Tranh thêu Huế - Đặc sắc thương hiệu Việt

09:22 26/11/2009

(Bài dự thi) - Huế không phải là đất tổ của nghề thêu, nhưng hơn 300 năm năm trước lại là nơi hội tụ của các nghệ nhân thêu bậc thầy trong cả nước. Nghề thêu Huế hình thành phát triển và thăng hoa cùng với sự phát triển của vương triều Nhà Nguyễn. Ban đầu các nghệ nhân tài hoa khắp mọi miền được trưng tập về Huế để phục vụ cung đình như, thêu hoàng bào, cẩm bào, thường bào, xiêm y cho vua, hoàng hậu, công chúa, áo mão cân đai cho quan lại văn võ...thêu nghi môn trướng liễn cho trang trí nội thất cung đình...Chính từ yêu cầu khắt khe và đòi hỏi cao của công việc, nên các thế hệ nghệ nhân thêu ở Huế đã không ngừng rèn luyện nâng cao tay nghề để không chỉ hoàn thành xuất sắc công việc hàng ngày , mà còn đạt đến cao của tinh hoa nghề nghiệp.

Nhiều sản phẩm của các nghệ nhân thêu Huế hiện còn lưu giữ được ở Bảo tàng nghệ thuật cung đình Huế đã thực sự trở thành những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc làm say lòng du khách bốn phương như: bức thêu “thất sư hý cầu”(bảy con rồng đang vờn một quả cầu) của cố nghệ nhân Lê Văn Hỡi, dâng tặng vua Khải Định, nhân dịp đại khánh tứ tuần năm 1924. Hay như bức thêu bộ kinh “Kim Cương” của cố ni sư Diệu Tâm., bức thêu “Đêm trăng Vỹ Dạ” của cố nghệ nhân Lê Thị Bích Đàn...

Có thể nói nghề thêu phục vụ cung đình đã đào luyện nên những nghệ nhân tài hoa của đất thần kinh, nhưng nếu chỉ dừng lại thêu thùa phục vụ cung đình thì đến nay nghề thêu Huế chỉ còn là di sản vàng son của quá khứ. Nhưng không, các nghệ nhân thêu Huế đã thể hiện tài hoa của mình trên rất nhiều hình thức nghệ thuật như, thêu tranh phong cảnh, chân dung các danh nhân, thư pháp, trướng liễn, kinh phật, hoàng bào, xiêm y...cũng như trên nhiều chất liệu nền vãi khác nhau như lụa, gấm, vãi...Làm nên bộ sưu tập đa dạng phong phú đặc sắc của nghề thêu Huế.

Các nghệ nhân thêu Huế đời nối đời làm rạng danh cho nghề bằng những tác phẩm để đời, mà ngày nay đang trở thành những bảo vật quốc gia. Như bức thêu bộ kinh Kim Cương của Ni sư Diệu Tâm với gần 2.000 chữ hán, trên gấm quí được thực hiện gần như trọn đời tu hành của mình. Hiện bức thêu này đã được đăng ký là bảo vật quốc gia, được cất giữ cẩn thận tại Chùa Trúc Lâm Huế. Hay bức thêu bộ “Bát nhã đa tâm kinh” của nghệ nhân Lê Văn Kinh, với hai bản hán Việt trên 1.000 chữ, thể hiện trên 25 tấm lụa được coi là một trong những kiệt tác của nghề thêu. Hay bức tranh thêu “Đêm trăng Vỹ Dạ” của cố nghệ nhân Lê Thị Bích Đàn(em gái nghệ nhân Lê Văn Kinh), được coi là mẫu mực về tranh thêu phong cảnh ở nước ta từ trước đến nay, mở ra một hướng mới cho nghề thêu tranh ở Huế.


Hoa tình yêu tranh thêu

Có thể nói sản phẩm của các nghệ nhân thêu Huế dù phục vụ trong cung đình hay ra với đời sống bên ngoài đều đạt đến trình độ tinh hoa của nghề nghiệp, thực sự là những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc làm giàu thêm kho tàng văn hoá truyền thống Huế.

Tuy nhiên, phải đến những năm 70 của thế kỷ XX, nghề thêu Huế mới được du khách trong và ngoài nước quan tâm chú ý, qua đợt triển lãm tranh thêu tại Sài Gòn của cố nghệ nhân Lê Thị Bích Đàn, làm ngỡ ngàng du khách thập phương và giới hội hoạ mỹ thuật thời ấy.. Từ đó đến nay, nghề thêu tranh Huế như được chắp thêm cánh đi ra với thế giới bên ngoài trở thành một thương hiệu văn hoá đặc sắc của Cố Đô. Hiện nay, nghề thêu Huế đang được các nghệ nhân phát triển thành một đặc sản văn hoá trên thị trường Huế và cả nước với những doanh nghiệp tên tuổi như, XQ Cố Đô, XQ Cổ Độ, Đoan Trang, Hợp tác xã thêu Thuận Lộc, Kim Long…Sản phẩm tranh thêu Huế không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước với hàng trăm của hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm khắp ba miền mà còn được xuất khẩu trực tiếp đến rất nhiều nước trên thế giới như, Mỹ, Pháp, Nhật, Úc, Ca Na Đa…

Nghề thêu Huế cũng là nghề thu hút và giải quyết được nhiều lao động cho các địa phương ở TT-Huế. Ngoài hai làng thêu truyền thống là Kim Long, Thuận Lộc duy trì phát triển với hàng trăm thợ thêu lành nghề. Còn hình thành nên rất nhiều trung tâm dạy nghề, sơ sở thêu xuất khẩu ở các huyện Phong Điền, Hương Trà, Quảng Điền, Hương Thuỷ...giải quyết việc làm và thu nhập cho hàng ngàn lao động tại chổ.  Lợi thế cho người thợ thêu hiện nay là được chính các nghệ nhân thêu cung đình Huế truyền dạy, như Nghệ nhân Lê Văn Kinh đã ngoài 80 tuổi vẫn hăng say truyền nghề cho lớp trẻ. Theo ông: nghề thêu, ngoài sự kiên nhẫn, cần mẫn khéo tay, đòi hỏi người thợ phải có con mắt nghệ sỹ thực thụ để tác phẩm không chỉ sắc sảo trong đường nét, hình khối mà còn lung linh sống động màu sắc... Vì thế khâu pha chỉ, phối màu được coi như là bí quyết thành công của nghề thêu tranh Huế, đây cũng là nét đặc trưng riêng để làm nên thương hiệu của nghề thêu Huế. Theo các nghệ nhân cao tuổi ở Huế, thì học được nghề thêu đã khó, thành công với nghề lại càng khó hơn, bỡi nghề thêu hoàn toàn thực hiện bằng đôi tay và con mắt của người thợ, nên không có tác phẩm nào giống tác phẩm nào, mỗi lần ngồi vào khung thêu là mỗi lần sáng tạo của người nghệ nhân. Chính vì vậy, nghề thêu trong Nam, ngoài Bắc nơi nào cũng có những nghệ nhân bậc thầy, nhưng sản phẩm thêu Huế vẫn mang đậm nét phong cách riêng của mình không lẫn vào đâu được

Có thể nói miền đất Sông Hương, Núi Ngự đã nuôi dưỡng và vun đắp tài hoa cho các thế hệ nghệ nhân thêu Huế và chính họ đã làm sang làm đẹp cho Huế bằng nghề thêu đặc sắc của mình.

                                                                  Ngô Minh Thuyên

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự