Nghề làm miến ở Kiện Khê

11:40 18/10/2009

(Bài dự thi) - Làng mình bốn mùa làm miến và bánh đa
Những mẻ bánh ướt phơi dọc bờ sông Châu yên ả
Sớm mai ra cả bờ sông trắng xóa…

Làng tôi (Kiện Khê- Thanh Liêm, Hà Nam) là ngôi làng cổ kính uốn mình theo dòng sông Châu nổi tiếng với nghề làm miến đã có từ lâu đời. Ngày ngày những người dân trong làng vẫn say mê làm miến.

Miến ở Kiện Khê nổi tiếng sợi nhỏ, dai và hợp khẩu vị của người tiêu dùng. Miến là món ăn không thể thiếu trong các ngày lễ, tết, cúng giỗ ở các vùng nông thôn miền Bắc nước ta. Ở các thành phố lớn, miến cũng góp mặt trong các món ăn thông dụng như: miến ngan, miến cua, miến lươn…Trước kia nghề làm miến ở Kiện Khê được sản xuất theo cách thủ công, truyền thống. Đầu tiên là phải chọn bột, lọc bột 2 đến 3 lần sau đó đánh bột, đưa vào chảo tráng ra bánh. Nghề làm miến đã có từ hàng trăm năm nay.

Từ năm 1950 của thế kỷ trước, khi đất nước còn khó khăn về lương thực, người dân Kiện Khê đã dùng cái khó khăn ấy , sử dụng tinh bột củ dong để làm miến. Sau đó trải qua công đoạn kéo bánh, làm giãn miến trước khi phơi, cuối cùng thì sử dụng phương pháp thủ công là dùng dao, kéo để cắt miến. Trước đây, số người theo nghề không nhiều lại sản xuất manh mún, thủ công, thu nhập chưa cao nên thu hút được ít lao động. Bây giờ nghề làm miến ở làng tôi không còn sản xuất thủ công nữa mà dây chuyền sản xuất miến  đã hiện đại hơn rất nhiều, tất cả các quy trình từ đánh bột, tráng bánh đến cắt miến đều làm bằng máy. Gia đình ông Tuy- đã gắn bó vài chục năm với nghề cho biết: “ mỗi gia đình ở Kiện Khê trung bình sản xuất được vài ba tạ, sau đó thì được chuyển đi khắp mọi miền. Chúng tôi rất vui vì duy trì và phát huy được nghề của cha ông để lại” Miến ở Kiện Khê có hai loại là miến trắng và miến trắng mộc. Miến trắng mộc làm khó hơn, kỹ thuật cao hơn nên giá thành của loại miến này cao hơn miến trắng khoảng 7 đến 10 nghìn/1 kg. Nghề làm miến phát triển trong những năm gần đây làm cho đời sống của người dân không ngừng được nâng cao, nghề làm miến phát triển tạo công ăn việc làm cho người lao động, đặc biệt là những người chở miến đi tiêu thụ ở các chợ. Miến Kiện Khê len lỏi đi khắp các chợ trên địa bàn huyện như chợ Tía, chợ Giát… và có mặt ở nhiều thành phố lớn. Nghề làm miến mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu hút nguồn lao động nhàn rỗi, gắn kết thêm giá trị thuần việt cho Kiện Khê, giúp Kiện Khê có tiềm lực về kinh tế và nâng cao đời sống cho nhân dân.


Tôi trọ học xa nhà, thỉnh thoảng về thăm quê thích nhất là được đi dọc bờ sông Châu, ngắm những hàng miến phơi thành từng dãy, miến buông rủ đẹp như mành che. Thấy làng mình đang từng ngày đổi thay nhờ nghề làm miến, tôi thấy thật vui và tự hào khi nghề làm miến từ bao đời nay của cha ông giờ được người dân Kiện Khê duy trì và phát huy mạnh mẽ. Lần nào về thăm nhà, y như rằng lúc lên trường bao giờ mẹ cũng dúi vào tay tôi mấy cân miến được bọc trong túi nilong và dặn dò: “mang lên cho các bạn cùng ăn” .

Chiều thứ bảy mưa như trút nước, lũ bạn góp tiền mua tôm, thịt, nấm hương để tôi trổ tài món tôm xào miến. Đứa nào cũng tấm tắc khen miến dai, sợi nhỏ, không bị trương lại hòa quyện cùng mùi tôm, thịt, mùi nấm hương, ăn một lần là nhớ mãi. Nói rồi bọn nó nhăm nhe “ chúng tao sẽ về thăm quê mày”. Tôi tin tưởng một ngày không xa nữa, nghề làm miến sẽ có thêm nhiều khởi sắc để miến Kiện Khê không chỉ là sản phẩm tiêu thụ trong nước mà còn vươn ra với những thị trường rộng lớn hơn.


Bảo Yên ( Hà Nội)

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự