Thướt tha tà áo Việt

10:47 14/10/2009

(Bài dự thi) - Trong tiết thu se sẽ lạnh, một chiều dạo bước dọc con phố Lương Văn Can, bất chợt đập vào mắt tôi hình ảnh tà áo dài của một cô nữ sinh trung học. Thấy như mọi ồn ào phố thị dịu đi, lặng lẽ hơn sau màu áo trắng tinh khôi, bình yên bay trong gió thu mỏng manh. Tâm trí xao động, một mình tôi miên man với cuộc hành trình ngược quá khứ trở về ngọn nguồn lịch sử của tà áo dài truyền thống Việt Nam.

Trong “Phủ biên tạp lục”, nhà bác học Lê Quý Đôn viết: “Chúa Nguyễn Phúc Khoát đã viết nên những trang sử đầu tiên cho chiếc áo dài Việt”. Thuở xa xưa người phụ nữ Việt gắn với nét đẹp cổ điển bằng áo tứ thân, áo bà ba. Từ khi chiếc áo dài ra đời đã kế thừa được nét đẹp truyền thống đó đồng thời tôn lên một vẻ đẹp hiện đại, mới mẻ.

Thiếu nữ Hà Nội xưa với áo dài Lemur


Cha đẻ của áo dài là họa sĩ Nguyễn Cát Tường. Năm 1934, trên chuyên đề “Đẹp” của Phong Hóa, họa sĩ Nguyễn Cát Tường đã giới thiệu bộ sưu tập “Hoa Hồng giờ Tý” và đã được đông đảo nữ giới thời bấy giờ hưởng ứng. Cũng trong năm đó trên tờ Phong Hóa, trong bài viết “Y phục của phụ nữ”, họa sĩ đã trình bày quan điểm của mình về kiểu áo dài Lemur do ông thiết kế: “Trước hết nó phải phù hợp với khí hậu xứ ta, với thời tiết các mùa, với công việc, với mực thước của thân mình mỗi bạn, sau nữa nó phải gọn gàng giản dị, mạnh mẽ, có mỹ thuật và lịch sự. Nhưng dù thế nào nó cũng phải có tính cách riêng của nước nhà mới được”. Qua hồi ức “Cha tôi trong tâm tưởng”, con gái của họa sĩ Nguyễn Cát Tường trích dẫn lời khen tặng của dư luận thời bấy giờ về chiếc áo dài như sau: “Kiểu áo Cát Tường đã làm cho chị em thêm diễm lệ ở nét mặt, thêm phần thướt tha, đầy đặn ở hình vóc, thêm vẻ yểu điệu và uyển chuyển cho dáng đi”.

Sau đó, họa sĩ Lê Phổ đã hoàn chỉnh thêm chiếc áo dài Lemur của ông, bỏ bớt những nét lai căng, cứng nhắc đi đồng thời kết hợp thêm các yếu tố dân tộc từ áo tứ thân, ngũ thân để tạo nên một kiểu áo vạt dài cổ kính ôm sát thân người trong khi hai vạt dưới vẫn được tự do bay lượn. Kiểu mẫu này chứng tỏ sự dung hợp hài hòa, toàn vẹn giữa cái truyền thống và cái hiện đại, đã được giới nữ thời đó hoan nghênh nhiệt liệt như: thứ phi Mộng Điệp; nghệ sĩ cải lương Phùng Há, nữ luật sư Nguyễn Thị Hậu…Từ đó, áo dài Việt đã tìm được hình hài chuẩn mực của nó và từ bấy đến nay, dù trải qua bao thăng trầm, bao cách tân cách điệu thì hình dạng chiếc áo dài về cơ bản vẫn được giữ nguyên.

Thiếu nữ với áo dài ngày nay


Áo dài Việt Nam được xem là di sản độc đáo của dân tộc, là quốc hồn, quốc túy của nước nhà. Các nhà thiết kế thời trang nước ngoài đã không ngớt trầm trồ: “Áo dài của phụ nữ Việt Nam có vẻ đẹp dịu dàng mà không yếu đuối, gợi cảm mà không phô bày lộ liễu, dân tộc mà không thiếu tính hiện đại. Tà áo dài ấy đã trở thành vẻ đẹp đặc trưng của người phụ nữ Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế”.

Chiếc  áo dài ngỡ như che đậy tất cả mà lại không giấu diếm chút gì. Phía trên áo như một lớp da thứ hai dán chặt vào bộ ngực và cánh tay kết hợp với một vòng cổ áo đứng nền nã. Từ thắt lưng trở xuống được xẻ làm đôi, tà áo nhẹ bay, uốn lượn tới gần đầu gối. Dưới đó là chiếc quần lụa rộng vải mềm một màu, dưới chân đi đôi guốc hay đi giày đều tôn dáng thanh cao đài các. Với phụ nữ Việt, chiếc áo dài không giới hạn, có thể diện ở bất cứ nơi đâu đều toát lên một vẻ đẹp trang trọng như nơi công sở, đồng phục đi học của nữ sinh, đi chơi, tiếp khách hay cưới hỏi đều được.

Cô  dâu Việt thời hiện đại có xu hướng mặc  áo dài truyền thống, có thể thêm chiếc áo choàng ngoài và chiếc khăn đóng đội đầu hay chiếc miện phương Tây tùy thích. Đây cũng là điểm đặc biệt của loại trang phục truyền thống này. Nhiều phụ nữ nước ngoài cũng rất thích mặc chiếc áo dài độc đáo này vì nó có cách riêng để tôn lên vẻ đẹp của mọi thân hình. Phần trên ôm sát thân nhưng hai vạt buông thật mềm trên đôi ống quần rộng. Hai tà xẻ chỉ trên vòng eo khiến cho cử chỉ người mặc thật thoải mái lại tạo dáng thướt tha, tôn lên nét đẹp nữ tính vừa kín đáo sau lớp lụa mềm vừa khêu gợi vì chiếc áo làm lộ sống eo.

Điều đặc biệt nữa của chiếc áo dài là mang tính cá nhân hóa rất cao. Mỗi chiếc chỉ may riêng cho mỗi người, dành riêng cho người đó chứ không có công nghệ sản xuất đại trà như các kiểu trang phục thông thường. Tà áo dài còn đi vào văn chương, nghệ thuật với những nét tình tứ rất nên thơ.

Áo dài may bằng lụa Thái Tuấn hay lụa Hà Đông là đặc sản của dân tộc. Áo dài lụa Hà Đông cũng trở thành nguồn cảm hứng cho bộ phim “Áo lụa Hà Đông” của đạo diễn Việt Kiều Lưu Huỳnh và bài thơ cùng tên của thi sĩ Nguyên Sa đã được phổ nhạc thành một bài hát nổi tiếng với những giai điệu trữ tình, quyến rũ:

“Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà  Đông”.
Hay bâng khuâng, xao xuyến:

“Có phải em mang trên áo bay
Hai phần gió thổi, một phần mây
Hay là em gói mây trong áo
Rồi thở cho làn áo trắng bay”.

Các nguyên thủ quốc tế với áo dài Việt




Ngày nay, tà áo dài Việt đã có vị thế thiêng liêng trong đời sống dân tộc. Ngay cả những lễ hội, đại lễ lớn của đất nước như trong tuần lễ cấp cao APEC 2006 được tổ chức tại Hà Nội, trong lễ công bố tuyên bố chung, các nhà kinh tế các nền kinh tế APEC đều mặc trang phục truyền thống chung của nước chủ nhà. Rồi trong cuộc thi Hoa Hậu Hoàn Vũ năm 2008 tổ chức tại Nha Trang, tà áo dài Việt Nam được quảng bá rộng rãi tới bạn bè quốc tế.

Áo dài Việt không chỉ bó hẹp ở phạm vi trong nước mà đã có sức lan tỏa lớn ra toàn thế giới, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Á Hậu Ngô Phương Lan, Hoa Hậu thế giới người Việt đã đoạt vương miện Á Hậu cùng tà áo dài truyền thống của dân tộc năm 2007. Đặc biệt, trong đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội vào năm tới, nhà tạo mẫu David Minh Đức đang tiến hành dự án 1000 chiếc áo dài tôn thêm phần long trọng cho đại lễ này.

Tà  áo dài truyền thống của Việt Nam ngang tầm với các trang phục truyền thống của các nước khác trên thế giới như: bộ sườn xám (Trung Quốc), kimono (Nhật Bản), hanbok (Hàn Quốc), đóng vai trò lớn trong việc giải phóng phụ nữ bằng mốt.

Với con mắt mẫn cảm của mình, chúng ta hãy chiêm ngưỡng dáng hình của dân tộc Việt Nam. Một thiếu nữ đội chiếc nón trắng, dáng hình e lệ với những đường cong, nét đẹp mỹ miều, thanh tân. Người thiếu nữ đó khoác trên mình tà áo dài mang màu xanh cuộc sống thướt tha bay trong gió trong nắng bốn mùa. Mỗi người dân đất Việt luôn lưu giữ trong mình bản sắc truyền thống của dân tộc. Đối với mỗi người Việt Nam, tà áo dài truyền thống là giá trị riêng, một bản sắc riêng không lẫn lộn, cho dù mọi trào lưu trang phục hiện đại đang diễn ra.

Áo dài Việt đã trở thành một thương hiệu đầy tính dân tộc, mang căn gốc dân tộc, không phô trương, màu mè, đã khẳng định được vị thế độc tôn của nó trên thị trường trong và ngoài nước. Hãy nâng niu tà áo Việt! Đó là bản sắc, là linh hồn của đất nước Việt Nam yêu thương ngàn năm văn hiến.

Hoàng Nghĩa

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự