Thanh Tiên - Đặc sắc làng hoa Tết

02:37 21/11/2009

(Bài dự thi) - Năm nào cũng vậy, cứ mỗi độ xuân về tết đến, là  người ta lại thấy trên đường phố Huế, các chợ hoa Huế bày bán một loại hoa giấy rực rỡ  sắc màu, dân dã mà sang trọng, đó là hoa giấy của làng hoa Thanh Tiên. Cùng với tranh thờ làng Sình, hoa giấy Thanh Tiên bao đời nay được coi là hoa thờ ngày tết ở Huế, mỗi năm chỉ thay một lần, nên được vinh danh là loài hoa không tàn, làng Thanh Tiên được coi là làng hoa không tàn.

Mặc dù hiện nay trên thị trường có nhiều loại hoa tươi, hoa nhựa...rất phong phú về màu sắc chủng loại, nhưng trên bàn thờ của hầu hết các gia đình ở Huế không bao giờ thiếu cành hoa giấy Thanh Tiên. Hoa giấy là sản phẩm của làng nghề truyền thống Thanh Tiên, thuộc xã Phú Mậu, cách trung tâm thành phố Huế chừng 5 km về phía hạ lưu Sông Hương, đối diện với phố cổ Bao Vinh. Tôi đã đôi ba lần đến với Thanh Tiên để tìm hiểu về nghề làm hoa “độc nhất vô nhị” này của vùng đất  Cố Đô.

Nhưng có lẽ ấn tượng nhất về hoa giấy Thanh Tiên là trong dịp Festival Huế năm 2006 và 2008 khi Họa sỹ Thân Văn Huy, một người con của làng hoa Thanh Tiên, đã đưa hoa giấy của làng mình vào nghệ thuật sắp đặt ngay tại khu vườn của gia đình anh, tạo nên một rừng hoa đặc sắc làm say lòng du khách khi đến Thanh Tiên. Theo các cụ cao tuổi của Làng, thì nghề làm hoa giấy ở Thanh Tiên có từ 300 - 400 năm trước, xuất phát từ nhu cầu nghi lễ làm sang, làm đẹp trong việc thờ cúng gia tiên, tế lễ đình chùa, thờ phụng ngày tết mà nghề trồng hoa tươi trên vùng đất khắc nghiệt Phú Xuân - Huế không đáp ứng được. Nên từ bao đời nay hoa giấy Thanh Tiên được coi như hoa thờ ngày tết, trở thành một nét văn hóa tâm linh trong đời sống của người dân Cố Đô.

Nghề  làm hoa giấy ở Thanh Tiên công phu tỷ mỷ  không kém gì trồng, chăm sóc hoa tươi. Nguyên liệu để làm hoa phải chuẩn bị từ mấy tháng mùa khô nắng ấm, như chẻ tre, vót nan làm thân, làm cành...xoi ruột cây sắn làm đài, làm nụ...giấy làm lá làm hoa...Tất cả đều được nhuộm màu phơi khô cất kỹ không được để ẩm mốc, mối mọt làm nhạt màu. Sang đông mưa dầm Xứ Huế cũng là lúc nhà nhà ở Thanh Tiên đưa nguyên liệu ra làm hoa chuẩn bị bán tết. Đồ nghề làm hoa ở Thanh Tiên không phải là những chiếc kéo cắt giấy như tôi tuởng, mà chuyên nghiệp hơn nhiều, đó là những chiếc đục sắt như kiểu thợ mộc, với đủ loại khuôn hình khác nhau như,khuôn đài hoa, búp hoa, cánh hoa, lá hoa của rất nhiều loại hoa khác nhau...mai, lan, cúc, hồng, đồng tiền...

Muốn làm loại hoa nào , người thợ chỉ việc xếp chồng giấy và chắn đục cho ra hàng loạt sản phẩm theo ý mình. Tiếp đến là công đoạn chún, bấm, xoắn các loại hình cánh hoa sao cho đúng kiểu, đúng màu. Công đoạn làm cho cánh hoa có nếp nhăn ly ty chẳng khắc gì cánh hoa thật, đây là công đoạn khó nhất đòi hỏi sự tỷ mẩn khéo léo và con mắt tinh tế của người thợ. Cuối cùng là gắn kết hoa thành cành, thường mỗi cành hoa Thanh tiên dù loại nào cũng kết từ 9 - 10 bông theo quan niệm con số “hên” của người Huế. Các cành hoa sau khi được kết xong được cắm thành một “cây  hoa” từ 300 - 500 cành hoa để dể dàng vận chuyển trên các loại phương tiện ra với thị trường.

Mỗi cái tết gia đình nào ít của Thanh Tiên cũng kết được 7 - 10 cây hoa, gia đình có nhân lực và nguyên liệu dồi dào thì kết từ 30 - 50 cây bông. Bắt đầu vào tháng 12 âm lịch là hoa giấy Thanh Tiên được đưa ra thị trường, cả làng như một rừng hoa kheo sắc. Từ Thanh Tiên, hoa giấy theo đường sông, đường bộ đến với mọi nẻo phố phường Xứ Huế và vùng phụ cận. Ngày nay vận chuyển thuận lợi hơn ra cả vùng Quảng Bình, Quảng Trị vào tận Đà Nẵng, Quảng Nam...Đến Huế trong những ngày cuối năm này ta dể dàng nhận ra người làng Thanh Tiên thấp thoáng sau những cây hoa lừng lững, như chở cả vườn hoa rực rỡ sắc màu bán dạo dọc hè phố, bến xe, bến tàu... như báo với mọi người tế đang đến rất gần. Còn ở Làng Thanh Tiên từ mờ sáng đã nhộn nhịp những dòng hoa rồng rắn nối nhau ra phố như ngày hội hoa. Một cành hoa giấy Thanh tiên hiện nay chỉ bán với giá 2000- 3000 đồng, nhưng một mùa hoa tết cũng đem lại cho làng hoa nguồn thu vài tỷ đồng từ nghề truyền thống này. Ngày nay nghề làm hoa giấy còn được mở rộng sang cả các làng Tiên nộn, Mậu Tài... bên cạnh, do nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn của nhiều lễ hội văn hóa du lịch được mở rộng, làng hoa Thanh Tiên bây giờ không chỉ làm hoa cho ngày tết, mà còn sản xuất thường xuyên hơn để phục vụ cho các kỳ Festival Huế định kỳ tổ chức 2 năm một lần. Chíng vì vậy nghề làm hoa giấy Thanh Tiên càng có cơ hội để kheo sắc, để tự hào với nghề truyền thống làm sang làm đẹp cho đời của mình, xứng đáng với niềm vinh danh là làng hoa không tàn.

Quả  thật, Làng hoa giấy Thanh Tiên đã đồng hành cùng bao mùa xuân Xứ Huế, không chỉ đem lại cho mọi nhà màu sắc rực rỡ mà sang trọng mang nét tâm linh trên bàn thờ gia tiên trong những ngày tết, mà còn là nét văn hóa đặc sắc của một làng nghề truyền thống trên vùng đất Cố Đô. Đón tết năm nay, không chỉ trên địa bàn TT-Huế, mà còn nhiều địa phương của Miền Trung vừa đi qua những cơn lũ dữ. Các làng hoa tươi có nguy cơ không kịp phục hồi để phục vụ nhu cầu ngày tết, thì hoa giấy Thanh Tiên như là một phần bù đắp cho mọi người sắc màu rực rỡ của mùa xuân. Về Thanh Tiên trong những ngày cuối năm này, tôi như lạc vào thế giới của sắc màu lá và hoa...Mùa xuân như đến sớm hơn nơi làng hoa Thanh Tiên.

Ngô Minh Thuyên

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự