Món quà tết

10:11 13/11/2009

(Bài dự thi) - Ông Hoàn đẩy cửa, dắt xe vào nhà. Vừa bước vào phòng thì ông thấy giữa bàn có một gói vuông, bọc giấy màu và một chai rượu ngoại còn nguyên tem, nguyên đai. Vợ ông từ dưới bếp lên nói cho ông biết, đó là quà tết của vợ chồng chú Đồng ở dưới quê lên gửi biếu. Vợ chồng chú ấy đã trở về theo chuyến xe buýt cuối buổi chiều để sớm mai ra đồng cấy lúa cho kịp thời vụ đông xuân.

Bỏ cặp, cởi áo quần ngoài, thư thả ngồi vào bàn, ông Hoàn từ tốn mở bọc giấy màu. Mứt gừng! Lại còn có thêm gói mứt bí đao, cà rốt nữa! Chà, những hương vị ngày tết của đồng quê! Dẫu chưa ăn, ông cũng biết rõ vị cay cay, ngọt ngọt, bùi bùi khi cắn từng lát mứt gừng và bí đao, cà rốt, mà thuở chưa đi làm cán bộ, ở chốn làng quê, ông đã từng nếm trải.

Ông cầm chai rượu ngoại lên xem. Uýtsky. Ông chưa từng vào tiệm rượu ngoại bao giờ, mặc dầu nó nằm trên đường Trần Hưng Đạo, cách chỗ xí nghiệp của ông vài trăm mét. Nhưng nghe viên thư ký văn phòng bảo rằng, nó có giá gần 2 triệu đồng. Như vậy, theo thời giá bầy giờ, chai rượu gần bằng 4 tạ gạo loại ngon.

Chợt  ông nheo nheo mắt, nở một nụ cười. Bởi ông nhận ra cái dấu nhân(x) đỏ phía dưới góc trái toa chai rượu. Đó là dấu ông tự đánh để làm dấu món quà  tặng của một nhân viên văn phòng tháng trước đã tặng ông nhân ngày sinh nhật thứ 56 của mình, vì ông đã thể tất bỏ qua những sai sót vụn vặt, quyết định nâng bậc lương cho cô ta trong lần thi tay nghề xí nghiệp thường niên. Rõ ràng vợ ông ta tiếc của, không muốn cho ông xài cái chai rượu cao cấp này nên đã đưa ra hiệu bán lại. Giờ thì chai rượu ấy tìm về nhà ông lần thứ hai. Người ta mua nó để lại biếu lại cho ông, kèm 2 gói mứt đưa từ quê lên, có lẽ để trả ơn buổi đầu, khi ông quyết định tuyển đứa con trai của mình vào chân bảo vệ xí nghiệp.

Ông cất chai rượu ấy vào một vị trí mà chắc chắn vợ ông khó có thể tìm ra. Không biết, những chai rượu ngoại khác mà ông đánh dấu chữ  O, chữ I, chữ H, chữ M... mà các đối tác khác tặng giám đốc xí nghiệp, có như chai rượu này về lại nhà ông lần thứ 2, lần 3 nữa không?

Khi giao thừa sắp đến, ông Hoàn trịnh trọng thắp đèn, đốt hương khi vợ ông đã bày sẵn xôi, chè, hoa quả  lên bàn thờ cúng giờ mới, ngày mới, năm mới. Ông lấy chai rượu Uýtsky cất kỹ hôm trước rót vào cốc, mời ông bà, tổ tiên hưởng lộc của con cháu. Hết tuần nhang, ông với vợ, con trai ngồi vào bàn với ông chạm cốc, mừng xuân mới. Ông bảo, uống rượu đêm giao thừa này để còn mừng ông không những vẫn ở cương vị lãnh đạo xí nghiệp mà vừa qua còn trúng vào ủy viên cấp ủy của thành phố.

Khi dốc cốc để tuột vào mồm xong, lập tức ông liền phun ra ngay, nhổ toẹt xuống nền nhà. Vợ và con trai ông cẩn thận hơn, chạy đến cửa sở nhổ  rượu ra ngoài. Trời ơi ! Nước gì chứ có  phải là rượu đâu ! Nó vừa đắng, vừa nhạt, chỉ the the đầu lưỡi. Ẩm thực đầu xuân thế này là xúi quẩy, quá xúi quẩy !Ông cầm chai Uýtskylên mà rằng: đồ của rởm ! của lừa !

Người bị mắc lừa là ông và cả những người sẵn có lòng tốt nhưng đã bị bọn thương lái lợi dụng tâm lý chuộng hàng ngoại để đoạt tiền của người mua. Hương hồn người quá cố cũng là nạn nhân của cái sự lừa đảo đó.

Con trai ông vội vàng xuống phòng xách lên một chai rượu Võ  Xá. Đó là thứ rượu gạo trong suốt, có  nồng độ cao, uống vào vừa cay, vừa nóng, vừa có vị  ngọt đậm đà, sản phẩm đặc sắc của một vùng quê phía nam sông nước Nhật Lệ, thuộc huyện Quảng Ninh, Quảng Bình được chưng cất từ một loại gạo, ngâm ủ với một loại men làm từ cây riềng mà hôm về tảo mộ tổ tiên, anh đã ghé nhà hàng bên đường mua lên.

Hơi rượu gạo Võ Xá và những lát mứt gừng, mứt bí đao, cà rốt của làng quê đậm đà, ý vị đã làm ông và vợ con lâng lâng trong khi mùa xuân đang ùa đến bên ngoài. Bấy giờ, ông mới thấm thía câu hát mà mẹ ông đã ru ông ngày xưa: “Ta về ta tắm ao ta/ Dẫu trong dẫu đục ao nhà vẫn hơn”. Chuộng ngoại lắm có khi tai hại. Xài của ta, sản phẩm của ta vừa thực chất, vừa thể hiện tính dân tộc sâu xa.  

Hồ  Ngọc Diệp

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự