Chuyện một nhà thuốc đông y

07:42 28/10/2009

(Bài dự thi) - Ngược lại với thời gian lịch sử, thời phong kiến, đông y là nền y học chính thống của nước ta, là một bộ phận văn hoá của dân tộc. Vua Tự Đức từng có dụ rằng: “ Trẫm nghe, thầy thuốc dù nhỏ, cũng là thuật nhân từ, là việc cần thiết nhất trong 9 hạng. Thế nên đế vương đời xưa tìm vị thuốc, định bài thuốc để giúp đời sống nhân dân, thực có công với thiên hạ vạn đời”.

Những năm đầu thế kỷ XX nền y học dân tộc Việt Nam đã phát triển mạnh nhất là ở các thành phố lớn. Năm 1942, ở Huế có 3 hiệu thuốc Đông y cùng lúc ra đời đó là Tế Lợi Đường, Vĩnh Tường Đường và Thiên Lương Đường. Từ đó Huế trở thành một trung tâm Đông Y lớn của quốc gia, quy tụ nhiều lương y giỏi, nhiều nhà thuốc lớn.

Hiệu thuốc Tế Lợi Đường do cụ Nguyễn Văn Lệ sáng lập. Vốn sinh ra trong dòng dõi có ông nội từng là thầy thuốc trong quân đội triều Nguyễn, cụ Lệ đã theo học nghề y học cổ truyền từ nhỏ và cụ đã biết kết hợp những tinh hoa của y học cổ truyền Việt Nam với những bài thuốc của y học Trung Hoa để từ đó hành nghề y giữa chốn dân gian: “ Tế thế cho bằng được thuốc hay- Lợi cho dân bệnh có nơi này”

Lương y Lê Hữu Mạch  -Chủ tịch Hội Đông Y TP Huế hồi ức lại: “ Hồi đó ở Huế các hiệu thuốc đều của người Trung Quốc, giá cả rất đắt đỏ. Khi các hiệu thuốc Tế Lợi Đường, Thiên Lương Đường ra đời giá cả hợp lý nên các lương y ở đất Cố đô đều chuyển sang mua thuốc của người Việt mình. Từ đó các hiệu thuốc của người Trung Quốc cũng thưa dần và cũng chỉ mấy năm sau các hiệu thuốc Đông y của người Việt đã chiếm lĩnh gần như toàn bộ thị trường ở Huế...”

Nối đạo nghiệp y học cổ truyền của cha, lương y Nguyễn Văn Cừ đã tiếp tục phát triển hiệu thuốc Tế Lợi Đường trong suốt hơn 40 năm qua. Ông Cừ cho biết nghề Đông Y là một nghề vô cùng khó và đòi hỏi phải cần có y đạo, y đức và giàu lòng nhân ái. Chính tấm lòng nhân từ và đạo làm thầy thuốc mẫu mực của cha đã thôi thúc ông Cừ tiếp tục đam mê với nghề Đông Y. Thế nhưng theo lương y Nguyễn Văn Cừ thì truyền cách thức làm ăn thì dễ nhưng truyền tinh thần làm thuốc để trị bệnh cứu người thì rất khó.

Nghề y học dân tộc Việt Nam cũng có những nét tinh hoa riêng; ví như để có được những thang thuốc, những viên thuốc... thì cần phải đi đôi với tiểu thủ công nghiệp qua các công đoạn sao, bào chế một cách mỹ thuật đòi hỏi người thầy thuốc phải có đôi bàn tay khéo léo và cả trí óc minh mẫn...Ông Cừ còn nói thêm là ông cũng các lương y khác ở Huế đang có ý kiến đề xuất thành phố Huế nên đưa nghề y học dân tộc cổ truyền vào trong chương trình lễ hội Festival nghề truyền thống kỳ tới...

Sinh thời lương y Nguyễn Văn Lệ còn là một nhà thơ với những bài thơ đường luật, thất ngôn bát cú... vịnh về nghề thuốc, phong cảnh quê hương hay cả những bài thơ  đả kích những thói hư tật xấu của người đời. Nối nghiệp cha và cũng ảnh hưởng sâu đậm lòng yêu thơ văn của cha mình, lương y Nguyễn Văn Cừ cũng rất say mê thơ phú và chơi thư pháp. Ông quan niệm làm thuốc và làm thơ rất gần với nhau đều xuất phát từ một chữ Tâm đối với đời, với người. Cũng chính vì thế mà căn nhà ông luôn là điểm hẹn của những nhà thơ, nhà thư pháp như Nguyễn Quang Hà, Nguyệt Đình... Họ đến đó để đàm đạo, để viết thư pháp và đọc cho nhau nghe những sáng tác mới

Ở Huế có đến gần 100 lương y đang hành nghề; điều này cho thấy nghề y học cổ truyền dân tộc là một nghề truyền thống đáng tụ hào của đất cố đô. Cùng với những hiệu thuốc nổi tiếng lâu năm của đất thần kinh, hiệu thuốc Tế Lợi Đường của lương y Nguyễn Văn Cừ đã góp phần mình trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị y học của cha ông. Nhưng qua câu chuyện với ông chúng tôi vẫn cảm nhận được một nỗi buồn man mác đó là nghề y học cổ truyền đang chững lại và những người trẻ tuổi họ không còn có sự đam mê với nghề như thế hệ ông cha ngày nào...

Lê Phi Tân

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự