Gốm Quyết Thành chưa bao giờ tắt lửa

09:19 26/11/2009

(Bài dự thi) - Nói  đến làng nghề gốm truyền thống, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những cái tên nổi tiếng như Bát Tràng(Hà Nội), Phù Lãng(Bắc Ninh), Hương Canh(Vĩnh Phúc) hay Thổ Hà(Bắc Giang)…Nhưng ít ai biết rằng ở mảnh đất Hà Nam cũng có một làng gốm có lịch sử tồn tại hàng trăm năm nay. Điều đặc biệt, trong khi những làng gốm nổi danh đã bao phen chao đảo, tắt lửa thì người làng gốm Quyết Thành vẫn luôn vững bước đi lên trên con đường của nghiệp tổ.

Tình yêu gốm mãnh liệt

“Tầm sư học đạo tiên tổ hiển vinh kỹ nghệ cổ
Thụ lưu nghiệp bá tử  tôn phú quý niệm linh nhân”

Đó là hai câu đối khắc ở cổng làng gốm truyền thống Quyết Thành, thị trấn Quế, Kim Bảng (Hà Nam). Một số vị cao niên trong làng đã giải nghĩa cho chúng tôi hiểu 2 câu đó như sau: “Theo thầy học nghề cổ mà xưa tổ tiên đã vinh danh. Con cháu thụ hưởng và lưu truyền cái nghiệp ấy thì sẽ được phú quý và còn trở thành người có công”.

Những phụ nữ Quyết Thành đang hăng say tạo, nặn hình gốm

Bước chân qua cổng làng ấy, chúng ta sẽ thấy đồ gốm được phơi la liệt bên dệ đường, trong sân, ngoài bãi. Theo ông Lại Văn Tiến 60 tuổi, một nghệ nhân gốm cao thủ cho biết: “làng nghề gốm Quyết Thành đã có lịch sử hàng trăm năm trước, nhưng chẳng có nguồn tài liệu nào ghi rõ. Chỉ biết nó được truyền từ đời này sang đời khác. Hiện nay vẫn còn đền thờ ông tổ làng nghề và đã được người dân coi là Thành hoàng làng. Nhưng tiếc rằng chẳng người nào biết rõ ông tổ nghề đó là ai, lai lịch ra sao…?”.


Gốm đã đưa vào lò để chuẩn bị nung

Làng Quyết  Thành hầu như chẳng nhà nào làm ruộng, mà tất cả vẫn đang ngày ngày giữ lửa cho lò gốm của quê mình rực cháy. Mỗi một người con của làng sinh ra như tự bản thân đã mang “máu” nghề. Chỉ cần nhìn người lớn làm rồi học theo, không mấy chốc nhiều em nhỏ đã có tay nghề giỏi. Ông Tiến nói: “Cái nghề này có từ thời xa xưa nhưng đến nay cả làng đều vẫn “say” nghề lắm, chẳng ai chịu để cho nghề mai một đâu”.

Nhìn hình ảnh những thanh niên, nam nữ, cả người cao tuổi  đang hì hục bên bàn xoay nhào đất, nặn đồ, bê gốm vào lò, đi phơi… một cách say sưa, chúng tôi cảm thấy tình yêu lao động và yêu nghiệp tổ tiên của người làng Quyết Thành thật tuyệt vời.


Người làm nghề khiêng gốm ra phơi

Ông Tiến bật mí thêm: “Hàng năm Hợp tác xã tổ chức hai lớp học, mỗi khoá ba tháng để truyền nghề. Mọi người theo học rất đông, có cả người ở nơi khác nhưng dân làng tôi lúc nào học cũng nhanh biết làm hơn cả”. Cách tổ chức làng nghề của Hợp tác xã cũng rất hay. Họ đầu tư xây xưởng nhưng lại khoán cho một người quản lí. Người đó có trách nhiệm thuê thợ vào làm để phát triển cơ sở. Nếu có hợp đồng thì cả làng cùng làm chứ chẳng riêng mình ai.

Như vậy tất cả đều có việc không lo xảy ra tình trạng người thì làm không hết, kẻ khác lại ngồi chơi thất nghiệp. Vì thế, dân trong làng ai cũng đều rất mặn mà, tha thiết với nghề.  

Thương hiệu đã bay xa

Theo nghệ  nhân Tiến thì gốm Quyết Thành được làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Người làm nghề đào đất từ ngoài đồng mang về nhà rồi trộn nước vào sau đó xới đi, xới lại cho đất thật tơi. Kế tiếp dùng máy nhào bùn làm đất để cho nó có độ dẻo rồi đưa lên bàn quay tròn, lúc này sẽ có một người đạp, một người lấy tay kéo. Sau đó trên bàn xoay, với đôi tay điêu luyện khéo léo của người làng nghề, những sản phẩm gốm sẽ bắt đầu thành hình hài. Sau đó gốm bắt đầu được chuyển vào lò nung.

Sản phẩm phải nung đúng 15 ngày trong lò mới được bỏ ra. Đặc biệt trog quá trình nung, người làm nghề phải theo dõi để điều chỉnh nhiệt độ cho phù hợp với từng giai đoạn. Ví dụ: khi độ nóng đã đủ thì người ta phải mở lò cho nguội, nguội rồi lại đóng, cứ như thế cho đến ngày gốm ra lò.

Làng gốm nơi đây phân lao động ra thành những nhóm người chuyên trách ở các công đoạn. Có những người chuyên đào đất, người lại chuyên nhào bùn, rồi người chuyên quay, chuyên tạo mẫu, chuyên vẽ hình trang trí… Đầu ra của gốm Quyết Thành chính là từ những doanh nghiệp, ông chủ ở các nơi tự tìm đến đặt hàng. Sau khi có mối, làng thường uỷ thác cho một người có uy tín và trách nhiệm đứng ra kí hợp đồng với khách hàng.

Hiện nay sản phẩm gốm Quyết Thành được chia làm ba loại.

Loại thứ nhất là gốm dân dụng hay còn gọi là hàng sành gồm: chum, vại, tiểu, dần giã cua, máng lợn…

Loại thứ  hai là gốm mỹ nghệ trang trí hoặc là đồ sinh hoạt trong nhà như: ấm trà, chén, đĩa…

Loại thứ  ba cũng thuộc hàng đắt tiền nhất là gốm đất đỏ, nhiệt độ nung thấp, thường làm để xuất sang thị trường Á-Âu. Riêng dòng sản phẩm này người làm nghề phải làm theo mẫu mã mà phía khách hàng yêu cầu. Chỉ cần có mẫu vẻ trong tay, rồi những nghệ nhân gốm trong làng sẽ khắc những hình thù theo yêu cầu. Như vậy, người làm nghề gốm Quyết Thành ở công đoạn trang trí thực sự đã trở thành những nghệ sĩ tài hoa thổi hồn vào đất

Hàng thông thường vẫn bán trên thị trường Việt Nam, giá thành khá cao, có những cái Chum đựng rượu lên tới 2 triệu..

Hàng gốm cũng như bao thứ hàng hoá khác trên thị trường, đều phụ thuộc vào sự biến động của nền kinh tế. Theo như tìm hiểu của chúng tôi, bình quân thu nhập của mỗi người dân làm gốm ở Quyết Thành vào khoảng 1,2 triệu/ tháng. Mặc dù nên kinh tế đang trải qua khủng hoảng, nhưng khi chúng tôi hỏi ý kiến một số người đang làm nghề trong làng thì đều nhận được câu trả lời, rằng chẳng có ai ở làng có ý định bỏ nghề gốm truyền thống của quê hương.

Qua đó, chúng tôi đã thực sự hiểu chính tình yêu nghề mãnh liệt của con người nơi đây, cùng cách phân công lao động, phương pháp quản lý nhân lực, kinh doanh…một cách khoa học là những lí do đưa gốm Quyết Thành vượt qua bao sóng gió để ánh lửa trong những lò nung chưa bao giờ bị tắt.

 Hoa Thái

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự