Từ bài học cũ

10:30 14/10/2009

Thuở còn học ở bậc Tiểu học, lứa tuổi của tôi đã được học bài Học Thuộc Lòng có tên là NÊN DÙNG ĐỒ NỘI HOÁ. Đã gần 50 năm trôi qua, thế mà tôi vẫn còn nhớ mãi :
 
Nếp công nghệ ngày xưa để lại.
Đời cạnh tranh ta phải ganh đua,
Ai ơi nên bỏ tiền mua,
Hàng ta ta mặc, chẳng thua kém người.  

Này tơ lụa chính nơi thổ sản,
Ta làm ra ta bán cho ta.
Hàng trơn cho chí hàng hoa,
Đọan, the, gấm, lĩnh, lụa, là thiếu chi.

Muốn dùng đủ, hàng gì cũng có
Đủ mặt hàng hoa nhỏ, hoa to
Màu kia ai khéo điểm tô.
Tơ kia ai dệt ai hồ thêm xinh,

Tội gì cứ ham chăng chuộng lạ.
Kiếm tìm mua ngoại hoá ai ơi,
Hàng ta cũng chẳng kém người,
Khi mua thì phải giữ lời về ta.

Bây giờ phải đua tài làm tốt,
Ngày khéo thêm nay một mai mười.
Vừa mắt ta, ra mắt người,
Khéo ai chẳng chuộng tốt ai chẳng dùng…
 
Đến giờ này, tôi vẫn còn nhớ lời giảng của thầy giáo, nội dung thầy nói là : muốn cho đất nước giàu mạnh và phát triển, thì chúng ta cần phải mua sắm, sử dụng hàng được sản xuất trong nước. Dùng hàng trong nước để giúp người dân có công ăn việc làm, có nghề nghiệp ổn định, góp phần làm giàu cho đất nước…

Hôm nay, đọc thấy phát biểu của một viên chức về thương mại khi được hỏi về phong trào Người Việt dùng hàng Việt, ông đã nói : “Nếu hàng ngoại chất lượng mười và hàng nội chất lượng tám, giá thành như nhau thì tôi vẫn mua hàng ngoại... Chúng ta hiểu rằng vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam không có nghĩa là bảo người ta nên dùng hàng kém chất lượng”. Tôi “lơ mơ ” đặt ra câu hỏi, có điều gì đó bất ổn trong hàng hóa của người Việt so với hàng ngoại chăng ? Và tôi tự đi tìm trong nội dung bài học thầy tôi đã dạy, để mong có lời giải đáp

Cả bài văn, tôi thích nhất là mấy câu cuối và có thể đó là trọng tâm của cả bài văn:  

Bây giờ phải đua tài làm tốt,
Ngày khéo thêm nay một mai mười.
Vừa mắt ta, ra mắt người,
Khéo ai chẳng chuộng, tốt ai chẳng dùng

Thiết tưởng không ai lại vận động người khác đi dùng hàng kém chất lượng, vì thế bài văn mới có lời nhắc nhở, nhưng đó cũng là điều kiện tiên quyết :

Ngày khéo thêm nay một mai mười.

Có  như thế mới không rơi vài tình trạng giá  thành như nhau, mà chất lượng một tám một mười. Chỉ sợ rằng, chất lượng chưa hẳn ai hơn ai, giá cả cũng tương đương nhau mà tâm lý sính hàng ngoại thì đã ăn sâu vào tâm trí của một số người. Ở đây đa số là người đã có thu nhập từ khá đến cao…

Vừa mắt ta, ra mắt người
Khéo ai chẳng chuộng, tốt ai chẳng dùng

Có lẽ không một nhà sản xuất nào lại không biết  điều đó, nhất là trong cơ chế thị trường đòi hỏi phải cạnh tranh như hiện nay. Giao thương hàng hóa giữa các nước là để phát triển nhiều ngành nghề khác nhau của mỗi nước, phát huy thế mạnh của từng quốc gia.Vấn đề ở đây là, cũng có người tiêu dùng chỉ thích mua và sử dụng hàng ngoại, trong khi chưa biết chất lượng của nó ra sao, chỉ khi nào dùng rồi mới biết ! Và cũng là điều đáng nói ở đây, mặt hàng đó có khi chính là sở trường của người Việt….!

Nên nhớ bài học trên ra đời khi nền kinh tế nước ta chưa thực sự phát triển, hàng hóa ngoại chưa tràn ngập như bây giờ, thế mà tác giả đã dự đoán được cái tâm lý của một bộ phận người tiêu dùng:

Tội gì cứ ham chăng chuộng lạ.
Kiếm tìm mua ngoại hoá ai ơi,
Hàng ta cũng chẳng kém người,
Khi mua thì phải giữ lời về ta.

Đó là nói đến thực tế của một bộ phận người tiêu dùng, còn về phía nhà sản xuất thì chính hai câu mở đầu ngắn gọn nhưng đã nói lên tất cả:

Nếp công nghệ ngày xưa để lại.
Đời cạnh tranh ta phải ganh đua,

Bài học của nửa thế kỷ trước vẫn còn đó, nền kinh tế sẽ rất khó phát triển, mục tiêu dân giàu nước mạnh khó đạt được, nếu người tiêu dùng cứ giữ mãi tâm lý sính hàng ngoại, còn nhà sản xuất thì không đặt vấn đề chất lượng và giá cả lên hàng đầu…

Tôn Thất Thọ

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự