Về nhà, ông bà đã lớn tuổi càng ngạc nhiên hơn với những thứ đồ chơi “như thật” và luôn miệng khen ngợi hay là một sự tiếc nuối nào đó rằng: người Trung Quốc giỏi thế, sao mà cái gì cũng làm được, hoặc giả các cụ lại tiếc tiền rằng có mỗi một con chó bé tẹo này mà cũng đắt gần yến gạo cơ à?... Thời thế là thế, con người ta có, chả lẽ cứ để con mình chạy theo khóc lóc đòi mượn một tí thôi mà cũng chẳng được nhóc bạn kia gật đầu. Thế là người người, nhà nhà đua nhau mua đồ chơi Trung Quốc cho con, cháu mình.

Ngày xưa còn bé, ở quê chúng tôi thường tự  tạo cho mình những con trâu, ngựa bằng lá mít, lá  dừa để đọ xem con nào đẹp, con nào khỏe hơn… bây giờ ngay cả ở quê cũng chẳng còn những con vật bằng lá như thế nữa đừng nói là thành phố. Những con diều mộc mạc ngày xưa giờ chỉ còn ở những miền quê nghèo, còn những nơi thành thị, đô hội, những vùng quê “đang giàu lên” thì trẻ con được sắm cho những con diều đủ màu sắc, kích cỡ, đẹp không chê vào đâu được và tất nhiên cũng vẫn của Trung Quốc là chính.

Quay trở lại chuyện quần áo mà tôi đã nói ở trên. Sau khi phát hiện ra mình mua toàn quần áo Trung Quốc, tôi không biết nên làm thế nào nữa. Cách hữu hiệu là ngâm giặt sạch sẽ nhiều lần rồi mới sử dụng, nhưng liệu mang mấy bộ đồ đi tặng, người nhận (bố mẹ bọn trẻ) sẽ đánh giá mình như thế nào đây? Liệu họ có cho con mặc những bộ quần áo đó không khi mà dư luận đang “cảnh giác cao độ” với nó. Quả thực trước khi báo chí đưa tin về chất lượng quần áo Trung Quốc và những nguy hại của nó với sức khỏe thì tôi vẫn xài hàng “made in China” rất hồn nhiên. Giầy dép mua cho con trong các shop thời trang giá khoảng trên dưới 100 ngàn đồng/đôi, đều là hàng Trung Quốc, đồ chơi cũng Trung Quốc. Quần áo mặc ở nhà thì tôi chọn loại của Đồng Xuân, Dệt Kim vốn đã nổi tiếng hoặc của các cơ sở trong nước mà mấy bà buôn đồ trẻ em thường có như Thiệu Ngọc, Như ý… nhìn chung là chất lượng tốt, giá rẻ, phù hợp khi mặc ở nhà. Nhưng khi muốn chọn những bộ đồ đẹp hơn, dùng để đi chơi thì rất vô tình tôi đều mua hàng Trung quốc. Một chiếc quần sort hoa chất liệu chả mát tí nào, chỉ được cái đẹp mắt thôi cũng mấy chục ngàn, thế mà chị bán hàng còn bảo giá hữu nghị đấy, mặc sướng phải biết. Mà tôi cũng thấy lạ là thường quần áo Trung Quốc màu sắc rất bắt mắt, các hình ảnh, hoa văn in trên quần áo cũng đáng yêu nên chả trách lại có sức hút như vậy.

Tuy nhiên “lợi bất cập hại”, gần đây tôi đã chú ý hơn khi mua sắm đồ cho con và cho cả gia đình. Gần nhà tôi có cửa hàng Vinatex và tôi đến đó thường xuyên hơn. Tôi nhận thấy các sản phẩm “made in Việt Nam” ngày càng đẹp và đa dạng về mẫu mã, màu sắc, giá cả cũng phải chăng. Bỗng dưng lại thấy tiếc một quãng thời gian đã thờ ơ với những gian hàng này. Có thể không có sự tham gia của tôi thì hàng Việt Nam vẫn từng ngày phát triển nhưng nếu tôi tham gia một chút ít dù chỉ là ở mặt hàng quần áo trẻ em thôi chẳng hạn, biết đâu  tôi đã và đang góp phần để thương hiệu Việt thăng hoa.

Đôi điều tản mạn về một góc riêng trong cuộc sống của tôi không đủ để nói hết những gì tôi đã trải nghiệm. Có điều tôi biết rằng, khi tôi đã viết ra được những dòng này thì lòng tôi đã thực sự nhẹ nhàng hơn bởi thực lòng tôi mong muốn mỗi sản phẩm, hàng hóa của dân tộc mình sẽ trở thành lựa chọn lý tưởng cho dân mình, với tôi đó là một cách giản dị nhất để thể hiện lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc.

Đỗ Quyên

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự