Để hàng Việt trở thành nếp văn hóa tiêu dùng của người Việt

07:50 13/11/2009

(Bài dự thi) - Để  hàng Việt Nam trở thành nếp văn hóa tiêu dùng của người Việt thì điều đầu tiên là hàng Việt Nam phải tốt. Tốt ở đây là tốt về chất lượng (khách hàng hài lòng), tốt về hiệu năng trên giá thành (đắt xắt ra miếng), tốt về mẫu mã (bắt mắt, hợp thị hiếu), tốt về dịch vụ bán hàng (vui lòng khách đến) và dịch vụ sau bán hàng (vừa lòng khách đi). Đã có 5 cái tốt ấy nhưng đó cũng vẫn chỉ là các điều kiện cần, nhà sản xuất phải tạo thêm điều kiện đủ nghĩa là phải xây dựng thương hiệu,  quảng cáo, và có một hệ thống phân phối tốt.

Xây dựng thương hiệu chính là xây dựng uy tín, nhắc đến thương hiệu mạnh là người tiêu dùng cảm thấy tin tưởng. Khi cần mua hàng, người tiêu dùng sẽ nhớ  đến thương hiệu đó đầu tiên để bắt đầu lựa chọn và so sánh.

Quảng cáo phải có chiến lược, cập nhật sản phẩm mới, quảng cáo mới, kèm theo công tác xã hội để gây ấn tượng tốt với người tiêu dùng. Đã có quảng cáo, sau đó phải có những quảng cáo mới. Điều cực kỳ quan trọng cần nhớ: Quảng cáo trong nước khác với quảng cáo ở nước ngoài. Mới đây, một nhà báo Nga chân thành góp ý: Hàng Việt Nam bán ở Nga nhiều thứ rất tốt, chinh phục được  khách hàng. Song lời quảng cáo được viết bằng một thứ tiếng Nga khủng  khiếp (!) khiến người đọc nổi đóa hoặc ngượng chín cả người (?).

Nhà sản xuất phải có những so sánh với các sản phẩm cùng loại của nước ngoài để cho khách hàng biết sản phẩm của Việt Nam không thua kém, thậm chí là tốt hơn (5 cái tốt nêu trên) và đương nhiên là rẻ hơn nhiều (vì không phải chịu thuế nhập khẩu và chi phí vận chuyển như hàng ngoại).

Đã có tất cả những điều đó, người tiêu dùng đã có ấn tượng và muốn tìm mua sản phẩm được biết đến qua nhiều kênh thông tin nhưng nếu ra siêu thị, các đại lý… mà không thấy, tức là hệ thống phân phối không tốt thì người tiêu dùng lại quay sang các sản phẩm đang nổi tiếng và dễ tìm. Do đó, hệ thống phân phối tốt là yếu tố quyết định sản phẩm làm ra có đến được với người tiêu dùng hay không?

Tiếp  đó là xây dựng nếp văn hóa tiêu dùng. Cái gì muốn thành nếp đương nhiên phải mất thời gian, không thể nóng vội, nếp văn hóa lại càng không thể nóng vội. Muốn thành nếp, phải có sự giáo dục, nêu gương. Về nếp văn hóa tiêu dùng “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam là yêu nước”, và trước đó là doanh nghiệp “Sản xuất hàng chất lượng cao là yêu nước” thì tôi thấy khẩu hiệu đó rất hợp lòng dân. Đã là người Việt Nam, ai không yêu nước Việt Nam? Bây giờ hàng Việt Nam tốt (5 tốt), dùng hàng Việt Nam lại tiết kiệm được chi tiêu cho gia đình, tiết kiệm cho chi phí sản xuất (đối với doanh nghiệp) và góp phần phát triển sản xuất trong nước, góp phần làm cho nước Việt Nam giàu mạnh thì có người Việt Nam yêu nước chân chính nào nỡ chối từ?

Tất nhiên, trong khi xây dựng hay khi đã xây dựng được nếp văn hóa tiêu dùng “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam là yêu nước” sẽ vẫn còn nhiều người lựa chọn hàng ngoại, điều này không có nghĩa là họ không yêu nước Việt Nam. Cũng như nhiều người Âu, Mỹ lựa chọn hàng Việt Nam, không có nghĩa là họ không yêu nước họ.  Đó là giao thoa, sự phong phú, đa dạng của sản phẩm và nền văn hóa, đó là cũng là hiệu quả hay kết quả của toàn cầu hóa.

Tuy nhiên, khi xây dựng được nếp văn hóa tiêu dùng “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam là yêu nước” thì hàng hóa Việt Nam sẽ được tiêu thụ mạnh hơn ngay tại Việt Nam rất nhiều.

Vinamilk là  một ví dụ thành công.

Cà phê  Trung Nguyên là một ví dụ thành công.

Gấm Thái Tuấn là một ví dụ thành công…

“Hàng Việt Nam chất lượng cao” do người tiêu dùng bình chọn là một ví dụ thành công. Rất nhiều người Việt đã nhớ  đến chữ “V” cách điệu gắn trên các sản phẩm lừng danh của Tổ quốc.

Cứ như  thế, từng bước một có bài bản, có chiến lược, hàng Việt Nam sẽ chinh phục người tiêu dùng Việt Nam từ những sản phẩm ít tiền đến nhiều tiền, từ đồ gia dụng cho đến những sản phẩm cơ,  điện cao cấp; các máy móc công nghiệp của nhiều ngành kinh tế.

Sẽ đến lúc người Việt Nam cảm thấy hãnh diện chọn mua hàng Việt Nam và hãnh diện khi thấy hàng Việt Nam được bày bán ở nước ngoài.

Tóm lại, công thức để người tiêu dùng Việt Nam chọn hàng Việt Nam là:

5 tốt + xây dựng thương hiệu + quảng cáo + hệ  thống phân phốt tốt +giáo dục lòng yêu nước

Kiều Nga

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự