Hàng Việt có yêu người Việt?

10:57 21/11/2009

(Bài dự thi) - Dạo này đi đâu tôi cũng nghe người ta nói với nhau " người Việt yêu hàng Viêt - dùng hàng Việt là yêu nước" nhưng tôi lại muốn hỏi: Hàng Việt có yêu người Việt không?

Tôi là một người Việt bình dân như bao người Việt khác nên tôi nghĩ, Khi để lòng yêu một ai đó, ta cũng phải thầm hỏi xem, liệu người ấy có yêu ta không? Câu hỏi nghe đơn giản, nhưng đã có mấy ai hiểu được thấu đáo điều đơn giản ấy? Hay khi phải đối diện với những con số, nhiều nhà doanh nghiệp sẽ lại tính toán làm sao để lợi nhuận nghiêng về phía mình? Vẫn biết rằng, kinh doanh là phải có lãi, nhưng có được mấy người biết dừng lại với một khoản lợi nhuận phù hợp? Có được mấy người biết từ chối khi tiền đã đầy túi? Tôi vẫn nghe các nhà doanh nghiệp nói:" thương trường là chiến trường" Nhưng liệu có bao nhiêu người hiểu, cuộc chiến nào cũng chống lại cái ác, mà cái ác chẳng ở đâu xa, đôi khi nó ở ngay trong tâm của mình, ở ngay trong chất lượng , giá bán cúa sản phẩm mà các nhà doanh nghiệp đã tung ra thị trường đến với người tiêu dùng. Nói theo cách văn chương, tôi vẫn thấy người ta thể hiện bằng một cụm từ hoa mỹ " Đạo đức của nhà doanh nghiệp".

Tôi nhớ ngày tôi còn nhỏ, nhà tôi ở một xóm lao động, mẹ tôi có một cái quán bán bún riêu nho nhỏ. Hằng ngày, mẹ dậy thật sớm để nấu nồi riêu cho kịp bán buổi sáng. Mẹ chăm chút tỉ mỉ từ khâu ngâm cua cho sạch bùn, rồi giã cua, lược lấy nước loại bỏ hết tạp chất...Công đoạn nào mẹ cũng làm rất cẩn thận. Có hôm tôi đang giúp mẹ nhặt rau sống ngâm nước muối tiệt trùng thì lũ bạn đến rủ đi chơi, ham vui, tôi làm qua loa rồi đứng dậy. Mẹ trông thấy mắng:
 
- Phải làm cho tử tế con ạ! Bà con mình ăn chứ ai đâu xa, nhỡ họ đau bụng thì mình mang tội, đồng tiền đi liền khúc ruột, phải làm sao để khách ăn xong vui vẻ trả tiền, mình cũng không hổ thẹn khi cầm đồng tiền của họ...

 Có lẽ vì cái tâm trong sáng của  mẹ tôi, mà quán bún riêu lúc nào cũng đông khách.

Tôi nhớ cách đâu không lâu, trong chuyên mục chuyện đời tự kể của báo Tuổi Trẻ, có đưa tin một người phụ nữ bán đậu hũ đã quyết bỏ nghề, khi phát hiện món hàng của mình không phù hợp với sức khỏe của người tiêu dùng, mặc dù cuộc sống của cả gia đình chị chỉ trông chờ vào gánh đậu hũ. Thử hỏi có bao nhiêu nhà doanh nghiệp có tấm lòng như người phụ nữ nghèo khổ nọ?Hay chỉ cần bước vào một gian hàng là đã thấy, nhan nhản những thương hiệu lập lòe nửa tây, nửa tàu để bịp người tiêu dùng, có thương hiệu còn tung tiền ra mua giải thưởng hòng đánh bóng tên tuổi để người tiêu dùng không phân biệt được đâu thật đâu giả. Có người mua, ắt phải có người bán. Phải chăng người tiêu dùng đang bị bao vây bởi những trò lừa đảo?

Người Việt có câu " một con sâu làm rầu nồi canh". Diệt con sâu thì nồi canh cũng phải mang đi đổ, thị trường hàng Việt  cũng vậy. Đã có bao nhiêu con sâu làm lũng đoạn thị trường hàng Việt ? Có bao nhiêu nhà sản xuất đã lừa dối, giả mạo, phản bội lại lòng tin của người tiêu dùng? Giá như, họ biết người tiêu dùng cũng đã đau khổ thế nào khi bị lừa dối, phản bội. 

Đó là nỗi đau  làm bà mẹ trẻ đứt từng đoạn ruột khi biết, bấy lâu nay mình  đã cho đứa  con  yêu quý uống một loại sữa dỏm. Đó là nỗi hoảng loạn muốn tìm đến cái chết của những cô gái, đã dùng phải thứ mỹ phẩm giả mạo hủy hoại nhan sắc. Đó cũng là tiếng khóc nghẹn ngào của những người con  khi phát hiện ra mình đã  vô tình mang về những hộp thuốc bổ quá hạn sử dụng để báo hiếu cho cha mẹ...Nỗi đau của những người tiêu dùng bị lừa dối, phản bội đôi khi đã phải trả bằng máu, bằng nước mắt , bằng cả sự thiệt thòi từ vật chất cho đến tinh thần mà đôi khi không có gì bù đắp nổi.


Tôi thích nhất  câu danh ngôn phương Tây " Mất tiền là không mất, mất danh dự vẫn có thể khôi phục lại được nhưng mất niềm tin là mất tất cả" . Lòng tin của người tiêu dùng Việt Nam đối với hàng Việt Nam đã bị tổn thương khá nhiều nhưng  với lòng yêu nước, với bản chất khoan dung nhân hậu, họ đã sẵn sàng cũng cố lại niềm tin để vực dậy thị trường hàng Việt Nam, vực dậy cuộc sống cho những người lao động còn vất vả vì chén cơm manh áo. Có lẽ đã đến lúc, các nhà doanh nghiệp chân chính phải lên tiếng vận động nhau :" Hàng Viêt yêu người Việt là yêu nước" Có người Việt nào lại không muốn làm người yêu nước? Các nhà sản xuất cũng nên lấy tiêu chí yêu nước để vươn lên. Phải chăng đó cũng là bí quyết mà xà bông Cô Ba của nhà doanh nghiệp Trương Văn Bền đã sống trong lòng người tiêu dùng Việt Nam gần một thế kỷ? Phải chăng, đó mới chính là phần thưởng cao quý nhất giành cho một nhà doanh nghiệp chân chính.

Minh Thủy

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự