Hành trình của hạt gạo

09:37 13/11/2009

(Bài dự thi) - “Hạt gạo làng ta
Có bão tháng bảy
Có mưa tháng ba
Giọt mồ hôi sa
Những trưa tháng sáu…”
(“Hạt gạo làng ta” - Trần Đăng Khoa)

Có  lẽ nhiều người trong chúng ta đều đã nghe, thậm chí thuộc lòng những thi từ quen thuộc ấy, những câu thơ hồn nhiên mang dáng hình hạt gạo quê hương… Từng hạt gạo bé nhỏ, trắng trong, tinh khiết tự ngàn xưa đã gắn bó với mỗi nếp nhà Việt, mỗi hồn Việt, trở thành giá trị vật chất, tinh thần và lịch sử lớn lao trong đời sống Việt Nam.


Hành trình của hạt gạo
 
Hạt gạo là sản phẩm kết tinh của cây lúa, thứ cây gắn liền với lịch sử nền văn minh lúa nước, nền văn minh sông Hồng ra đời cách đây đã mấy ngàn năm. Nguồn gốc của lúa nước, hay còn gọi là lúa nhà bắt nguồn từ cây lúa dại được cải giống nhờ sức lao động và sáng tạo của người dân thời đó. Khi ấy, hạt gạo đơn thuần chỉ phục vụ cho bữa ăn gia đình chứ chưa có mục đích thương mại, trao đổi, mua bán.

Sau giải phóng, nền sản xuất ở nước ta, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp bị ngưng trệ một thời gian dài vì chế độ quan liêu bao cấp, tự cung tự cấp. Thực trạng đáng buồn là một đất nước với đa phần dân số làm nông nghiệp lại phải nhập khẩu lương thực và trông chờ vào những chuyến hàng viện trợ của nước ngoài.

Đại hội VI (tháng 12 – 1986) với mục tiêu đổi mới toàn diện nền kinh tế đất nước, đưa lương thực thực phẩm vào một trong ba chương trình kinh tế lớn đã giúp đổi mới tư duy cũng như giải phóng sức lao động của người dân, phát huy tối đa khả năng của mỗi cá nhân.

Bắt  đầu từ năm 1989 trở đi, sản xuất kinh tế, nhất là sản xuất nông nghiệp lúa gạo phát triển mạnh mẽ, không những thỏa mãn được nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn đạt một thành tựu quan trọng: lần đâu tiên trong lịch sử Việt Nam có gạo xuất khẩu.

Năm 1988 Việt Nam vẫn phải nhập khẩu tới 199,5 nghìn tấn lương thực. Sang năm 1989 lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam xuất khẩu 1,4 triệu tấn gạo, đạt kim nghạch 310 triệu USD. Đến năm 1999, tức là sau 10 năm nước ta xuất khẩu 4,5 triệu tấn và năm 2005 xuất khẩu hơn 5,2 triệu tấn gạo, đạt mức kỷ lục, thu về 1,34 tỷ USD với giá bình quân đạt 267 USD/tấn.

Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), tính đến hết tháng 6 – 2009, Việt Nam xuất khẩu hơn 3,5 triệu tấn gạo trị giá trên 1,427 tỷ USD. Dự báo trong cả năm 2009, hứa hẹn lượng gạo xuất khẩu nước ta có thể lên tới 6 triệu tấn, đạt mức kỷ lục mới so với 5,2 triệu tấn trong năm 2005. Từ 1989 đến nay, trong vòng 20 năm, Việt Nam đã xuất khẩu được gần 70 triệu tấn gạo.



Như  vậy, từ một nước thiếu ăn phải dùng hàng viện trợ mà đến nay nước ta đã là một cường quốc của thế giới về lúa gạo, là nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới, sau Thái Lan. Điều này minh chứng cho những nỗ lực và sức lao động, sáng tạo phi thường của nhân dân cả nước, cho thấy công lao to lớn của bà con nông dân. Họ là những người dân Việt chân chất, hiền lành, quanh năm cần cù lao động, một nắng hai sương, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để tạo nên kỳ tích cho đất nước.

Không những thế, chúng ta còn chứng minh cho thế giới biết rằng Việt Nam không chỉ anh hùng trong chiến đấu mà còn anh hùng hơn trong lao động sản xuất.

Để có được những kết quả trên cũng là công sức rất lớn của tập thể các nhà khoa học đã ngày đêm miệt mài với công việc lai tạo giống mới, cấy ghép, biến đổi gen…tạo ra những giống lúa mới cho năng suất cao, chất lượng hạt gạo tốt, có sức cạnh tranh trên thị trường, giống ngắn ngày có khả năng chống chọi với sâu bệnh, thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Hiện nay nước ta có gần 150 giống lúa với các giống mới năng suất cao như: IR64; CM1490; OSMC2000; ST3; HG2…

Hàng năm, sản lượng của cả nước đạt 34 – 35 triệu tấn thóc, trong đó hơn 8 triệu tấn thóc phục vụ cho việc xuất khẩu sau khi đã được chế biến xay xát thành gạo.

Hạt gạo của Việt Nam đã vươn tới thị trường năng động toàn cầu, có mặt trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
 
Hạt gạo trong đời sống người Việt

Gạo là một nguồn cung cấp năng lượng thiết yếu cho cơ thể. Chúng ta hấp thụ chất bột và một số vitamin từ gạo.

Trước đây, hạt gạo chỉ đem lại sự no đủ cho con người nhưng ngày nay nó có thể làm giàu cho người nông dân và cho cả đất nước nếu chúng ta biết cách biến nó thành một thứ hàng hóa có giá trị.

Gạo không những chỉ là sản phẩm thương mại thuần túy mà nó còn mang ý nghĩa chính trị: đảm bảo anh ninh lương thực quốc gia; đảm bảo công ăn việc làm và đời sống cho bộ phận dân cư (nông dân) rất lớn của đất nước.


Từ  hạt gạo, chúng ta có thể chế biến ra hàng trăm các loại món ăn khác nhau như cơm, bún, phở, bánh chưng, bánh dày, bánh đa, cốm…, những món ăn cổ truyền gắn với truyền thống của quê hương đất nước.

Trong mỗi chúng ta, ai cũng đã từng một lần đi xa quê hương. Những lúc ấy ai mà chẳng thèm được hưởng một bữa cơm đầm ấm bên gia đình với bát cơm trắng vừa ăn vừa xuýt xoa hay miếng bánh đa giòn tan, miếng bánh cốm thơm dẻo nơi quê nhà.

Hạt gạo không chỉ cho ta ăn no mà còn có tác dụng chữa bệnh. Gạo nếp, trong y học cổ truyền còn có tên thuốc là Nghạnh Mễ hay Nhu Mễ có vị ngọt, thơm, mềm, dẻo, tính ấm bổ tì vị, chống hư tổn. Hay bát nước vo gạo, gạo nếp, gạo lức và hàng trăm các thứ gạo khác nữa với biết bao công dụng chữa bệnh mà có thể chúng ta chưa biết tới.

Nước ta là cường quốc lúa gạo của thế giới, là  nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới nhưng đồng nghĩa với việc sản xuất mồ hôi nước mắt nhiều thứ hai thế giới.

Sở  dĩ tôi nói lên điều này để mong đừng ai trong chúng ta quên rằng cần phải nâng niu, trân trọng hơn nữa hạt lúa, hạt gạo, bát cơm mà bà con nông dân cả đời một nắng hai sương mới làm nên.


“Cày đồng đương buổi ban trưa
Mồ  hôi thánh thót như mưa ruộng cày
Ai ơi bưng bát cơm đấy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”.

Để tôn vinh nghề trồng lúa và bà con nông dân trồng lúa, lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Festival Lúa gạo lần thứ nhất sẽ diễn ra từ ngày 28 – 11 đến 02 – 12 – 2009 tới tại Hậu Giang với sự tham gia của các tổ chức lớn trên thế giới về lúa gạo như: Tổ chức các quốc gia xuất khẩu gạo (OREC); Tổ chức Nông Lương của Liên Hiệp Quốc (FAO); Tổ chức Lúa Gạo thế giới (IRI)…

Hứa hẹn hạt gạo của Việt Nam sẽ được bạn bè  quốc tế càng thêm biết đến và tin dùng hơn nữa.

Hoàng Nghĩa

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự