“Gia đình mình còn, mây tre đan Tân Tiến còn”

12:47 01/11/2009

(Bài dự thi) - "Khó có thể biết chính xác nghề mây tre đan ra đời từ bao giờ” – ngày còn sống bà tôi vẫn thường mở đầu câu chuyện như thế - “Mẹ cháu lên 10 tuổi đã gánh hàng lên Ninh Sở trả, dọc đường bị chúng nó ném gạch tụt cả đáy giỏ hàng, nó chỉ biết khóc”. Tôi lần theo câu chuyện ngày xưa của bà ngoại tìm đến nơi mà nhờ đó cảnh mẹ goá con côi năm nào của ngoại đã bớt phần túng quẫn.


Cố nghệ nhân mây tre đan nổi tiếng Bùi Minh Công cũng đã nếm trải cảnh đói nghèo với năm đứa con nheo nhóc. Cuối những năm 80 - đầu đổi mới, kinh tế khó khăn, nhiều gia đình ăn không đủ no, nhà bác Công (nơi người làng tôi vẫn nhận hàng về đan) cũng không nằm ngoài. Một hôm bác chứng kiến cảnh hai đứa trẻ nhà hàng xóm chết vì ăn sắn sau những ngày cơm không đủ bữa. Bị ám ảnh về cái chết của hai đứa trẻ, vợ chồng bác Công bàn tính suốt cả tháng trời: “Làng mình có nghề mây tre đan truyền thống, tại sao mình lại không làm kinh tế từ chính nghề đó rồi giúp dân làng thoát khỏi cái đói?!”
 
Một tác phẩm nghệ thuậ với những mắt đan tinh xảo (ảnh: maytredan.com)

Nghĩ là làm, bác Công vay mượn lên đường đi tìm mối hàng khắp trong Nam ngoài Bắc, mãi mới gặp được khách, khách đưa ông xem ảnh mẫu hàng, bác điện thoại về Bờ hồ (bưu điện) nhờ người gọi con gái lên nghe điện, ông miêu tả mẫu hàng, con gái bảo làm được, thế là kí hợp đồng. Về nhà, vợ chồng con cái năm sáu người ngày đêm mày mò kỹ thuật đan sao cho được mẫu hàng đã kí với khách. Xong được khâu quan trọng nhất lại cặm cụi làm cốt (khuôn) sao cho kích cỡ chính xác đồng loạt, xong cốt lại phải tập hợp người làng đến hướng dẫn đan theo mẫu…

Cơ sở sản xuất mây tre đan Tân Tiến của nghệ nhân Bùi Minh Công nổi tiếng cả trong và ngoài nước. Ông Elentim – GĐ Maketinh của tập đoàn Com-mac (Mỹ) là khách “ăn hàng” của Tân Tiến từ suốt những năm 90, đến khi Elentim mất (khoảng năm 2006 – 2007) thì hợp đồng mới dừng. Ông Elentim đã về cơ sở sản xuất của ông bà xem hàng, đã ngồi ăn cơm với gia đình ông mấy bận. Có lần Elentim tính nhầm tiền hàng tới 900 triệu, cả lô hàng 64 côngtennơ trị giá 6,7 tỉ mà ông ấy thanh toán 7,6 tỉ, 900 triệu vào những năm 90 là lớn lắm, thế nhưng cả hai vợ chồng bác không thể vì cái lợi trước mắt mà để mất chữ tín, để mất người bạn hàng lâu năm ấy được. Bác Công nhờ người phiên dịch: Anh bảo nó tính lại đi, nhầm đấy. Anh phiên dịch bảo: Nó học chuyên ngành toán học, nhầm thế nào được; ông Elentim cũng xua tay: không nhầm đâu. Hai bác vẫn nhất quyết đưa máy tính bảo Elentim tính lại, đứng là nhầm 900 triệu thật, ông ấy há hốc miệng rồi sụp xuống tế sống vợ chồng bác; sự kiện này, đến nay nhiều người làm cho Tân Tiến vẫn còn nhắc lại. Bác Loan - vợ ông Bùi Minh Công bùi ngùi: Elentim mất, nhà bác không chỉ mất mối hàng mà còn mất đi một người bạn đã nhiều năm gắn bó, không lợi ích kinh tế, không chung ngôn ngữ nhưng đã coi nhau như anh em rồi.

Những giỏ hàng được phơi để tránh ẩm mốc (ảnh: Huy Viên)

Có vị khách đặc biệt nữa, ông ấy người Úc, ở Đà Lạt, ông đọc được bài về cơ sở Tân Tiến trên báo Phụ Nữ, mê mẩn với những sản phẩm trên báo, ông ra Hà Nội hỏi han rồi bắt tắc xi cứ thế chạy dọc đê sông hồng, đi đến bất cứ làng nào ven đê ông cũng nhảy xuống, trỏ ảnh cô gái hỏi: “Thanh Thu” (con gái bác Công). Trưa trờ trưa trật, nắng như thiêu trên mặt đê, gặp một người đàn ông cởi trần, đội nón lá, cái khăn mặt vắt vai đang ngồi lật giở những nan tre, ông Tây lại nhảy xuống xì xồ, chỉ vào tờ báo: “Thanh Thu, Thanh Thu?”. Người đàn ông đầm đìa mồ hôi gật đầu, dẫn ông Tây về nhà cô Thanh Thu, ông Tây hỏi: “Ông làm công cho bà Thanh Thu à?”, ông lại gật đầu dẫn ông Tây về nhà cô Thanh Thu, đang nói chuyện với chị Thu (chị học Ngoại ngữ) thì thấy người đàn ông trên đê khi nãy quần áo chỉnh tề mời ông Tây uống nước. Đến khi cô Thu giới thiệu, ông Tây mới ngớ người: “Ông chủ đây ư, dân dã quá, thế này thì thành công là đúng rồi”. Ông Tây nói ý tưởng cho giò lan để bán cho khách du lịch bên Úc, chị Thu ngồi phác thảo trên giấy, ông Tây nhìn vào gật đầu lia lịa: “Good, good!”

Qua những tháng năm dài, Tân Tiến ngày một phát triển, thị trường xuất khẩu rộng, Châu Âu, Châu Á, Châu Mỹ đều có những khách hàng lớn. Tân Tiến đã đón đoàn sinh viên thực tập Áo sang thăm làng nghề, đã được tôn vinh trên sóng hình quốc gia từ năm 2002. Đã mở rất nhiều lớp dạy nghề mây tre đan, nào Ba Chẽ - Quảng Ninh, Khoái Châu – Hưng Yên, Chương Mỹ - Hà Nội... Một thời gian dài Tân Tiến còn nuôi và dạy nghề cho hơn 50 nhân công nhí của làng nghèo Vĩnh Lộc (xã Thư Phú - Thường Tín). Nghề mây tre đan tạo công ăn việc làm cho rất nhiều gia đình trong làng (Ninh Sở - Thường Tín – Hà Nội) và các làng lân cận. Trẻ lớp 1 đã đan hàng nhoay nhoáy, thế nên khi tệ nạn xâm nhập vào rất nhiều thanh thiếu niên của các làng quê thì hầu hết thanh thiếu niên của họ đạo Bằng Sở vẫn “thuần phác” thôn quê.

Một trong những mẫu hàng sáng tạo của chị Nguyệt (Ảnh: Huy Viên)

Vừa kinh doanh, vừa tạo việc làm cho người làng, vừa truyền nghề cho con cái, anh Bùi Minh Thạch tốt nghiệp ĐH KHTN nhưng về làng phát triển nghề và gánh vác việc kinh doanh, đến nay anh đã vững chãi điều hành Tân Tiến dưới sự “quân sư” của bà Loan. Chị Nguyệt là cô con gái được thừa hưởng nhiều “gen” nghề của bố nhất, vẫn cùng chồng phát triển nghề mây tre đan, sản phẩm của chị ngày một phong phú, sáng tạo: lẵng hoa, giỏ đựng đồ, bình cắm hoa, tú xách… nhiều sản phẩm được xem như tác phẩm nghệ thuật chứ không đơn thuần là đồ dùng nữa, năm 2008 chị đã thành lập công ty riêng. Cậu út 25 tuổi, tốt nghiệp đại học là về quê phát triển nghề. Các con của nghệ nhân Bùi Minh Công đã, đang và sẽ giữ lời hứa trước lúc bố qua đời: “Gia đình mình còn thì Tân Tiến còn”.

Huy Viên

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự