Rượu cần... một nét Tây Nguyên

00:35 06/11/2009

(Bài dự thi) - Tây Nguyên - quê hương của người Êđê, Giarai, Bana, Mnông, Giẻ Triêng, Brâu... bao đời nay rượu cần là thức uống không thể thiếu trong đời sống hàng ngày, trong các dịp lễ hội, các cuộc vui đón khách quí. Gia đình nào dẫu nghèo đến đâu, mát mùa đến đâu cũng không được để "ché đói", nghĩa là trong nhà luôn có ché rượu cần để góp với buôn làng khi có lễ hội và đón khách đường xa.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Theo quan niệm của người dân bản địa Tây Nguyên, rượu cần là nước uống của thần linh, nên ngoài giá trị vật chất đơn thuần rượu cần còn mang giá trị tinh thần tâm linh của con người. Chính vì thế, mà quá trình sản xuất cũng như đưa ra sử dụng rượu cần, người Tây Nguyên tuân thủ rất nghiêm ngặt những điều kiêng kỵ như không làm men rượu vào độ xoài trổ bông, lúa làm đồng, phụ nữ có thai không được đến gần, không gây vỡ ché, gãy cần… Nguyên liệu để làm rượu cần là sắn, ngô, gạo nếp, gạo tẻ... nhưng ngon nhất là loại nếp than hoặc hạt kê được trồng trên đất bazan. Các loại nguyên liệu sau khi được nấu chín, ủ men và cho vào ché, lấy lá chuối khô nút ché lại rồi chôn xuống đất bazan. Men rượu là bí quyết để làm nên hương vị rượu cần Tây Nguyên, có thể qua men rượu người ta có thể phân biệt được rượu của các buôn làng Êđê, Bana khác nhau...Tuy nhiên, theo quan niệm của người Tây Nguyên rượu ngon phải được ủ trong ché quí, là loại ché bằng gốm sứ là tài sản vô giá của mỗi gia đình được cất giữ từ đời này qua đời khác. Người Mnông có loại ché Salung, người Êđê, Giarai, Bana có loại ché tuk, ché tang là những loại ché quí có giá trị bằng hàng chục con trâu, vài ba con voi...Sau khi cơm rượu được cho vào ché, nút miệng ché bằng lá chối khô, người Tây Nguyên xưa thường chôn rượu xuống bìa rừng, rượu chôn càng lâu càng ngon. Ngày nay người ta ít chôn, nhưng thường đặt bên bếp lửa đủ ba tháng mười ngày thì đem ra dùng.

Có thể nói, rượu cần là một "phần hồn", là nét văn hoá đặc sắc của đất và người Tây Nguyên, đặc biệt trong các dịp lễ hội rượu cần càng không thể thiếu, lễ hội càng lớn rượu cần càng nhiều. Mà Tây Nguyên hàng năm có biết bao nhiêu lễ hội, lễ xuống giống, cầu mưa, mừng giọt nước, mừng cơm mới... trong sản xuất. Lễ thổi tai (đặt tên), lễ trưởng thành, lễ trao vòng đính hôn, lễ buộc chỉ cổ tay, lễ bỏ mả...cho mỗi đời người. Thường khi mùa xuân về cái lạnh hanh hao đến với cao nguyên, mùa màng đã thu hoạch xong, hoa cúc quì đã nở vàng như nắng trên các đồi nương thì Tây Nguyên vào mùa lễ hội. Cột Gơơng được dựng lên trước nhà Rông để buộc rượu cần, được mùa lớn thì lẽ hội lớn, lễ hội lớn thì rượu cần càng nhiều. Nhà thơ Văn Công Hùng ở Gia Lai nói vui với tôi: Lên Tây Nguyên chưa say rượu cần coi như chưa đến Tây Nguyên...Và quả thật đến với các Buôn làng Tây Nguyên, khi đã ôm cần khó mà không say được, khi cả buôn làng phiêu diêu trong tiếng cồng chiêng rộn rã bên ánh lửa bập bùng và vòng xoang say đắm của các thiếu nữ Bana, Giarai mời gọi.

Nét văn hoá đặc sắc của rượu cần Tây Nguyên đã thực sự cuốn hút du khách gần xa, ai lên Tây Nguyên cũng mong được một lần ôm cần thả hồn lâng lâng trong men lửa mang hương vị Tây Nguyên. Đáp ứng nhu cầu này của du khách các Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch ở Tây Nguyên đã đưa rượu cần vào kinh doanh như là đặc sản văn hoá ẩm thực đặc sắc của địa phương. Rượu cần đưa ra thị trường cũng chính là sản phẩm đặt hàng từ các buôn làng, thậm chí bà con còn bán trực tiếp cho du khách sử dụng tại chổ. Như vùng sản xuất rượu cần nổi tiếng Dankia cách Đà Lạt chưa đến 15 km, Người dân ở đây đã đưa rượu cần ra thị trường từ lâu, với những quán rượu cần dân dã do chính các sơn nữ sản xuất và tiếp nước phục vụ du khách.

Còn ở Đăk Lăk, GiaLai, Kon Tum rượu cần được bày bán nhiều nơi trong các quầy khách sạn, điểm tham quan du lịch...Nhưng có lẽ tôi thấy nhiều  nhất là ở làng văn hoá Đồng xanh-Gia Lai. Mỗi tháng làng văn hoá Đồng Xanh tiêu thụ hàng trăm ché rượu. Rượu cần được nhiều người ưa thích bởi ngoài nét văn hoá đặc sắc của Tây Nguyên, giá còn rất phù hợp với các buổi tham quan dã ngoại của nhiều người. Bình quân mỗi ché rượi loại 10-15 lít giá từ 40-50 ngàn đồng, loại lớn từ 15-20 lít có giá từ 70-80 ngàn đồng cả ché (tất nhiên không phải loại ché quý của các dân tộc). Tuy rượu cần đã có mặt trên thị trường, nhưng không phải vì thế mà người Tây Nguyên đã hết lòng mến khác, đến buôn làng nào bạn vẫn là quý khách, rượu cần vẫn được bày ra, bạn chưa say chưa được buông cần.

Anh Đào Đức Điệp-Phó giám đốc Công ty dịch vụ Du lịch Gia Lai vừa rồi "bắt" tôi mang một ché rượu cần về Huế làm quà cho bạn bè đồng nghiệp, như là một cách giới thiệu đặc sản văn hoá ẩm thực Tây Nguyên. Và tôi đã  "làm tròn" phận sự người tiếp thị cho rượu cần Tây Nguyên với bạn bè ở Huế.

Ngày nay giữa bạt ngàn các loại rượi nội, ngoại nếu có một ché rượu cần giữa bàn tiệc là một sự thú vị khác lạ, bởi khi ôm cần thưởng thức hương vị rượu cần Tây Nguyên, nó không chỉ đơn thuần là rượu, mà ẩn hiện đâu đó trong men rượu cái hùng vĩ của đại ngàn Tây Nguyên mờ ảo trong ánh lửa bập bùng, trong tiếng cồng chiêng rộn rã, trong vòng xoang say đắm của các cô gái Bana, Êđê mời gọi... ấy chính là văn hoá rượi cần Tây Nguyên đã thẩm thấu đến mọi người.

   Ngô Minh Thuyên

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự