Văn hóa quảng cáo góp phần tôn vinh hàng Việt

08:01 24/11/2009

 (Bài dự thi) - Quảng cáo- tiếp thị sản phẩm hàng hoá là một hoạt động tất yếu của sản xuất kinh doanh trong cơ chế thị trường. Mục đích của quảng cao là giới thiệu sản phẩm, tạo sự chú ý đặc biệt của khách hàng vào chất lượng, mẫu mã, công dụng và giá cả, làm cho người tiêu dùng tin tưởng mua sắm sản phẩm đó.

Ở nước ta tuy nền kinh tế thị trường mới hình thành và phát triển hơn 20 năm, nhưng thị trường quảng cáo đã phát triển vượt bậc với hơn 1.000 công ty kinh doanh quảng cáo ra đời, cùng với hàng chục hãng quảng cáo của nước ngoài cạnh tranh quyết liệt với nhiều hình thức, quảng cáo trên truyền hình, trên báo viết, báo nói, trên mạng intenets, trên thân ô tô, tàu hoả, xe buýt, áp pic ngoài trời, tổ chức hội chợ, tài trợ thể thao, tài trợ từ thiện...Có thể nói, tổ chức kinh doanh quảng cáo đang trở thành một ngành công nghiệp béo bỡ đối với nền kinh tế đang phát triển như nước ta.

Đây là một tín hiệu đáng mừng của nền kinh tế đất nước, bởi có quảng cáo mới có nhiều thông tin để khách hàng lựa chọn, tăng được sức mua, kích thích sản xuất kinh doanh phát triển.

Tuy nhiên, sự nở rộ của các loại hình quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua cũng nẩy sinh không ít vấn đề bất cập, gây khó chịu thường xuyên đối với người tiêu dùng. Đó là tình trạng quảng cáo dai, quảng cáo dài, quảng cáo không đúng với sự thật, ý tưởng trùng lặp, hình ảnh phản cảm, thậm chí nhiều hình ảnh quảng cáo rất phản văn hoá, không phù hợp với đạo lý truyền thống văn hoá của con người Việt nam.

Có lẽ, người tiêu dùng nước ta đã không ít người “bội thực” với những cụm từ “chất lượng hảo hạng”, “siêu hạng”, “siêu bền”, “siêu mỏng”, “tốt nhất thế giới”, “ngon nhất thế giới”, “đặc trị bách bệnh”...trong các thước phim quảng cáo hiện nay. Sản phẩm nào cũng được khẳng định là tốt nhất, ngon nhất, đẹp nhất, siêu nhất rồi, thì người tiêu dùng cần gì đến thông tin quảng cáo. Chính từ những sự xảo ngôn phóng đại sáo rỗng của các nhà làm quảng cáo, tạo cho người tiêu dùng cảm giác hoài nghi không mấy tin tưởng vào chất lượng của sản phẩm, thậm chí xa lánh loại sản phẩm đó, do ấn tượng khó chịu mà quảng cáo mang lại.

Ngôn ngữ quảng cáo thì “ một tấc lên trời” như thế, còn hình ảnh quảng cáo thì sao? Nhờ kỷ xảo Điện ảnh, rất nhiều thước phim quảng cáo đã được dàn dựng công phu, nhưng hiệu quả lại không đạt được như mong muốn. Bởi sự chắp vá lạm dụng các hình ảnh bạo lực, hành động khiếm nhã rất phản cảm, không chuyển tải được nội dung cần quảng cáo, làm cho người xem bực mình thất vọng. Có người cầm tờ báo lên thấy hình ảnh ấy là gấp báo không đọc, mở ti vi thấy đoạn phim quảng cáo ấy là tắt ngay không xem.

Đơn cử, như thước phim quảng cáo một loại bột giặt, nhà quảng cáo đã xây dựng cảnh hai chàng trai phải phi thân đá, đấm vào nhau trên toa tàu làm một người phải rơi xuống vũng bùn, rồi buộc anh ta vào đuôi ngựa kéo lê qua nhiều vùng bùn khác, quần áo lấm lem và chỉ có loại xà phòng của hãng ấy mới giặt sạch. Thật là phản văn hoá, không thể chấp nhận được, nó đi ngược lại thuần phong mỹ tục của người Việt Nam “thương người như thể thương thân”. Tương tự như vậy, quảng cáo cho một loại mì ăn liền, mà một nghệ sỹ phải hoá thân thành kiếm khách tả xung, hữu đột dao kiếm tung trời để tiêu diệt cho được hai kiếm khách khác, rồi mới đến ăn tô mỳ một cách ngon lành...

Hay như, quảng cáo cho một loại điện thoại di động siêu mỏng, cô gái và chàng trai dùng điện thoại xông vào đánh nhau áo quần đứt từng mảng rơi lả chả,  sắc hơn dao... Quảng cáo cho một loại đồng hồ không bị thấm nước, nhà quảng cáo đã cho cô gái và chàng trai đứng bên bờ vực và chàng trai đã cố tình đẩy cô gái mang theo chiếc đồng hồ rơi xuống vực nước, sau khi vớt lên đồng hồ vẫn chạy tốt...thật là bất nhẫn khi xem nhưng pha quảng cáo như thế, người Việt ta thương có câu “của cho không bằng cách cho”, phương cách quảng cáo nghèo văn hoá đã phá vỡ ý tưởng quảng cáo giới thiệu sản phẩm ban đầu. Có thể nói những đoạn phim quảng cáo tương tự như thế kể ra rất nhiều, rất ấn tượng, nhưng là những ấn tượng hụt hẫng, thất vọng. Quảng cáo không chỉ đơn thuần là những thông tin cứng nhắc về sản phẩm, mà còn là nghệ thuật thu hút sự tập trung chú ý của người tiêu dùng, thông qua các slogan ngắn gọn khái quát mà đầy đủ, hình ảnh, hành động ấn tượng mà nhân bản, phù hợp với tâm lý truyền thống, mỹ tục tập quán của mọi người. Sự lạm dụng một cách thái quá các cách nói xảo ngôn, hình ảnh bạo lực, hành động khiếm nhã...đang làm cho người tiêu dùng xa lánh các chương trình quảng cáo, thậm chí bực bội ghét lây đến các sản phẩm được đưa ra quảng cáo.

Quảng cáo là một phần quan trọng của quản trị doanh nghiệp, nhưng lại là một dịch vụ văn hoá thương mại mang tính cộng đồng cao. Những hạt sạn nổi cộm của không ít pha quảng cáo hiện nay có lẽ bắt nguồn từ việc quảng cáo thuần tuý, bắt chước nước ngoài, chạy theo lợi nhuận trước mắt, mà xem nhẹ vai trò văn hoá trong hoạt động thương mại. Đã đến lúc chúng ta cần xem xét nghiêm túc về vấn đề này, để có một chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu cho ngành công nghiệp quảng cáo, vừa có năng lực chuyên môn, vừa có độ tinh nhạy văn hoá cần thiết trong thế giới hội nhập. Hàng hoá Việt Nam ngày càng vươn xa ra thị trường khu vực và thế giới, quảng cáo tiếp thị phải luôn đi trước một bước đến rất nhiều vùng, miền dân tộc khác nhau, có nền văn hoá khác nhau, nếu không nắm bắt thẩm thấu được những nét văn hoá đặc trưng sơ đẳng, cũng như tập quán thương mại của họ, thì nguy cơ quảng cáo trở thành rào cản đầu tiên cho hàng hoá xâm nhập thị trường.

Quảng cáo và văn hoá quảng cáo là hai mặt song hành của một vấn đề, những nhà tổ chức các chương trình quảng cáo không đơn thuần là nhà kinh doanh, mà phải thực sự là nhà văn hoá. Có như vậy, hiệu quả quảng cáo mới thiết thực, thu hút người tiêu dùng, đem lại lợi ích cho nhà sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng và góp phần bảo vệ thuần phong mỹ tục của dân tộc.

                                                                     Ngô Minh Thuyên

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự