Nơi hàng ngoại được coi là xa xỉ

10:21 26/11/2009

(Bài dự thi) - Huyện Cư Jút, tỉnh Đăk Nông quê tôi khoảng 10 năm trở lại đây kinh tế phát triển khá mạnh; ngoài hai xã, một là vùng biên giới, một đặc biệt khó khăn do địa phương chiếm đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, các xã còn lại đại đa phần nông dân có mức sống tương đối cao nên nhu cầu mua sắm đồ gia dụng mới để thay thế đồ dùng cũ lỗi thời ngày một nhiều.

Thế nhưng, không chỉ mới đây mà ngay từ trước năm 2003 các mặt hàng lớn, nhỏ của nước ngoài bị dân lao động quê tôi coi là hàng xa xỉ. Một ông chủ cửa tiệm tạp hoá khá lớn ngay ngã ba Thị trấn Ea Tlinh bộ bạch:

- Tôi bán hàng ở đây đã 15 năm, trước kia bán hầu như đủ thứ từ nhỏ như cái kim đến lớn như thâu băng, đầu dĩa, ti-vi, tủ lạnh…, nhưng hàng bán ra chiếm tới 90% là hàng sản xuất trong nước. Người tiêu dùng nhận xét rằng ‘’những mặt hàng thông thường của nhiều nước xuất qua có thể tốt hơn hàng Việt ta thật, nhưng quá đắt, có món gấp đôi, gấp ba’’; có nghĩa muốn mua một thứ hàng ngoại thì cũng với số tiền ấy họ có thể mua được 2-3 món hàng nội. Ngay cả những người thuộc diện giàu có họ cũng tính toán như vậy, vì trên thực tế bất kể thứ hàng gì (trừ hàng nhái, hàng giả) thì chất lượng cũng không thể chênh nhau tới một nửa hoặc bằng một phần ba được. Nhất là nhiều năm qua do cạnh tranh với hàng ngoại, và các cơ sở sản xuất trong nước cũng cạnh tranh nhau về mẫu mã, chất lượng nên lấy được lòng tin của người tiêu dùng mà hàng nội vẫn chiếm ưu thế rất lớn. Không ít cửa tiệm không giám nhập hàng ngoại bởi vốn bỏ ra khá lớn lại lâu bán được nên có nhiều mặt hàng ngoại ở nơi khác thì đầy rẫy, song ở cả huyện này chẳng chỗ nào bán vì người tiêu dùng cho nó là đồ xa sỉ.

Chợ Nam dong cách thị trấn Ea Tlinh 7 km, tuy chợ xã nhưng khá sầm uất bởi nơi đây là trung tâm thương mại của một xã có tới hơn 17.000 dân và còn thu hút được người tiêu dùng của một số vùng phụ cận. Chợ đông đúc tiệm quán, chỉ chưa thấy có cửa hàng bán ô tô, còn dưới giá trị đó chẳng thiếu thứ gì. Bà chủ của tiệm Hoa Cường, một trong những tiệm buôn lớn nhất chợ, cho biết:

-Tiệm tôi 3-4 năm qua bán gần như rặt hàng nội, người dân bây giờ chuộng hàng nội bởi hầu hết các mặt hàng đều có bảo hành. Đơn cử, rẻ như một lố ly uống nước này nó chỉ giá 40.000 đồng nhưng vẫn được tiệm bảo hành, khách mua về luộc thử, nếu nứt, bể cái nào ra đổi lại..

-Nếu nứt, bề nhiều chị bị lỗ? Tôi hỏi lại.

Bà chủ lắc đầu:

-Không, vì tôi sẽ trả lại đại lý cấp 1, đại lý sẽ phản ảnh và trừ khấu hao nơi sản xuất do lô hàng kém chất lượng. Lần sau chất lượng không cao nữa thì đại lý sẽ tẩy chay lấy chỗ khác. Còn hàng nhái, hàng giả gần như không còn chỗ dung thân bởi  không thể tuồn hàng vào cho đại lý lớn được, mà đem đi bỏ xỉ cho các tiệm quán nhỏ cũng bị từ chối vì mọi chủ tiệm đều giữ uy tín không lấy hàng ‘’đểu’’ dù rẻ đến mấy. Các hàng có giá trị lớn khác cũng tương tự vậy thôi nên người tiêu dùng rất tin tưởng và mỗi ngày càng thêm cảm tình với hàng nội.

Cửa hàng bán các loại xe máy trên địa bàn xã Nam dong có đến cả chục, nhưng ba ‘’đại gia’’ lớn nhất gồm Hoàng Tiến, Xuân Tiện và Gia Đại Lợi, mỗi cửa hàng luôn có không dưới 100 xe chưng bày nhưng chiếm tới hơn 90% xe sản xuất trong nước. Tôi chỉ vào chiếc Air Blade được dựng ngoài cùng hỏi :’’Hàng ngoại còn mỗi chiếc này sao?’’, chủ cửa hàng Hoàng Tiến bảo:

-Lâu rồi chỉ một chiếc để chưng bày chứ với xe ngoại nhập nguyên chiếc không chỉ ở đây mà ngay cả ngoài chợ huyện cũng rất khó bán. Dân công chức họ cũng chẳng dại gì phải ‘’cố mua’’ như trước kia để thiếu nợ; dân lao động lại càng tiết kiệm hơn vì thời nay xe máy không còn là ‘’mốt’’ nữa nên hàng sản xuất hay lắp ráp trong nước như SUFAT, FUTURE, JUPITER… bán chạy hơn cả, chứ HONDA Trung Quốc vài ba năm nay rất khó bán cho dù nó rẻ, bởi lẽ chất lượng thua xa hàng nội.

Đến các chợ nhỏ hơn trong huyện Cư Jút như Đăk Drông, Đăk Uyn chúng tôi chứng kiến đủ mọi thành phần khách mua hàng và thấy rất hiếm người hỏi hàng ngoại nhập.. Ngay cả các loại mặt hàng điện tử như ti-vi, tủ lạnh người ta cũng truyền tai nhau nên mua các nhãn hiệu DALING, BENCO, TDA (TIẾN ĐẠT), quạt gió, nồi cơm điện, bếp điện… vẫn cứ chọn hàng Việt nam chất lượng cao. Cũng có chủ tiệm buôn chào mời mua hàng ngoại song ngay cả dân giàu cũng chẳng mặn mà bởi mẫu mã hàng Việt chẳng thua kém, chất lượng đều được bào hành có ít cũng cả 1 năm trời, có mặt hàng tới 2 năm, giá cả lại vừa túi tiền, người nào muốn ‘’chơi trội’’ cũng… ngài ngại vì bị coi là xa xỉ.

Thiển nghĩ, nông thôn vùng sâu, vùng xa là nơi để hàng Việt làm bàn đạp mở rộng dần dẫn đến ‘’bành trướng’’ thị trường tiêu thụ, vì lẽ đó mà việc quảng bá sản phẩm về nông thôn là điều rất cần thiết cho các nhà sản xuất, có điều việc quảng bá và chữ ‘’tín’’ luôn song hành thì hàng Việt mới có sức thuyết phục mạnh.

                                                                                              Hoàng Ninh

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự