Cha tôi là ngư dân

09:02 17/11/2009

(Bài dự thi) - Bờ biển như một vòng cung xanh thẳm ôm trọn những xóm làng cao vút bóng dừa. Những mái nhà tranh xơ xác tựa lưng vào nhau cạnh con đê đất nhỏ. Về chiều, biển như một tấm lụa xanh mỏng chỗ thắt vào chỗ nở ra thân eo các làng chài. Làng quê tôi ở đó. Một miền quê nghèo làm nghề chài lưới thuộc vùng biển duyên hải Bắc Trung Bộ. Cha tôi là ngư dân, ông nội tôi là ngư dân, cố nội tôi là ngư dân và bao đời trước nữa cũng thế, những người con sinh ra từ biển và chết cũng về với biển.

Cha tôi là mẫu người điển hình của ngư dân. Thân hình ông săn chắc, lực lưỡng, khỏe mạnh. Làn da màu nâu đất ánh lên thứ nắng cháy của biển một đời người. Đôi bàn tay gân guốc, thô tháp, dài khuyềnh khoàng do kéo lưới và chèo thuyền. Đôi mắt nhỏ tí luôn nheo lại vì một người thuyền trưởng luôn phải đứng trên mũi thuyền nhìn ra xa quan sát các luồng cá, các bãi cá, ngư trường và dấu hiệu thời tiết.

Giọng cha ầm ào như tiếng sóng, tiếng gió. Người cha luôn có một thứ mùi vị quen thuộc. Vị mặn mòi của biển cả, mùi hăng hăng của hắc ín, mùi tanh của cá…Từ nhỏ tôi đã quen với những thứ mùi quen thuộc đó. Hàng ngày mỗi khi đi ngủ vẫn thường rúc vào nách cha. Làng chài quê tôi nghèo lắm, nghèo như bao nhiêu làng chài khác. Gia tài của một gia đình ngư dân là con thuyền và cái đài pin đi biển. Gia tài của tôi và mẹ là cha tôi.


Hàng ngày, tầm hai ba giờ sáng cha đã phải thức dậy lục tục sửa soạn chài lưới đi biển. Cha là thuyền trưởng một con thuyền nhỏ trong làng. Tất thảy cả thuyền trưởng và thuyền viên là chín người. Nào xăng dầu, gạo, củi lửa, nước ngọt, chài lưới, đá lạnh…được dự trữ trong mười ngày phòng trường hợp bất trắc. Mẹ tiễn cha cùng các ngư dân ra bến thuyền rồi về. Bóng tối vẫn vỗ về giấc ngủ vạn vật nhưng cha và con thuyền đã lướt sóng ra khơi.

Mấy năm trở lại đây do nạn đánh bắt gần bờ nhiều với mọi hình thức làm cho nguồn hải sản khánh kiệt. Kích điện, dùng hóa chất, kể cả mìn, chất nổ làm cho cá lớn, cá bé có nguy cơ tuyệt diệt nên cha cùng mọi người phải đánh xa bờ mong gặp được luồng cá. Các ngư trường ở ngoài khơi xa.

Thông thường một chuyến đi biển của cha kéo dài từ ba đến năm ngày. Có chuyến đến hàng tuần, tùy theo thời tiết và tùy thuộc vào khoang cá đầy hay vơi. Bến vào hôm thuyền về tấp nập, náo nhiệt như chợ phiên. Mà đúng là chợ phiên thật: Phiên chợ cá với những sọt cá gồng quang gánh, oằn lưng người ngư phủ từ khoang thuyền xuống bến.

Những con cá đối trắng như những thỏi bạc, cá  nục xanh biếc lưng vằn lên màu ngọc bích, cá thu ánh vàng, cá thờn bơn bèn bẹt, cá nóc cơm bụng phồng trắng như quả bóng bàn, cá lệch dài ngoằng như con rắn, cá chỉ vàng, cá cơm, cá trích…Biết bao nhiêu loài cá đều toát lên một vị đặc trưng mặn mòi của biển cả. Đuôi cá quẫy tung bọt nước lân tinh óng ánh. Đôi mắt vui tươi của ngư dân được mùa cá cũng giống như đôi mắt rạng rỡ của người nông dân được mùa gặt.

Những chiếc xe tải loại nhỏ có mui, xe đông lạnh, xe minkhơ, xe đạp thồ của các tay buôn lẻ chở cá đi phân phối khắp nơi. Từ bến thuyền, những con cá tươi ngon được đưa đi khắp mọi miền đất nước, đưa vào các công ty chế biến thành đồ hộp, kể cả xuất khẩu ra nước ngoài. Cá tươi tại bến không hóa chất bảo quản, không tẩm ướp chất độc hại, từ lâu đã trở thành thương hiệu độc quyền của hải sản Việt Nam, là niềm tự hào của những người ngư dân Việt yêu biển, yêu nghề.

Sau một chuyến đi biển dài ngày như thế cha tôi mang theo vị biển về nhà. Nghỉ được vài hôm cho hai mẹ con bớt nhớ, cha lại đi. Với cha, biển cả là nhà, thuyền là giường, đất liền là quê hương.

Mặc dầu nghề đi biển vất vả là vậy nhưng thu nhập rất bấp bênh, trông vào thời tiết, mùa vụ. Thêm khoản xăng dầu, củi đuốc đắt đỏ, trừ chi phí đi, tính ra lãi thì người ngư dân cũng chẳng được là bao. Với lại tư thương thường ép giá cá tại bến một cách rẻ mạt nên đời sống của đại đa số ngư dân còn nghèo. Thiết nghĩ, nếu có công ty Nhà nước đứng ra thu mua tất cả số cá đánh bắt được của ngư dân với giá cả phải chăng thì đời sống của họ sẽ đỡ vất vả hơn nhiều.

Bao đời người ngư dân làng chài sinh ra từ biển và khi chết đi cũng lặng lẽ về với biển. Họ không có nghề khác, ruộng đất thì ít. Cha tôi là ngư dân. Mẹ tôi ở nhà chỉ có nghề buôn đồng nát. Ông nội và cố nội tôi mất trong một trận lốc biển không tìm được xác. Và rồi sau đó, cơn bão số Năm năm 1997 đã cướp mất người cha thân yêu của tôi cùng hơn ba mươi người ngư dân làng Chài . Trước chuyến đi biển định mệnh ấy, cha bảo:

- Cha đi chuyến cuối này nữa rồi về nghỉ ngơi trước mùa mưa bão…

Lẽ  ra, xong chuyến đi ấy cha sẽ về cùng mẹ làm ruộng, chạy chợ hàng xáo nuôi lợn đợi mùa biển sang năm. Nhưng cơn bão số Năm bất chợt hình thành và mạnh lên dữ dội, hướng bão thay đổi liên tục, dự báo thất thường. Đoàn thuyền của cha cùng với nhiều ngư dân khác rơi vào tâm bão. Và cha tôi, người ngư dân cùng nhiều người khác nữa đã vĩnh viễn trở về với sóng biển.

Trong cuộc sống, để đạt được điều gì đó, chúng ta đều phải trả giá. Có khi là cái giá rất đắt. Như người nông dân một nắng hai sương, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mới làm ra được hạt gạo. Người công nhân trèo lên các công trình, những giàn khoan cao vút, làm việc trong các nhà máy đầy bụi bặm, hóa chất, chui sâu vào các hầm mỏ để khai thác nguyên liệu, làm ra sản phẩm. Người ngư dân bấp bênh trên những con thuyền trùng khơi đánh cược với rủi may số phận đánh bắt cá vì miếng cơm manh áo của gia đình. Vậy thử hỏi sao những người đang sống và từng ngày thừa hưởng những ân tình đó lại không quý trọng, nâng niu những sản vật, thiên nhiên và con người Việt Nam mình?

Với tôi, cuộc đời này cha mãi là một ngư dân, người ngư dân đất Việt bất tử. Mỗi lần đứng trước biển, tôi luôn thấy hình ảnh cha hiên ngang trên mũi thuyền lướt sóng ra khơi. Những cánh buồm căng gió, những người ngư dân da ngăm nắng cháy, những sọt cá quẫy bạc rơi thoi, những bến thuyền tấp nập, những chuyến xe cá ngược xuôi…Rồi ngày ngày vẫn thế, khắp xóm chài lại dậy lên làn khói bếp rơm chiều no ấm, vang lên tiếng cười đùa con trẻ, nụ cười móm mém mãn nguyện trong ánh nhìn xa xăm, ngóng đợi của người già!

HOÀNG NGHĨA

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự