Nói thật mới bền

00:38 06/11/2009

Theo tôi, minh bạch là sự sống còn của doanh nghiệp trong thời đại công nghệ thông tin ngày nay. Có 5 lý do để khẳng định rằng nếu thiếu minh bạch với người tiêu dùng, doanh nghiệp sẽ không có sự nghiệp bền lâu

Người tiêu dùng sẽ ủng hộ khi nhà sản xuất làm đúng chất lượng công bố. Ảnh: BN
1- Thế giới phẳng: Chuyện lấy giấy carton làm nhân bánh bao vừa được phát hiện ở Trung Quốc, chỉ trong vòng 24 giờ sau toàn thế giới đã biết đến.  Và điều này cho thấy, dù là sự cố nhỏ xảy ra ở nơi xa tận châu Phi, châu Mỹ hay tận trên chỏm cực Bắc, cực Nam, thì tất cả mọi công dân trên hành tinh đều có thể biết đến. Nhà kinh doanh không có cách gì để bưng bít được.

2- Người tiêu dùng thông minh: khách hàng ngày càng trở nên thông minh hơn không chỉ vì họ có nhiều phương tiện để tìm kiếm thông tin, họ có trình độ và học vấn ngày càng cao, mà chính cuộc sống hiện đại luôn cập nhật giúp họ những kiến thức tiêu dùng mới. Ngồi ở nhà, bà nội trợ có thể lên mạng để tìm kiếm tất cả những thông tin mà họ cần.

3- Thị trường cạnh tranh gay gắt, bất kỳ sai sót nào của một doanh nghiệp đều là cơ hội cho đối phương khai thác. Đối thủ còn thổi bùng lên, tạo nên những dư luận ồn ào để ảnh hưởng đến thương hiệu, thị trường, uy tín... của doanh nghiệp.

4- Các biện pháp quản lý nhà nước ngày càng chặt chẽ, phương pháp kiểm tra sẽ ngày càng chính xác hơn. Hàng tháng, hàng năm luôn có những văn bản mới quy định cho hoạt động của từng ngành nghề. Cùng với sự phát triển của kỹ thuật sản xuất, các cơ quan quản lý cũng đổi mới và cải tiến để có thể kiểm tra, kiểm soát các công bố của doanh nghiệp.

5- Sự cạnh tranh của các phương tiện thông tin đại chúng nhằm thu hút người đọc, nên báo chí, đài truyền hình, phát thanh sẽ theo dõi chặt chẽ các hoạt động của nhà sản xuất kinh doanh để tìm kiếm những thông tin “nóng” để tạo thành sự kiện. Chính báo đài cũng tạo nên sức ép với cơ quan quản lý bằng dư luận.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp không minh bạch thông tin về công bố chất lượng sản phẩm, nói một đường làm một nẻo, làm mất lòng tin của người tiêu dùng vào sản phẩm Việt Nam. Là một doanh nghiệp, tôi đã tìm hiểu công nghệ sản xuất ở nhiều công ty bạn bè và biết rất rõ hàng Việt Nam tốt, chất lượng, giá cả hợp lý nhưng... những chứng cứ khoa học không rõ ràng, làm ăn gian dối, cố tình lập lờ thông tin như kiểu sản xuất nước tương, như gán cho sữa hoàn nguyên là sữa tươi... đã khiến nhiều người Việt Nam không ủng hộ hàng Việt Nam.Đậm

Nhìn từ kinh nghiệm của doanh nghiệp Nhật, Hàn Quốc, sản phẩm của họ có thể kém hơn hàng Mỹ, Đức, Ý đang nhập vào nước họ, nhưng người tiêu dùng vẫn chấp nhận yếu kém ấy vì nó đúng với công bố của nhà sản xuất. Wal-Mart ở Hàn Quốc dù có giá rẻ vẫn không chiếm được cảm tình của người dân và phải rút khỏi thị trường những nước này.

Niềm tin của người tiêu dùng là chỗ dựa vững chắc để doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và tính chuyện dài lâu. Những CEO toàn cầu cũng đã từng khẳng định, khách hàng hay người tiêu dùng là vị lãnh đạo tối cao của doanh nghiệp. Vậy nên, chỉ có nói thật thì cơ nghiệp mới bền vững.

Anh Hoa - giám đốc công ty Thanh Thảo

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự