Người Việt và… “Made in Vietnam”

11:31 16/11/2009

(Bài dự thi) - Nhiều năm trước đây, có câu nói thường được mọi người nhắc đến: “Dùng hàng nội là yêu nước”, “Ta về ta tắm ao ta” v.v… để cổ súy cho việc mua, sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước, đồng thời phê phán xu hướng sính dùng hàng ngoại.

Bây giờ, trong cơn khủng hoảng, suy thoái kinh tế toàn cầu, Chính phủ đã đưa ra nhiều gói kích cầu khá lớn, và đương nhiên, một phần lớn giá trị các gói kích cầu được chuyển hóa thành tiền công, tiền lương, tiền hỗ trợ sản xuất, xóa đói giảm nghèo – tóm lại là thu nhập của người lao động. Người lao động sẽ sử dụng thu nhập của mình để mua sắm hàng hóa, chi cho các dịch vụ xã hội. Lô - gic ở đây là, nếu người ta mua sắm hàng ngoại nhập, hoặc tiêu dùng ở nước ngoài, thì hiệu quả kích cầu sẽ bằng không, thậm chí, còn có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến nền sản xuất nội địa. Không chỉ có thế, đối với gói kích cầu là các dự án kinh tế - xã hội lớn của Chính phủ, nếu nhà thầu không sử dụng, hoặc chỉ sử dụng một phần rất nhỏ số vốn ưu đãi đó để thuê lao động nước ngoài và mua trang thiết bị, hàng hóa sản xuất trong nước – hậu quả cũng tương tự. Và như thế, việc “kích cầu” sẽ khó thành công…

Vừa qua, thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Tấn Sang đã ký ban hành văn bản số 264, thông báo Kết luận của Bộ Chính trị về tổ chức cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", coi đó là thể hiện lòng yêu nước, nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam.  

Mục đích của cuộc vận động nhằm phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Nội dung cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã bao hàm cả sản xuất và tiêu dùng, bao hàm hoạt động của cả nền kinh tế, đòi hỏi mọi người cần chuyển đổi nhận thức và tình cảm, quan niệm và thái độ đối với hàng hóa “Madein Vietnam”.

Vậy nhưng, muốn để người Việt dùng hàng Việt, trước hết, hàng Việt phải tốt, phải rẻ, phải đẹp. Thực tế, có nhiều mặt hàng Việt Nam sản xuất đạt được những tiêu chuẩn đó, hoàn toàn có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới, song người Việt vẫn còn ngần ngại khi đứng trước lựa chọn mặt hàng đó và một mặt hàng cùng loại, tương đương, nhưng của nước ngoài sản xuất… Điều đó có nguyên nhân chính là ở rào cản tâm lý. Người Việt vẫn chưa vượt qua được tâm lý mặc cảm, tự ti đối với hàng Việt, bởi trong quá khứ một thời gian dài, hàng hóa của chúng ta sản xuất ra kém chất lượng, mẫu mã xấu, dịch vụ sau bán hàng yếu. Còn bây giờ, tuy đã sản xuất được hàng hóa tốt, rẻ, đẹp nhưng nhiều doanh nghiệp, nhiều cơ sở sản xuất còn ít quan tâm đến công tác PR, quảng cáo, maketing. Công tác bán hàng còn thiếu chuyên nghiệp, dịch vụ sau bán hàng nửa vời. Nhiều nơi chỉ cần bán được hàng, còn lại mọi vấn đề liên quan đến sản phẩm, khách hàng đều phải gánh chịu thiệt thòi.

Chừng nào hàng “Madein Vietnam” chưa “mạnh” hơn hàng ngoại, xét ở tổng thể các công đoạn từ sản xuất đến sau bán hàng, người Việt sẽ vẫn còn thờ ơ…

Trần Hoài

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự