Chú gà trống đứng trên bao diêm

22:21 29/10/2009

(Bài dự thi) - Ngày ấy bọn trẻ con chúng tôi hễ theo mẹ đi chợ là nằng nặc đòi mua cái bao diêm có chú gà trống oai vệ đứng trên. Cái bao diêm nhỏ xinh, có thể đút túi rồi đến lớp đem ra khoe với lũ bạn, hí háu với nhau được một lúc thì đứa vặt chân, đứa cấu mào cho vào miệng nhai ngon lành.

Thi thoảng được một hôm ở cổng trường có bán gà trống trên bao diêm, chúng tôi lại cấu chí chen nhau và tranh nhau mua cho bằng được. Mãi sau này lớn lên tôi mới biết chú gà trống đứng trên bao diêm ấy được gọi là tò he, và tò he phong phú lắm chứ không chỉ có chú gà trống mẹ vẫn mua, đến bây giờ, tôi vẫn chưa thấy thứ đồ chơi nào vừa chơi được lại vừa ăn được như tò he cả...

Tò he.
Ảnh Đất Việt


Khắp Việt Nam yêu dấu, duy nhất một làng nhỏ của Hà Tây cũ (làng Xuân La - Phượng Dực – Phú Xuyên) có những nghệ nhân nặn tò he. Thế nhưng tò he đã có mặt trên khắp các tỉnh thành từ lâu lắm rồi, ở đâu cũng được trẻ con yêu thích. Những ngày hội, nơi nào trẻ tụm lại nhiều nhất ắt hẳn đó là chỗ ngồi của các cô chú nặn tò he: “Cho cháu Đôrêmon/ Cho cháu Picachu/ Cháu thích Tề Thiên Đại Thánh...”, dẫu những lời đề nghị liên tiếp được đưa ra nhưng chẳng đứa nào nói to cả bởi những đôi mắt đang dán vào bàn tay khéo léo đang véo bột, “tạo hình” cho những chú tò he. Cụ Đặng Văn Hạ đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn một tháng hai lần “trốn” con cháu cắp đồ nghề lên Hàng Mã ngồi nặn tò he. Cụ bảo không đi thì không chịu được, đã gắn bó với nó hơn sáu mươi năm rồi. Có lần một thằng bé mua tò he, lát sau nó chạy lại đưa cụ cái que: “Cháu trả ông này”, miệng nó vẫn dính bột nếp xanh đỏ.

Những chú tò he làm từ bột nếp được đồ chín, màu sắc được lấy từ tự nhiên: đỏ của gấc, của lá diễn, xanh của các loại lá cây…nên bọn trẻ có thể ăn mà chẳng phải lo lắng gì, lần nào chú bán tò he cũng dặn nếu ăn thì phải ăn ngay nhé, không được để lâu đâu. Tôi thì chẳng bao giờ ăn tò he cả, bao nhiêu tài hoa, bao nhiêu sự khéo léo và cả trí tưởng tượng của người nặn gom cả lại trong đó, cứ nghĩ đến việc vặt tò he thành từng mẩu tôi đã thấy tiếc. Những con tò he của tôi để đến hàng tuần khô nứt ra, mẹ mắng mà tôi vẫn không chịu bỏ vì dù nứt nhưng tò he vẫn rất đẹp, màu sắc vẫn tươi nguyên.

Hình như điều mà đứa trẻ nào cũng thích ở tò he không chỉ là sắc màu xanh đỏ mà bởi sự sinh động của nó, chỉ cần nói ra thứ mình mơ ước là dăm phút sau giấc mơ đã thành hiện thực rồi. Có lần một cháu bảo anh Kha (cháu ngoại cụ Hạ) nặn cho cô mèo Kitty, anh Kha lúng túng vì chưa bao giờ trông thấy hình ảnh của Kitty cả, cháu nó chỉ vào cái hình trên cặp sách: “Như thế này này”, lát sau cháu bé đã hào hứng với cô Kitty trên tay rồi. Bất kể cái gì, chỉ nhìn thấy một lần thôi là người nặn tò he ai ai cũng làm được chứ không chỉ có gà trống trên bao diêm ngày trước bọn em vẫn chơi đâu (tất nhiên là đẹp ít hay nhiều còn phụ thuộc vào hoa tay mỗi người nữa).

Những đồ chơi điện tử ngoại nhập đắt tiền sao sánh bằng thứ đồ chơi làm từ bột nếp rất Việt ấy. Người lớn nhiều khi chỉ là tiện thể thì mua đồ chơi cho con trẻ chứ thực sự rất ít nghĩ đến việc những tờ giấy trắng của mình sẽ nhận được gì từ đó. Bọn trẻ, khi mua máy bay thì chơi máy bay, mua ô tô thì chơi ô tô nhưng nếu đặt chú gà trống đứng trên bao diêm bên cạnh đống đồ chơi điện tử đó hẳn chúng sẽ chọn tò he. Rất ít phụ huynh được nhìn thấy cảnh con mình hào hứng nặn tò he như các cháu ở một số trường mầm non của Hà Đông, đây chính là phương pháp kích thích sự sáng tạo của trẻ.

Không những chiếm được cảm tình của nhiều thế hệ người Việt Nam mà còn được người nước ngoài thích thú. Tò he Xuân La đã đem theo hồn Việt “du Mỹ, du Nhật” mấy lần, nhiều nhà hàng, khách sạn còn mời nghệ nhân nặn tò he đến để khách nước ngoài được “tận mục sở thị”. Thù lao mỗi giờ của anh Kha lên tới hai ba trăm nghìn, anh vừa thoăn thoắt với chú gà trống đứng trên bao diêm đang nặn trên tay vừa kết luận: “thế mới biết hàng Việt mình cũng có giá lắm đấy cô ạ!”.

Huy Viên

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự