Đồ chơi trẻ em – bài toán chưa có lời giải

00:05 19/10/2009

(Bài dự thi) - Kỷ niệm giống như  một đoàn tàu mà trong đó những kỷ niệm  được xếp vào từng toa. Có kỷ niệm nào buồn hơn khi đánh mất đi những điều quý giá nhất. Và còn nỗi buồn nào hơn khi không lưu giữ được một kỷ niệm nào trong tâm hồn…Kỷ niệm là khởi nguồn từ những gì mình gắn bó, yêu thương, không có kỷ niệm cũng giống như đánh mất đi đoàn tàu.


Hồi nhỏ, lúc lên 6 tuổi tôi  được ba tặng cho một con tàu bằng sắt sơn xanh sơn  đỏ. Với một con bé 6 tuổi lúc ấy thì đấy là một món đồ chơi kỳ diệu. Chỉ cần đổ dầu hỏa vào hộp dầu, châm lửa vào sợi bấc nhỏ xíu rồi đặt vào lòng con tàu là tiếng xình xịch vang lên rộn rã, con tàu nhúc nhích chuyển động dần trên mặt nước, đi đến khi cạn dầu mới dừng lại. Tôi thích quá hét vang nhà: “ Ba Dũng ơi, con tàu chạy đây này” Ba cười rất tươi và bảo: “ Thì là hàng Việt Nam chất lượng cao mà con”.

Rồi tôi đem theo khi ngủ, tôi trùm chăn kín đầu và bật đèn pin lôi con tàu ra gắm nghía. Lúc ấy tôi đã hình dung chiếc tàu giống như một chòm sao đi lạc vào trong chăn. Sau này khi kinh tế gia đình đã khá hơn, tôi có được những búp bê, gấu bông, xe đạp ba bánh…nhưng suốt một thời tuổi nhỏ, con tàu là món đồ chơi duy nhất mà tôi yêu quý và giữ gìn nhất.


Sinh nhật cu Bi tròn 6 tuổi, cũng trạc tuổi tôi ngày xưa, tôi và mẹ đưa em đi quanh các phố lớn bán đồ chơi trên địa bàn Hà Nội: Hà Mã, Lương Văn Can, Chả Cá…để chọn đồ chơi cho em. Điều dễ nhận thấy là hàng hóa “ made in China” khá phong phú, nhất là siêu nhân, ô tô điều khiển từ xa, súng nước, rô bốt…Hàng sản xuất trong nước chiếm vị trí khá khiêm tốn, thậm chí ở nhiều quầy hàng hai mẹ con tìm đỏ cả mắt cũng không thấy các mặt hàng mang nhãn hiệu “made in Việt Nam”. Cu Bi dán chặt mắt vào những chiếc xe đạp chạy bằng pin, cứ đạp là phát ra tiếng nhạc, bộ đồ chơi câu cá có gắn những thanh nam châm vào chiếc cần câu…

Tôi và mẹ muốn tìm cho em  chơi đồ chơi của trong nước sản xuất nhưng tiếc là không tìm được sản phẩm ưng ý. Chị Hồng chủ cửa hàng đồ chơi trên phố Hòa Mã cho biết: “Cửa hàng tôi hầu như chỉ bán hàng Trung Quốc, giá rẻ, mẫu mã nhiều, hàng trong nước khó bán lắm vì giá cao quá, quanh năm suốt tháng chỉ có mấy mẫu nên tụi trẻ con nó không thích”. Lựa chọn một lúc cuối cùng cu Bi đòi mua chiếc tàu hỏa có phát dạ quang, chạy điều khiển từ xa còn có thêm đèn nhấp nháy. Chị bán hàng bảo: “So với các sản phẩm trong nước như ô tô, máy bay, hươu, nai… thì cái tàu hỏa này giá bán chỉ bằng ½ thôi, kiểu dáng thì hiện đại, đa dạng chứ đâu như cái tàu bằng sắt “ made in Việt Nam” sơn xanh sơn đỏ chạy bằng dầu hỏa như cái thời xa xưa. Cửa hàng em vô số chủng loại, mẫu mã, các thượng đế nhí tha hồ mà lựa chọn” Nhìn cu Bi phấn khích với chiếc tàu “made in China” trong tay, tôi chợt nhớ về chiếc tàu ba tặng tôi ngày bé, sao mà khác xa nhau thế.

Đồ chơi là những thứ rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ, thế giới tuổi thơ của các em bây giờ sống động với vô số thứ đồ chơi xinh đẹp, hiện đại. Gần 20 năm về trước, tôi cũng là trẻ con, được cầm những thứ đồ chơi đẹp trong tay là  một niềm mơ ước cả năm trời. Con tàu sắt ngày xưa tôi vẫn còn giứ được dù nó không còn chạy được nữa bởi sẽ rất đau đớn cho trái tim mỗi người khi phải lìa xa những gì là thân thuộc, là thương mến, là quý giá. Con tàu sắt “made in Việt Nam” của tôi ngày trước giờ cũng được các nhà sản xuất Việt Nam thay hình đổi dạng: nguyên liệu bằng nhưa, chạy bằng pin…nhưng so với con tàu mà cu Bi đang sử dụng thì nó khác xa nhiều lắm. Tôi thấy, các đồ chơi dành cho trẻ em hiện nay trên thị trường phải có đến 80/% những đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc. Mặc dù thị trường đồ chơi dành cho trẻ em rất phong phú và giàu tiềm năng nhưng các doanh nghiệp sản xuất đồ chơi trong nước chưa để ý đến việc chiếm lĩnh thị trường mà mới chỉ chú trọng vào việc sản xuất các mặt hàng phục vụ trường học. Hàng Việt Nam chưa đủ sức cạnh tranh với hàng Trung Quốc  là vì hàng Trung Quốc đa dạng về chủng loại, mẫu mã, phù hợp với túi tiền của người Việt Nam, giá cả vừa phải, nắm bắt được tâm lý và sở thích của trẻ em. Muốn cạnh tranh với Trung Quốc thì phải cải tiến mẫu mã, song như vậy phải cần vốn lớn và đầu tư nhiều thời gian. Các công ty trong nước lại chủ yếu là công ty nhà nước có số vốn hạn hẹp. Trong khi đó, Trung Quốc đã có thâm niên trong lĩnh vực đồ chơi, lại có thế mạnh về mẫu mã. Đồ chơi dành cho trẻ em muốn duy trì được sức mua của người tiêu dùng thì các doanh nghiệp sản xuất trong nước phải nhìn từ gốc của vấn đề. Yếu tố giá rẻ đã giúp hàng Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường nội địa Việt Nam một cách dễ dàng. Vì vậy hàng sản xuất trong nước ngoài yếu tố chất lượng thì giá cả phải rẻ.

Vứt bỏ và buông xuôi là điều dễ dàng nhất ai cũng có thể làm, con tàu sắt “made in Việt Nam” ngày xưa tôi vẫn gìn giữ và nâng niu như một kỷ niệm khó quên, dù bây giờ thị trường không thiều gì những con tàu “made in China” hiện đại và công nghệ. Hy vọng thời gian tới thị trường đồ chơi trong nước sẽ xuất hiện nhiều hơn nữa những sản phẩm mang nhãn hiệu “made in Việt Nam” vừa đa dạng về chủng loại, phù hợp với tâm lý của trẻ nhỏ và mang đậm bản sắc dân tộc.

Bảo Yên( Hà Nội)

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự