Hàng Việt - Đừng ham khoe giải thưởng

22:04 29/10/2009

(Bài dự thi) - Đọc một mẫu quảng cáo sản phẩm hay thông tin ghi trên bao bì hàng Việt, chúng ta dễ nhận thấy nhà sản xuất rất thích “khoe” những giải thưởng mà doanh nghiệp mình đạt được. Nào là bằng khen, giấy chứng nhận, đạt cúp này, lọt vào topten kia… Tất cả đều được nhà sản xuất trưng ra như là “bảo bối” để mê hoặc người tiêu dùng.

Những giải thưởng này sẽ có giá trị khi nó  được chứng thực bởi những tổ chức, cơ quan có uy tín. Và quan trọng hơn, chất lượng sản phẩm đó phải thực sự tương xứng với những giải thưởng đạt được.  

Nhưng đáng buồn là phần nhiều giải thưởng đó được  “mua bằng tiền”, chỉ là hư danh nhằm  “lòe” thiên hạ, mà cụ thể là  người tiêu dùng. Một thực trạng đáng phê phán của không ít doanh nghiệp nước ta là thay vì tập trung đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm và chế độ hậu mãi chu đáo, nhiều đơn vị lại chọn cách “mua giải thưởng” để che đậy những khiếm khuyết của sản phẩm.

Khi chọn mua sản phẩm nào đó, phần lớn người tiêu dùng đều có tâm lý tìm hiểu “lai lịch” nhà sản xuất. Giữa một sản phẩm đã đoạt giải thưởng này, cúp vàng kia với một sản phẩm chưa có “số má” gì, đại đa số sẽ chọn sản phẩm đã được trao giải thưởng.  

Thực tế thì lòng tin đó của người tiêu dùng cũng được đền đáp khi có rất nhiều mặt hàng Việt đã đoạt các giải thưởng có chất lượng tốt, ổn định. Tạo được lòng tin và không ngừng củng cố, nâng cao uy tín sản phẩm bằng tinh thần trách nhiệm và phương châm xem “khách hàng là thưởng đế”, những doanh nghiệp đó đã chinh phục được khách hàng Việt và chiếm lĩnh được thị trường nội địa.

Ngược lại, có khá nhiều doanh nghiệp lại thích phô trương, chủ định dùng các danh hiệu, giải thưởng để khỏa lấp những yếu kém của sản phẩm. Bằng cách này, không ít nhà sản xuất đã “quyến rũ” được người tiêu dùng và khiến họ “lóa mắt”. Nhưng như cha ông ta đã nói “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, dần dần người tiêu dùng cũng “tỉnh ngộ”, nhận rõ “bộ mặt thật” của sản phẩm. Khi đó họ sẽ “nghỉ chơi” và tẩy chay sản phẩm của nhà sản xuất đó.

Tới  đây tôi lại nhớ ngay đến một doanh nghiệp ở  ngành tôi đang công tác. Doanh nghiệp này có quy mô khá nhỏ tại Tây Nguyên, sản phẩm chưa có gì nổi trội, nhiều năm liền kinh doanh chật vật. Vậy nhưng lạ thay, vài năm gần đây, công ty liên tục đoạt hết giải thưởng này tới cúp vàng nọ. Tại văn phòng công ty trưng bày vô số huy tượng các giải thưởng, ngay đến vị giám đốc cũng không nhớ và không thể nào biết hết giải thưởng đó nhận khi nào, ai trao.  

Giải thưởng thì nhiều vậy nhưng tình hình sản xuất kinh doanh của công ty chẳng lấy gì làm sáng sủa, bởi chất lượng sản phẩm còn nhiều hạn chế, công tác tiếp thị và chăm sóc khách hàng kém nên khâu tiêu thụ gặp khó, giá bán luôn thấp hơn so với sản phẩm cùng loại của những đơn vị khác trong ngành. Đem điều này trao đổi với giám đốc một đơn vị lớn ở Đông Nam bộ, ông cười tủm và phân tích: “Giải thưởng mua hết đó mà! Sản phẩm thì kém mà liên tục đoạt giải, chẳng khác gì thùng rỗng kêu to. Không giải thưởng nào giá trị và có ý nghĩa sống còn với doanh nghiệp bằng sự tín nhiệm của khách hàng. Mà muốn vậy thì nhà sản xuất luôn nỗ lực cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm và chăm sóc khách hàng chu đáo”.

Chiếc  áo không làm nên thầy tu. Giải thưởng không thể thay thế chất lượng sản phẩm mà phải “đồng hành” cùng chất lượng. Để chinh phục và “giữ chân” khách hàng Việt, rõ ràng các doanh nghiệp cần phải chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường chế độ hậu mãi, luôn xem trọng quyền lợi của khách hàng. Như vậy cũng chính là làm lợi cho bản thân doanh nghiệp, theo công thức WIN-WIN (cùng có lợi). Phải xem đó chính là vấn đề sống còn của doanh nghiệp. Hữu xã tự nhiên hương. Làm được vậy, tự khách hàng sẽ “cảm”, “mến” rồi “yêu” và thủy chung gắn bó chứ không phải phô trương những “bộ cánh” giải thưởng hư danh, vô thực.

Nguyễn Phi Long

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự