Cần lắm những cái giật mình…

15:37 12/11/2009

(Bài dự thi) - 1. Người tiêu dùng giật mình.


Trong cuộc vận động “người Việt dùng hàng Việt” do bộ chính trị phát động, hàng loạt các báo chí đều đưa các bài viết, các thông tin xoay quanh vấn đề hàng nội đang bị cô độc, hay vì sao người Việt không dùng hàng Việt… Tất cả những con số thống kê chi tiết, những lý lẽ sắc bén, những lập luận logic có thông số xác thực đều khiến chính người tiêu dùng chứ không phải ai khác cũng phải giật mình trước tình hình hàng nội.

Có  thể rất nhiều người tiêu dùng như tôi, khi đi mua sắm một sản phẩm nào đó, họ không cần chú ý xem đây là hàng nội hay hàng ngoại chỉ cần thấy mẫu mã vừa ý lại hợp túi tiền thế là mua. Không mấy cầu kì, không để ý đến xuất xứ, có thể coi những khách hàng như tôi thế này không phải là người tiêu dùng thông thái. Lại càng không thể xếp vào những người tiêu dùng có trách nhiệm với hàng nội được. Điều đấy đã cho thấy rằng một phần cũng tại hàng nội chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của những người tiêu dùng trong nước, nhưng một phần thì chính người tiêu dùng chúng ta cũng phải giật mình. Theo như số liệu mới nhất của một công ty nghiên cứu thị trường cho thấy, 77 phần trăm người tiêu dùng Việt Nam chuộng hàng ngoại. Trong khi số liệu này trung bình của toàn châu Á chỉ là 40 phần trăm.

Từ  thị hiếu người tiêu dùng trong nước chuộng hàng ngoại kéo theo hàng loạt hệ lụy không những chỉ nền kinh tế mà cả hệ lụy tới những vấn đề xã hội nước nhà như: Người dân, công nhân thất nghiệp, doanh nghiệp phá sản, làng nghề mai một…

Hãy khoan nói về việc sản phẩm nội hay ngoại tốt hơn, đẹp hơn, rẻ hơn mà vấn đề tôi muốn nói ở đây là đôi khi người tiêu dùng không lường trước được những hệ lụy ấy. Cũng như mỗi người tiêu dùng chỉ cần chú ý đến hàng nội, với ý thức là dùng thử mặt hàng thì tôi cũng tin rằng có rất nhiều mặt hàng nội đủ để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước. Thậm chí biết đâu chúng ta lại tìm ra những ưu điểm của hàng nội và tin dùng nó lâu dài. Dẫu biết rằng để người Việt dùng hàng Việt thì còn là vấn đề từ nhiều phía, cả người tiêu dùng lẫn các doanh nghiệp trong nước và các cơ quan chức năng có thẩm quyền.  

2. Các doanh nghiệp nhà nước cần phải giật mình.

Cuộc vận động “Người Việt dùng hàng Việt” cũng là một dịp để người tiêu dùng nêu ra các ý kiến và quan điểm của mình về hàng Việt. Họ cũng đưa ra các lý do vì sao phần đông người tiêu dùng trong nước lại ưa chuộng hàng ngoại. Chúng ta không thể đòi hỏi một chiều từ người tiêu dùng, buộc họ phải mua hàng với chất lượng thấp, giá thành cao trong khi các doanh nghiệp thì không chịu tự cố gắng đổi mới sản phẩm và cách kinh doanh, tiếp thị, phân bố sản phẩm của mình.

Bởi vì phần nhiều người tiêu dùng cho rằng tìm được hàng Việt Nam mua không dễ, trong khi đó hàng Trung Quốc nhan nhản khắp nơi, giá rẻ. Người bán hàng lại chủ yếu quảng cáo cho hàng ngoại, thậm chí quảng cáo không đúng sự thật gây nhầm lẫn, lừa người mua. Đành rằng là những người bán hàng nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng nhưng việc quên lãng hàng nội và quảng cáo sai sự thật cho hàng ngoại thì đấy cũng là một cách giết chết hàng nội rất nhanh.

Vì  vậy để vực dậy hàng nội thì không chỉ  cần đến những người tiêu dùng yêu nước mà  cần cả đến những nhà sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm trước thương hiệu của mình nói riêng và hàng nội nói chung.

3. Cơ quan nhà nước cũng cần phải giật mình.

Trong bài báo “hàng nội cô độc trước thị hiếu người Việt” của tác giả Hà Nhân trên báo Tiền Phong có nêu ra một vấn đề rất đắt đó là Việt Nam đang tồn tại quốc nạn nhưng lại không có quốc sách. Quốc nạn là việc hàng lậu, hàng giả tràn vào Việt Nam một cách ồ ạt qua các cửa khẩu mà nước ta chưa có chính sách kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả. Hàng nhập lậu, hàng giả do không phải chịu các khoản thuế nên giá thành rẻ. Thiết nghĩ phần đông dân ta với thu nhập cá nhân thấp, nhất là trong tình trạng giá cả thị trường leo thang thì việc người tiêu dùng chọn mua những mặt hàng có mẫu mã phong phú, giá rẻ, hợp với túi tiền cũng là một điều dễ hiểu. Mà với lượng hàng lậu lớn tràn vào nước ta thì hàng nội càng “ngấp ngoải” hơn.

Vì  vậy nhà nước, những cơ quan có thẩm quyền cũng không chỉ nên kêu gọi các doanh nghiệp phải  đổi mới, người tiêu dùng phải có trách nhiệm mà bản thân các cơ quan chính quyền cũng phải sốt sắng vào cuộc bằng cách đề ra quốc sách chống hàng ngoại bất hợp pháp và hàng giả.

Việc trong thị trường nước ta có nhiều hàng ngoại không hẳn là việc đáng buồn, bởi hàng Việt không được ưa chuộng thì trước tiên nguyên nhân   nằm trong chính chất lượng của sản phẩm. Thế nên các doanh nghiệp cũng coi đây là một thử thách để tự làm mới mình, để cạnh tranh một cách lành mạnh trong việc khẳng định thương hiệu của mình. Khi hàng nội tốt thì chắc hẳn người tiêu dùng trong nước cũng không thể cứ thờ ơ với hàng nội mãi.

Việc vực dậy hàng Việt ở thị trường trong nước là một việc không dễ dàng gì nhưng không phải là không có tương lai, hy vọng. Cuộc vận  động “Người Việt dùng hàng Việt” là một cuộc ra quân đầy ý nghĩa để cả các doanh nghiệp, các cơ quan có thẩm quyền nhà nước và cả người tiêu dùng được một lần sằng phẳng bộc lộ các ý kiến, quan điểm của mình để từ đó mỗi người đều phải cố gắng cho một mục đích chung là làm sống dậy hàng Việt ít nhất là trong người Việt.

Hy vọng rằng mỗi người đều phải giật mình về trách nhiệm của bản thân trước một vấn đề chung xã hội để rồi không chỉ là lý thuyết mà bằng các hành động thiết thực, cụ thể. Cũng không chỉ là một cá nhân hay một tập thể mà là cả một cộng đồng sẽ cùng bắt tay vào tìm ra nguyên nhân và dần dần khắc phục để vực dậy sức sống của hàng Việt. Bởi khi giải quyết được vấn đề hàng Việt một cách tốt đẹp thì cũng có nghĩa chúng ta đã phần nào giải quyết được công ăn việc làm cho rất nhiều lao động, ngăn chặn sự suy giảm nền kinh tế trong nước và góp phần khôi phục và bảo tồn, phát huy những làng nghề đã tồn tại hàng trăm năm nay mà ngoài giá trị kinh tế thì còn là giá trị văn hóa, tinh thần tạo nên cái hồn dân tộc. Cần lắm chứ những cái giật mình như thế…  
 
HN 11-2009
Có tham khảo thông tin trên internet

Vũ  Thị Huyền Trang

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự