Thành Nhân - Ta hay không phải ta?

20:42 19/10/2009

(Bài dự thi) - Ông Nội tôi có một bó đũa mun bỏ trong cái ống đậy nắp kín . Đến bữa cơm người nhà thường lấy ra một đôi để ông tôi dùng.

Ông tôi ngồi riêng trên sập. Cơm, thức ăn bày trong một cái mâm thau (đồng) có ba chân. Bà trẻ, các o và mấy người giúp việc ngồi chung quanh cái mươn (bàn chữ nhật, thấp, mặt kết bằng những thanh tre) đặt giữa nền nhà.  Tôi vào. Gặp bữa. Ông bảo lấy hai đôi đũa là tôi tự hiểu, lễ phép leo lên ngồi với ông. Từ nhỏ, đôi đũa mun đã thấm vào tâm khảm tôi như thể “món ngon nhớ đời”.

Sau ngày có chủ trương hợp tự phá đền chùa (1952), ông Nội tôi đổi tính. Ít thơ phú, chuyện trò. Suốt ngày trầm ngâm rồi thọ bệnh, qua đời, hưởng thọ 85 tuổi. Từ đó ống đũa mun đặt trên bàn thờ ông tôi ít khi mở ra. Tôi nhập ngũ. Trước ngày lên đường vào chào bà trẻ và xin bà một đôi đũa mun. Con cháu ra trận xin gì mà chẳng được. Bà thắp hương lên bàn thờ ông Nội tôi rồi thì thầm khấn xin cho tôi một đôi đũa mun. Vài ngày sau tôi trở thành tân binh của Trung đoàn 44 và cấp tốc hành quân lên Tây Bắc.

Hành trang của tôi đựng trong cái ba lô bằng da bò (loại làm mặt trống), ngoài bộ quân phục vải xita sợi kép Bình Định mới được cấp, còn có đôi đũa mun. Vì là kỷ vật nên tôi ít khi đưa ra dùng. Lính ở rừng thiếu gì tre. Tre đan mũ. Tre làm bi đông đựng nước. Tre vót đũa. Tôi vót đũa đòng đòng vào loại có kỹ năng. Đôi đũa tre thay đũa mun hằng bữa. Cuối tháng 5 Đại đoàn 316 của chúng tôi rời Mường Thanh về xuôi. Ngang Hát Lót vì mưa, vì mệt tôi ngủ gật nên bước nhầm rơi xuống hố bom cạnh đường 41. Đồng đội không ai biết. Loay hoay mãi tôi mới mò lên được. Vừa sợ cọp, vừa sợ lạc đường tôi chạy như ma đuổi. Gặp đơn vị khi trời gần sáng. Anh Xứng đồng hương Hà Tĩnh quê ở làng Bùi Xá, huyện Đức Thọ, phụ trách tổ nuôi quân chỉ cho tôi một cái hố lót ni lông đổ đầy nước nóng. Tôi ngâm chân rồi lăn ra ngủ. Đến bữa trưa, nhớ đôi đũa thì ôi thôi. Ba lô trật khuy cài. Đũa mun, đũa tre không cánh mà rủ nhau bay.

Về đến Thọ Xuân, Thanh Hoá tôi mong được đi phép để xin đôi đũa mun khác. Nhưng kế hoạch tác chiến của Đại đoàn chuẩn bị sang Thượng Lào. Tháng 7 đến. Hiệp định Giơ-ne-vơ đã ký. Đại đoàn 316 hành quân ra Hoàng Hoá đón đồng bào miền Nam tập kết. Tôi nôn nao muốn xin nghỉ phép, thì nhận được thư của một bạn học cũ, báo tin Cha tôi đã bị bắt đi tù, không nên về. Tôi biết điều gì đã xẩy ra với gia đình tôi. Trong biến cố năm đó (1955), ống đũa mun của ông Nội tôi cùng với bát đĩa, nồi niêu, mâm bàn, nhà cửa đều là “quả thực” chia sạch cho nông dân rồi. Tôi nôn nao tìm cách ra quân.

Đôi đũa mun trở thành nỗi day dứt trong tôi từ đó. Nhiều năm qua tôi muốn tìm kiếm. Đũa mun Phan Rang bán đầy đường. Nhưng đũa chẳng nên đũa. Que chẳng nên que. Coi như thất vọng. Vừa rồi ra chợ Kim Long tình cờ đứng bên quầy hàng gia dụng thấy một người cầm hộp đũa mun Thành Nhân, tôi sáng mắt lên. “Đũa mun mà mình hàng mơ tưởng đây rồi”. Tôi sung sướng quá. Mua ngay một hộp.

Gia công một chút thôi là có ngay bó đũa giống hệt đũa mun của ông Nội. Tôi nghĩ thế.  

Quả là đẹp. Có lẽ là mun thật. Đen nhánh như vậy hẵn không phải là hàng nhuộm. Nhưng rồi sực tỉnh, nhớ lại bài viết về đũa Tàu, tình cờ tôi đọc được trên tờ Thời Báo, khi sang Montreal (Canada) giữa năm 2008. Người Tàu tài lắm. Họ dùng toàn gỗ tận dụng, kể cả ván thôi, ván cầu, gỗ cốp pha … ngâm tẩm làm nên đủ loại đũa “quý”, đủ loại đũa mầu.

Nhìn hộp đũa với ba loại chữ : Thành Nhân, chữ Việt nhỏ. Thành Nhân cấp cao, chữ Hán to. Thanh Nhan High Quality, chữ Anh nhỏ. Lật tìm quanh sáu mặt chẳng thấy một chút thông điệp gì về xuất xứ.

Vậy là băn khoăn dấy lên. Đũa đẹp, hấp dẫn. Muốn mua thêm. Nhưng lại sợ nhầm. Loại sản phẩm không có địa chỉ, không rõ xuất xứ lập lờ, quả thật đáng ngại. Giá mà có một chút gì để làm tin “đích thị là hàng Việt” thì hay biết nhường nào.

Thương hiệu. Vâng. Minh bạch, rõ ràng. Cần thiết lắm thay.
Thành Nhân. Ta hay không phải ta? 

Ưng Mái (Huế)

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự