Đèn lồng Hội An

02:46 21/11/2009

(Bài dự thi) - Tôi may mắn đã  được đôi ba lần đến Hội An, khi thì đi theo chương trình hội chợ xuân, lễ hội Quảng Nam - hành trình di sản... khi thì làm hướng dẫn viên du lịch bất đắc dĩ cho bạn đồng nghiệp từ Tây Nguyên xuống, từ Hà Nội vào và mới đây nhất là được tham gia lễ hội đèn lồng được tổ chức hoành tráng bên bờ Sông Hoài. Nhưng quả thật lần nào Hội an cũng để lại trong tôi những cảm giác mới lạ, hấp dẫn đầy ấn tượng. Một trong những ấn tượng khó phai ấy là đèn lồng và văn hoá đèn lồng ở Hội An.


Đèn lồng đã thực sự trở thành một "đặc sản" văn hoá của cư dân Phố Hội, tạo nên sự hấp dẫn quyến rủ đối với du khách thập phương mỗi khi đến Hội An. Đặc biệt, dạo quanh phố cổ về đêm, men theo bờ sông Hoài thơ mộng trong ánh đèn lồng lung linh huyền ảo với đủ màu sắc, du khách như lạc vào miền cổ tích. Đèn lồng hầu như có mặt khắp nơi ở Hội An, từ các di tích văn hoá lịch sử như, Chùa Cầu, Chùa Ông, các Hội quán Phúc Kiến, Triều Châu, Quảng Đông, các tiệm cao lầu có hàng trăm năm tuổi...đến các nhà hàng, khách sạn, quán cóc dân dã hè phố.

Cho đến bây giờ, vẫn còn rất nhiều giả thiết khác nhau về nguồn gốc đèn lồng ở Hội An, nhưng theo các cụ cao tuổi ở khu phố cổ, thì đèn lồng đã có mặt trên đất Hội An từ hơn 4 thế kỷ trước, theo chân của những người dân Trung Quốc, mà phần đông thuộc các dòng họ Châu, Thái, La...từ Triều Châu, Phúc Kiến, Quảng Đông, di dân lánh nạn nhà Thanh đến lập nghiệp ở thương cảng Hội An. Trong hành trang xa xứ, họ mang theo những chiếc đèn lồng, treo lên suốt ngày đêm trước cửa cho đỡ nhớ quê nhà. Lâu dần thành tập quán phát sinh lan ra cả vùng cư dân trở thành một nét đẹp văn hoá được duy trì phát triển đến ngày nay.

Hiện nay, việc sản xuất đèn lồng không chỉ đáp ứng cho nhu cầu làm sang, làm đẹp trong nhà, ngoài phố, phục vụ cho đình đám, lễ, tết...Mà còn được sản xuất với số lượng lớn phục vụ cho khách du lịch làm quà lưu niệm như là đặc sản văn hoá chuyên biệt của Đất và Người Hội An. Doanh thu từ sản xuất kinh doanh đèn lồng mỗi năm đem lại cho người dân Hội An từ 7 - 10 tỷ đồng. Vì thế, ở Hội An hầu như người người làm đèn lồng, nhà nhà làm đèn lồng, bỡi nghề này cũng không mấy nặng nhọc, tận dụng được lao động nhàn rỗi người già, con trẻ đều có thể tham gia sản xuất. Vốn đầu tư lại không lớn nhưng hiệu quả kinh tế cao, chỉ cần sự cần mẫn, khéo léo thì mỗi người, mỗi ngày cũng cho ra thị trường 5-7 chiếc đèn lồng.

Vài năm trở lại đây, đèn lồng Hội An đã được các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đặt hàng với số lượng lớn, nên nghề làm đèn lồng như thăng hoa với hàng chục sơ sở sản xuất, hàng trăm cửa hàng giới thiệu sản phẩm ra đời làm nên một thị trường sản xuất kinh doanh đèn lồng sôi động, không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu trực tiếp vào Mỹ, Nhật, Singapo…

Đèn lồng Hội An ngày nay, không chỉ phô diễn màu sắc, hình dáng, kích cỡ...mà còn được thêu ren tinh xảo gắn biểu tượng các di tích văn hoá, lịch sử ở Hội An, Mỹ Sơn, Huế...Hay thêu thư pháp các chữ Song hỷ, Phúc, lộc, Thọ, Nhân, Tâm... nhiều cơ sở còn thực hiện làm đèn lồng theo mẫu mã và đăth biểu tượng theo nhu cầu tại chổ của du khách. Giá cả các loại đèn lồng cũng rất mềm, loại nhỏ thì 15-20.000, loại vừa 40-50.000, loại lớn thì từ 120-150.000 đồng/chiếc, còn muốn đặt hàng làm theo nhu cầu thì có giá cao hơn có khi lên đến 200-300 USD/chiếc. Du khách nước ngoài đến Hội An hầu như ai cũng mua vai ba chiếc đèn lồng mang về treo làm kỷ niệm. Hội An mỗi năm đón gần 1,5 triệu du khách trong và ngoài nước thì thu nhập từ nghề làm đèn lồng đã đem về cho người dân phố cổ một nguồn thu không nhỏ trong công cuộc xoá đói giảm nghèo.


Hiện nay các ngành chức năng ở Hội An đã hoàn tất việc đăng ký thương hiệu cho đèn lồng Hội An như một đặc sản văn hoá chuyên biệt của mình. Chính từ chổ biết khai thác nét văn hoá chuyên biệt này, mà Hội An đã làm nên một Thương hiệu du lịch nổi tiếng "Đêm rằm phố cổ" làm say lòng du khách gần xa. Trong đó đèn lồng đóng vai trò làm nền chính cho khung cảnh lung linh huyền ảo của phố cổ về đêm.

Từ  chổ chỉ là vật dụng trang trí trong nhà, ngoài phố trong các dịp lễ, tết...qua hàng trăm năm tồn tại và phát triển, đèn lồng đã trở thành sản phẩm văn hoá tâm linh, một thương hiệu hàng hoá không chỉ làm sang, làm đẹp cho phố cổ, mà còn giúp cho hàng trăm hộ gia đình khá giả lên nhờ nghề làm đèn lồng.

Ngày nay, nghề làm đèn lồng không chỉ thực hiện tại Hội An, mà người Hội An đã ra Huế, vào TP Hồ Chí Minh mở cơ sở sản xuất đèn lồng và đèn lồng đã trở thành một thương hiệu uy tín, một nét văn hoá đặc sắc của người Hội An. Chính vì thế nói đến đèn lồng là người ta nhắc ngay đến Hội An và nhắc đến Hội An là mọi người lại nhớ đến đặc sản văn hóa đèn lồng.

Ngô Minh Thuyên

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự