Tâm sự của một người tiêu dùng

07:48 14/10/2009

(Bài dự thi) - Phải công nhận người tiêu dùng (NTD) Việt Nam bây giờ sướng thật. Ngày xưa, thời bao cấp, hàng hóa cái gì cũng bán theo tem phiếu hoặc phân phối theo cơ quan, xếp hàng dài dằng dặc để chờ mua, hàng xấu đến mấy cũng phải chấp nhận, cánh đàn ông chỉ mơ lấy vợ là mậu dịch viên. Ngày nay, hàng hóa ê hề, có tiền muốn mua gì cũng được, cánh đàn ông lại đâm ra thích (hoặc sợ) đưa vợ đi siêu thị.

Nhiều người từ các nước phương Tây đến Hà Nội, TP HCM phải tròn xoe mắt phục người Việt lắm tiền và chịu chơi: hàng xịn vừa ra lò ở Nhật, ở châu Âu chỉ một tháng sau đã có mặt tại thị trường Việt, xe hơi triệu đô chạy veo veo trên đường phố, nhà hàng khách sạn, khu nghỉ dưỡng sang trọng đông nghịt khách nội địa. Khủng hoảng khiến tiêu dùng giảm sút trông thấy ở New York, Tokyo nhưng đâu có thấy ở Hà Nội, TP HCM!
Nói vậy cho vui thôi, chứ ở nước ta số đại gia, thiếu gia khiến khách phương Tây phải “lác mắt” vì tiêu xài hàng đắt tiền chỉ là một số rất nhỏ. Còn đại đa số NTD thuộc loại “thường thường bậc trung” như tôi hoặc thu nhập thấp thì mặc dù có sướng hơn nhiều so với ngày xưa, cũng vẫn còn tội nghiệp lắm.

Cứ mỗi lần sắm vai khách mua hàng, được gọi là “thượng đế”, tôi lại thấy chạnh lòng. Đâu phải mọi thứ dành cho thượng đế đều tốt đẹp. Thượng đế gì mà mua bất cứ rau, quả, thịt cá nào cũng phải còng lưng rửa năm lần bảy lượt, hết sục đến ngâm nước muối vẫn cứ ngay ngáy lo ngộ độc; mỗi lần đi xe ôm lại phải móc túi trả thêm tiền vì giá xăng tăng không kịp thở; mỗi lần nhà có người bị bệnh, nghe giá thuốc đã phát ốm; đầu năm học trong khi động viên con trẻ vui vẻ đến trường, người lớn lại méo mặt vì bao nhiêu khoản đóng góp! Đó là mới kể vài thứ nhu cầu cơ bản hàng ngày, còn tiêu dùng khác thì… thôi, chẳng kể ra nữa mà thêm buồn.

Cơ quan chức năng và doanh nghiệp lại khuyên rằng phải trở thành “NTD thông thái”. Nghe vậy, tôi càng hoang mang hoảng sợ. Từ cổ chí kim, có bao nhiêu người được coi là nhà thông thái, mà một kẻ chữ nghĩa chẳng được bao nhiêu như tôi lại dám mơ thành NTD thông thái? Mà thông thái sao được khi bước chân vào nhiều cửa hiệu tôi cứ hoa mắt lên với đủ thứ hàng, đủ kiểu nhãn mác, song khó có thể biết đâu là hàng ta, đâu là hàng “Tây”, đâu là hàng “Tàu”, chất lượng ra sao, có còn thời hạn sử dụng không, giá cả có hợp lí không… Hỏi những người bán hàng thì bao giờ họ chẳng nói toàn những lời “có cánh” về thứ hàng họ bán, nhưng nếu hỏi thêm vài câu nữa, ví dụ về đơn vị sản xuất, về phẩm nhuộm hoặc loại sơn tạo màu sắc cho sản phẩm có độc hại hay không thì họ lườm nguýt ngay. Thông thái sao được khi ti vi, báo chí toàn quảng cáo với đủ mọi lời hay ý đẹp cho các sản phẩm, nhưng chẳng có bao nhiêu thông tin đích thực cần thiết với NTD, để chí ít người ta có thể tin là những đơn vị đã mạnh tay chi cho quảng cáo cũng chắc chắn mạnh tay gấp bội khi chi cho nguyên liệu, công nghệ, quy trình sản xuất, bảo quản… để đảm bảo chất lượng của sản phẩm và giữ cam kết với NTD. Thông thái sao được khi mỗi lần có sự cố gì về chất lượng hàng hóa trên thị trường, thì các cơ quan chức năng lại tranh cãi tùm lum mà không hề xác định nguyên nhân từ đâu, không quy được trách nhiệm về ai, để rồi các vấn đề cứ nóng lên ít hôm rồi lại cứ nguội dần, nhường chỗ cho những cái nóng khác và bỏ mặc NTD bơ vơ chẳng biết tin vào đâu, dựa vào ai để bảo vệ quyền “thượng đế” của mình.

Tôi sống ở thành phố còn thế. Những người dân lành sống ở các vùng nông thôn miền núi còn xa vời với giấc mơ làm “thượng đế”, làm “NTD thông thái” hơn tôi nhiều. Có nhiều dịp đi về các vùng này, tôi thấy rõ điều đó. Hàng hóa ở các phố huyện, các chợ quê thoạt nhìn không kém phần “long lanh”, “trăm hoa đua nở” đâu. Nhưng nhìn kĩ mới thấy hàng tử tế thì ít, hàng xấu hàng rởm thì nhiều. Đau nhất là ở rất nhiều nơi hàng Việt lưa thưa, còn phần lớn là hàng “lạ”, nhãn mác nhuôm nhoam, chữ in loằng ngoằng. Ở những nơi này NTD càng khó có thể hỏi ai về chất lượng sản phẩm. Không ai thông tin, không ai hướng dẫn, chỉ bằng cảm quan hoặc mách bảo lẫn nhau, những người tiêu dùng ở các vùng này đành bằng lòng với nhau với sự lựa chọn hẹp cho nhu cầu mua sắm của mình năm này qua năm khác. Và trong khi doanh nghiệp trong nước ít quan tâm, quan chức nhà nước bận rộn với những đại sự của chính quyền, thì dân buôn nước khác lẳng lặng tràn vào, lấp đầy những quầy hàng ở khắp hang cùng nhõ hẻm, khắp các làng quê với những sản phẩm mà không ai có thể kiểm soát được chất lượng và cách kinh doanh của họ. Tội nghiệp nhất là NTD, thiệt đơn thiệt kép vì đã bỏ ra những đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình để trả cho các sản phẩm tầm tầm, có khi rẻ mà hóa đắt, lại còn mang tiếng là “sính hàng ngoại”!

Khi Bộ Chính trị phát động cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tôi mừng lắm. Có thế chứ! Bao lâu nay ta cứ mải mê đi tìm thị trường ở các xứ người, hàng gì tốt nhất, đẹp nhất đều dành cho xuất khẩu, để rồi đến khi khủng hoảng, giá cả rớt xuống, thị trường co lại mới lo quay về sân nhà cầu cứu NTD nước mình. Bao lâu nay, NTD chúng tôi đã đóng góp vào ngân sách nhà nước qua thuế VAT, thuế nhập khẩu… mỗi khi mua một sản phẩm, thế mà cứ bị coi thường, bị lép vế mãi, thật là bất công. Bây giờ Bộ Chính trị đã đưa ra chủ trương thì các cơ quan, các doanh nghiệp phải nghe, phải biết nghĩ lại, phải tôn trọng chúng tôi, phải coi việc đáp ứng những nhu cầu cuộc sống của chúng tôi, những NTD bình thường cũng là quốc gia đại sự. Thật vậy, khi quốc tế đang lo cần có một hành tinh nữa mới tiêu thụ hết hàng hóa do thế giới này sản xuất ra, thì việc tiêu thụ hàng hóa của từng nước đúng là quốc gia đại sự rồi còn gì nữa!

NTD chúng tôi chỉ mong từng cơ quan nhà nước, từng doanh nghiệp làm đúng, làm tốt phận sự của mình với những công việc cụ thể cần thiết trong cuộc vận động này.

Phạm Chi Lan (Chuyên gia kinh tế)

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự